Vực tàn hơi (Phần 1)
Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành

22/12/2010 00:00

>> Vực tàn hơi (Phần cuối)

Cánh rừng cây không cao, không um tùm tán lá nhưng lại rậm rạp toàn loại giàng giàng, bện xoắn vào nhau tầng tầng lớp lớp. Vạch được lối đi qua thật mệt. Những cánh rừng khác cũng có giàng giàng nhưng không rậm như ở đây. Nơi đó dân vẫn đến cắt về làm chất đốt. Nhất là vào mùa khô, người ta đốt lò nung gạch ngói thì đồi giàng giàng nào cũng trơ trụi hết. Duy cánh rừng này người ta không sờ đến. Chẳng phải vì nó quá hẻo lánh, cũng chả phải vì nó quá linh thiêng, mà ở dưới lớp đất yên bình kia đầy hiểm họa cái chết bất ngờ. Hồi tháng hai năm bảy chín cánh rừng này từng là trận địa tiền duyên của hai phía. Bên ta bố trí vật cản nổ một cách khoa học nhất. Bên kia cũng bố trí vật cản nổ một cách khoa học nhất. Tất cả nhằm mục đích ngăn chặn đối phương tiến công. Thời chiến bên ta bố trí mìn vội vã nên không có sơ đồ, hoặc nếu có thì sơ đồ ấy nằm bẹp ở một ngăn cặp đầy bụi nào đó có tìm cũng khó mà thấy nổi. Còn bên kia có sơ đồ hay không thì có trời mà biết. Bây giờ muốn tháo gỡ hai bãi vật cản nổ của hai phía trên đất ta không phải chuyện đơn giản. Kể cả có muốn tháo gỡ cũng tốn đâu ít thời gian. Vậy mà tốp cửu vạn vẫn phăm phăm rẽ cây đi qua cánh rừng thổ tả ấy. Trong màn mưa xuân trắng trời trắng đất hết ngày này sang ngày khác cây cối rũ rượi nước, đất đồi sĩnh nước, cái ẩm ướt làm ẩm cả hơi thở nặng nhọc, ẩm cả sự sống, ẩm cả cái chết rình rập, cánh cửu vạn chỉ quan tâm mau chóng về đến lán giao hàng cho thoát khỏi những quả núi trên lưng. Hàng nặng ngất ngưởng, bước đi chậm choại, đến người thứ ba lối mòn đã hình thành. Trên thế gian vốn không có đường, đường chẳng qua do người ta đi lại nhiều mà thành, Lỗ Tấn đã viết thế thì phải. Tín nghĩ thầm và bổ sung rằng đường cũng còn do các động vật đi lại nhiều tạo nên nữa. Đàn kiến bé thế mà cũng đi thành đường mòn. Còn bọn chuột cũng chuyên đi một đường mòn quen thuộc của nó. Nhưng đường mòn đời của mỗi người hình như đã được tạo hóa vạch sẵn thì phải. Ai đó muốn cưỡng lại tạo hóa cũng không biết cái đường đi bí mật ấy mà lần. Kể cả các nhà chiêm tinh học, tử vi học tài giỏi mấy cũng chịu bó tay. Nếu có hỏi thì chắc chắn sẽ được trả lời thiên cơ bất khả lậu. Có tiếng cai cửu vang lên rành rẽ:

- Cấm đi chệch ra ngoài! Cấm đặt hàng ra khỏi vệt an toàn! Chết toi mạng cả nút không ai đền đâu.

Biết rồi, nói mãi. Bước chân chậm choại thế này bố ai giữ được đúng cái vệt an toàn rất tương đối này. Cái gọi là an toàn cũng chỉ là người đi trước bước qua chưa bị đoàng, biết đâu người đi sau giẫm vào đúng bước chân người đi trước quả mìn han gỉ kia mới trơn kim và phát nổ. Nhưng vẫn phải cố đi vào vạch sinh tử, dù sao nó cũng vẫn an toàn hơn là bước chệch ra ngoài. Bỗng người đi đầu dừng lại. Cai cửu hỏi:

- Có chuyện gì thế? Tất cả bình tĩnh.

- Có hổ hả - Tiếng ai đó đùa cợt hỏi như hồi hành quân vẫn tếu táo nhau.

- Em bị trật khớp vai. Xử lý một tẹo thôi. Anh Tín giúp em một tay nào.

Sung và Tín thận trọng hạ cục hàng xuống. Cục hàng là cái đầu nổ Tàu nặng tạ rưỡi, hai anh em khiêng chung. Cục hàng to chờm ra khỏi vệt an toàn vì vậy đặt hàng xuống thật nguy hiểm. Chỉ cần nhoàng một cái là hai anh em đã làm mồi cho tử thần, và những người đi cùng đoàn cũng khó tránh khỏi thương vong. Tín bảo Sung:

- Sẵn sàng nằm nhé, nào đặt xuống, hai ba.

Không có chuyện gì xảy ra. Lúc cục hàng sắp chạm đất Tín đã thấy nhột nhột ở cuối xương cụt, tóc gáy cũng rợn rợn. An toàn là may rồi. An lành giây phút nào hay giây phút ấy. Đặt hàng xuống mìn không nổ, nhưng nhấc hàng lên nó mới bật chốt thì sao. Có loại mìn đè nổ, nhưng lúc đè mới chỉ làm bật chốt kim hỏa, thôi đè kim hỏa mới phát nổ. Hồi mới nhập ngũ Tín đã được nghe giảng về tính năng tác dụng các loại mìn của cả ta và địch. Nghe một buổi hàng chục loại mìn không nhớ nổi, nhưng dù sao trong đầu cũng biết đại khái có rất nhiều loại mìn. Lại học cả cách dò gỡ mìn và cách bố trí mìn nữa. Tín nhát chưa một lần thử gỡ hoặc bố trí mìn. Hồi xảy ra sự cố biên giới Tín đi học thông tin, chưa mãn khóa đã phải về phục vụ tiểu đoàn ở chính khu vực này, nhưng mìn thì được tránh xa. Thông tin ở phía sau. Tín qua đào tạo nên không bị tăng cường xuống trung đội hay đại đội ở phía trước. Sau sự cố biên giới Tín được đi học trường quân chính, về làm trung đội trưởng rồi ngoi lên đến trợ lý tác chiến trung đoàn. Cái thời biên giới chỉ nong nóng quân ta vẫn phải đi trinh sát. Vấn đề sơ đồ bãi mìn được hỏi đến. Nhưng lần từ dưới lên trên, lại lần từ trên xuống dưới vẫn không tìm thấy sơ đồ đâu. Nó có thực hay không cũng thế thôi. Tín dẫn một toán trinh sát là học viên trường sĩ quan của Bộ về trung đoàn thực tập đi nắm địch. Qua một dãy đồi thấp cây lúp xúp gặp một cảnh tượng bi tráng có một không hai: xương trắng như hóa thạch chồng chất khắp đồi. Một cuộc thảm sát, một trận đại dịch, hay một trận đánh sinh tử thời xưa đã xảy ra ở vùng biên viễn hẻo lánh này đến nỗi xác người không đủ sức chôn cất mà thú rừng cũng không cả gặm xương người nữa. Khí hậu, thổ nhưỡng vùng này đã làm xương mòn bóng lên. Lúc mới chạm đến bãi xương ấy Tín cũng có cảm giác nhồn nhột xương cụt và sởn tóc gáy như bây giờ. Tuy nhiên đột nhập qua ngả này rất an toàn. Không ai gài mìn ngăn chặn đối phương ở bãi xương ấy. Chuyến đi trinh sát đạt được yêu cầu nhiệm vụ. Khi về qua tiền duyên địch toán trinh sát yên trí thẳng lưng mà bước. Đúng lúc ấy oàng oàng hai lần liên tiếp. Khói tan đã thấy mấy cán bộ quằn quại trong máu. Từ đấy dân cũng không dám lai vãng khu vực có mìn ngày trước nữa. Giàng giàng mọc trên mìn, làm chủ toàn bộ khu vực tiền duyên này. Vậy mà Tín lại phải vượt qua bãi mìn lần nữa chỉ vì miếng cơm manh áo. Anh hiểu rõ hơn ai hết trong toán cửu vạn sự nguy hiểm rình rập sau mỗi bước chân. Sung bị trật khớp vai nên cả toán phải hạ hàng tạm giải lao. Những cục hàng dài gần hai mét, rộng gần một mét khi hạ xuống đều chờm rất nhiều ra khỏi vệt mòn. Vậy mà an toàn cả. Cái liều thắng cả cái chết, cái rủi ro.

Sung dáng thấp đậm, khỏe như vâm, hồi nhỏ ngã bị trật khớp vai. Nào thầy lang, nào bác sĩ bó đi buộc lại cái khớp vai vẫn chưa chịu ở yên trong hốc xương thiên tạo. Những lần sau này bị trật, Sung nhờ người lớn ôm xốc lên dồn cho khớp vào đúng chỗ. Cũng chỉ hơi đau một chút, vung tay vài cái lại bình thường. Từ đó Sung không khiến thầy lang hay bác sĩ nữa. Hôm nay Sung đổi vai, chân bị trượt nên vô ý lại để trật khớp. Tín làm theo hướng dẫn của Sung dồn cho khớp vào đúng chỗ. Nghe ục một tiếng âm âm Sung bảo được rồi. Sung vung vẩy tay vài cái là có thể sẵn sàng lên đường. Tín hỏi:

- Liệu có khiêng nổi hàng tiếp không?

- Bình thường, anh khỏi lo đi.

Toán cửu vạn lại lên hàng đi tiếp. Qua khỏi đồi cây giàng giàng rậm rạp thì tới con đường mòn khá rộng. Nhưng từ đồi xuống đến đường phải qua vách đá cao chừng ba mét dựng đứng. Vách đá không có rêu nhưng vẫn trơn trượt do đá ướt nước mưa. Đi người không vượt qua vách đá này còn khó, thế mà toán cửu vạn lại phải mang hàng vừa cồng kềnh vừa rất nặng. Bên kia đường mòn là vực sâu chóng mặt. Bị trượt chân xuống đường rất dễ bị lăn quá đà xuống vực ấy. Mấy người đi trước vác hàng khéo léo để một mép bao hàng quệt vào vách đá tạo lực cản rồi từ từ trượt xuống đường mòn an toàn. Cũng không thể không nhắc đến giá trị của đôi dép nhựa Tiền Phong trắng dẻo mềm. Nó không bị tuột quai, lại miết vào vách đá khá bám tạo thêm lực cản. Không biết anh cửu nào đã phát hiện ra cái thứ dép lạc mốt này bây giờ lại đắc dụng thế. Có người trung thành với đôi dép lốp vượt Trường Sơn nhưng nó bị tuột quai liên tục, sau một chuyến đi hàng phải chịu cảnh khốn đốn với nó nên đành phải chia tay.

Đến lượt Tín và Sung qua vách đá. Cục hàng bằng sắt của hai anh em không thể làm như hàng mềm của mấy người khác. Sung đi trước phải gồng người chịu sức đè tạ rưỡi của cái đầu nổ. Tín cũng gắng sức ghì cục hàng lại giúp làm giảm sức nặng cho Sung. Sung lẳng lặng căng gân cốt đỡ như vận động viên cử tạ. Chỉ ở những tình huống đặc biệt con người ta tập trung tinh thần bỗng có sức mạnh bộc phát mà lúc bình thường chính người đó cũng không biết hết khả năng của mình.

*

*   *

Sung quê ở vùng chiêm trũng ven sông Lai Hạ. Một nhánh sông này đã bị bồi đắp mất dòng tạo thành những dãy ao hồ lớn liên tiếp nhau. Phần nổi là nhà. Thời xưa dân nghèo vô gia cư đến đây lập nghiệp. Ban đầu họ dựng lều làm nghề chài cá cua ốc. Rồi trồng sậy lấn sông, đấu đất tôn nền làm được nhà. Nhiều nhà thành ấp rồi thành làng. Con sông bị dân ăn hết. Bãi bồi, ruộng trũng dần cấy được lúa. Có thuyết cho rằng họ là một toán quân thủy nhà Mạc thua trận dạt về con sông Lai Hạ này. Viên tướng ra lệnh chôn cất vũ khí, trụ lại đây chờ thời. Chờ mãi phải lấy vợ sinh con đẻ cái. Khi đã thành ấp họ gọi con sông cưu mang mình là sông Lai Hạ, và ông tướng được tôn làm thành hoàng. Ông tướng không có con nối dõi nên sau này Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thần phả đã tha hồ ca tụng vị thành hoàng theo hướng thiêng hóa.

(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vực tàn hơi (Phần 1)<BR><I>Truyện ngắn của Phạm Thuận Thành</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO