Vua - Tôi đồng tâm giữ vững giang sơn

Tiểu luận của NGUYỄN HUY TƯỞNG 31/08/2014 09:41

… Vua tướng nhà Trần, đứng trước một vấn đề sinh tử, đã có cái sáng kiến lạ lùng là hỏi ý kiến quốc dân để quyết định, chắc nghĩ rằng trong sự tồn vong của nước, dân là gốc tất phải có trách nhiệm như những kẻ cầm quyền. Tình cờ, ta đã đi trước Mạnh Đức Tư Cưu hơn năm thế kỷ…

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN
Xem quốc sử, những thiên oanh liệt, những khúc bi ca không thiếu gì. Nhiều khi đọc, ta thấy phấn khởi nức lòng, nhiều khi ta thương tâm thổn thức, nhiều khi ta mắm lợi, nghiến răng. Nhưng ít khi có những sự lạ, đặc biệt, xuất ư ý ngoại, khiến cho ta mang nhiên như đứng trước một vật ở phương xa đưa lại, ngoài khuôn sáo ngày thường. Những chiến công hiển hách như Bạch Đằng, Đống Đa, thủ đoạn phi thường của Trưng Vương, cuộc khởi nghĩa của Lê Thái Tổ, sự thất bại của Giản Định, Trùng Quang, vẫn là những trang bất hủ. Tuy vậy, trong tuồng thiên diễn ở doanh hoan, những việc đó, vẻ vang thực, bi tráng thực, nhưng đời nào chẳng có, mà nước nào chẳng có. Trận Bạch Đằng, Đống Đa so với những chiến thắng của Nã Phá Luân (tứác Napoleon Bonaparte - BTV) hay của Hàn Tín cũng chưa lấy gì làm lạ, và cuộc hưng binh của chân chủ Lam Sơn ví với sự nghiệp của Chu Nguyên Chương cũng không có gì đặc biệt hơn. Những việc khác đại để đều như thế cả. Duy trong sử Việt ta, có một đoạn dị kỳ, nó không chói lọi như vàng, kích động như sấm, nhưng nó biệt lập như một cô phong độc tu. Tôi muốn nói về hội nghị bô lão ở Diên Hồng vào năm Thiệu Bảo thứ 6 đời nhà Trần (1284).

Thuở ấy, Âu châu đang chìm đắm trong chế độ phong kiến, các nước văn minh ở Á Đông còn nép dưới chính thể quân chủ độc đoán. Nước ta cũng vậy. Thế mà giữa lúc tinh thần dân chủ chưa hề mọc mầm ở một nước này và ở nước Tàu mà nhất nhất ta lấy làm khuôn mẫu, thì vua tướng nhà Trần, đứng trước một vấn đề sinh tử, đã có cái sáng kiến lạ lùng là hỏi ý kiến quốc dân để quyết định, chắc nghĩ rằng trong sự tồn vong của nước, dân là gốc tất phải có trách nhiệm như những kẻ cầm quyền. Tình cờ, ta đã đi trước Mạnh Đức Tư Cưu (tức nhà tư tưởng người Pháp Montesquieu - BTV) hơn năm thế kỷ.

Bấy giờ nhà Nguyên quyết ý đánh nước ta. Quân hợp ở Hồ Nam, Quảng Tây, tất cả hơn 50 vạn, dưới quyền tiết chế của Thái tử Thoát Hoan, sắp chia đường sang xâm lấn. Ý Nguyên Thế Tổ là làm cỏ non sông Đại Cồ, nên mới giao cái trọng trách ấy cho con và khởi một số quân đông như thế mà chắc chắn là tinh nhuệ vô cùng. Họ đưa thư sang đòi mượn đường để đánh Chiêm Thành. Các nhà cầm quyền ta ai cũng biết rằng đây là một quỷ kế, nhưng cũng không lạ gì sức mạnh của nhà Nguyên và tài chiến đấu của quân Mông Cổ đã vang lừng tiếng vô địch. Đấu cũng chết mà để cho họ đi qua cũng chết. Vua hội nghị vương hầu ở bến Bình Than. Trong cuộc họp này, ai nấy đều bị chinh phục bởi những tư tưởng trác việt và những nhời nghị luận xác đáng của bậc kỳ tài là Hưng Đạo Vương và đều quả quyết chống cự kẻ xâm lăng. Kế đó, tiến phong Hưng Đạo Vương làm Thượng quốc công, tiết chế cả thủy lục chư quân và chia quân đi phòng ngự giặc.

Tuy đã quả quyết rồi, nhưng hai vua Thánh Tông Thượng hoàng và Nhân Tông Hoàng đế còn do dự. Vì so thế mình với thế giặc chẳng khác trứng chọi với đá. Mà đánh giặc thì ít ra trong nước trên dưới phải đồng lòng như một. Muốn dò ý dân, và nghe lời đề nghị của Hưng Đạo Vương, vua xuống chiếu triệu các kỳ lão trong nước họp ở điện Diên Hồng để trưng cầu ý kiến. Tin ấy truyền ra, thiên hạ đều sửng sốt, chúng ta ngày nay càng sửng sốt hơn. Thực là một điều đặc hạnh cho nhân dân là những kẻ từ xưa đến nay vẫn bị loại ra ngoài vòng chính trị. Vua vời vào kinh bàn việc nước, kể cũng danh giá lắm sao! Có bao giờ thế được? Mà phải lắm, họ cũng là một phần tử trong nước, họ cũng có trách nhiệm về sự tồn vong của nước. Nước là của cả mọi người, phải đâu của một họ? Ai nấy đều cảm khích, phấn khởi và đều ủ trong thâm tâm cái ý tưởng ủng hộ Triều đình (tức là chính phủ) và chiến đấu kỳ cùng cho Tổ quốc.

Trong cái xã hội trọng lễ phép và kính nể người già, thì những người đại diện cho quốc dân tất nhiên là những bậc bô lão. Năm Giáp Thân, mùa đông, tháng mười một, từ những xóm làng cô lâu trong khắp cõi Lạc Hồng, các cụ hăng hái ra đi. Con cháu và dân làng chắc đã may cho các cụ những chiếc áo đẹp, sắm cho các cụ đủ cả tráp trầu, điếu ống, lồng ấp... Họ cử người đi hầu các cụ, và trước khi khởi hành họ chắc đã bầy tỏ ý kiến của họ để các cụ đạt lên chín bệ. Ý kiến ấy là chí quả quyết chiến đấu, không chịu khuất phục quân thù. Các cụ từ bốn phương đi lại, người thì còn quắc thước, người thì đã phải chống gậy tre, người thì tóc hoa râm, người thì chòm râu trắng xóa. Mặt cụ nào cũng nghiêm trang vì trên hai vai già yếu các cụ mang một sứ mệnh lớn lao có quan hệ đến sự sống còn của cả dân tộc. Thăng Long chưa bao giờ được tiếp nhiều bậc lão thành, đạo mạo như thế. Dân Kẻ Chợ kéo ra xem đông như kiến, nói cho đúng họ ra đón những vị đại biểu tuổi cao của toàn quốc. Thực là một quang cảnh lạ lùng có một không hai, một ngày vô cùng long trọng trong lịch sử nước nhà.

Giữa khi ấy, thì Thái tử Thoát Hoan, thấy vua ta bác lời yêu sách mượn đường sang đánh Chiêm Thành, bèn hùng hổ tiến quân phạm bờ cõi. Dân Việt sống trong bầu không khí nặng nề...

Các vị bô lão trang nghiêm đã được hai vua mời vào điện Diên Hồng. Sân rồng, cột tía lần đầu tiên tiếp những khách quê mùa. Vẻ bỡ ngỡ sợ sệt của các cụ già phản ánh với những lâu đài tráng lệ ở chốn tôn nghiêm, bầy ra một cảnh tượng kỳ thú. Sử chỉ sơ lược chép rằng: Năm Giáp Thân, tháng mười hai, nghe quân Nguyên họp ở Hồ Nam, Quảng Tây, hẹn ngày chia đường sang đánh nước ta. Vua cho vời các kỳ lão trong nước đến họp ở thềm điện Diên Hồng, ban cho ăn và hỏi ý kiến đối với quân giặc. Ai nấy đều nói “Nên đánh” như thốt ra cùng một miệng.

Sự biên chép vắn tắt hoàn toàn Đông phương ấy, tuy không làm thỏa mãn tính tò mò muốn biết rõ ràng hơn về bữa tiệc lịch sử này, nhưng ta cũng thấy rung động trong lòng, ta nhường trông rõ nét mặt cương quyết, sống mắt long lanh của các đại biểu, khi các cụ trấn tĩnh cảm động, thu hết tàn lực để thốt ra, trước mặt quân vương, một câu đáp vắn tắt, hùng hồn, đanh thép, nó là kết tinh của lòng hăng hái và chí chiến đấu với quân thù của cả quốc dân. Trước cái lòng nhiệt thành, quả cảm và đức tin của các kỳ lão, hai vua và triều đình tất cũng phải như ta rung động đến tận đáy lòng. Bao nhiêu do dự đều tiêu tán hết: sau lưng tướng sỹ còn tất cả mấy triệu người dân làm hậu thuẫn, mấy triệu dân quả quyết một còn, một chết và gắn chặt với nhau bằng một mối đồng tâm sắt đá.

Hai vua có thể nói với các tướng sỹ: “Các ngươi đi đi, đi mà đánh đuổi quân thù, đi mà tìm lấy cái chết vinh quang để bảo vệ đất đai, nòi giống. Nước Việt là của chung, là của các ngươi đó. Các ngươi đi đi, đi và tin rằng cùng với các ngươi, cả nước đều một lòng quyết chiến; sau các ngươi còn cả mấy triệu dân đồng tâm hiệp lực, sẵn sàng chống cự đến kẻ cuối cùng. Các bậc kỳ lão là cha anh các ngươi, là những người tai mắt trong nước mà trẫm vừa triệu đến để hỏi ý kiến đã đồng thanh xin đánh. Ý mọi người đã quyết. Ta chỉ có việc là đánh, đánh đến toàn thắng mới thôi. Không có sức mạnh nào có thể phá tan được khối đồng tâm vững như núi Thái Sơn của chúng ta được. Hỡi tướng sỹ! Các ngươi đi đi, chúng ta không mấy lúc sẽ tấu khúc khải hoàn vì chúng ta đoàn kết”.

Hồn nước không bao giờ tỉnh như thế. Trước làn sóng hung mạnh của rợ Mông, cả nước Việt đứng lên, thành một con đê án ngữ để bảo vệ núi sông, tôn miếu, ruộng nương và cả di sản thiêng liêng của giống nòi từ nghìn xưa để lại. Đồng thời với cuộc tiến binh của Thoát Hoan, tiếng giả nhời của các bô lão đã vọng ra ngoài biên ải như một nhời cảnh cáo, hơn nữa, như một nhời đe dọa.

Người ta chỉ biết ca tụng cái chiến công oanh liệt là Bạch Đằng. Nhưng không ai biết rằng trận Bạch Đằng không lạ; mà hội nghị Diên Hồng mới lạ. Bạch Đằng chỉ là cái kết quả tất nhiên của cuộc hội nghị có tính cách hoàn toàn dân chủ kia.

Đành rằng sở dĩ ông cha ta đã thắng giặc Nguyên một cách vẻ vang phần lớn là nhờ ở tài dùng binh, ở cơ mưu và ở gan bền tựa sắt của đức Trần Hưng Đạo cùng lòng tận trung báo quốc của các tướng sỹ. Nhưng cũng mạnh vì nhời đáp của các bô lão mà vua tôi phấn khởi, chiến sỹ nức lòng, nhân tài lũ lượt kéo ra, dân gian tranh nhau giúp sức quan quân, hoặc ra ủng hộ, hoặc tiếp tế lương; riêng sự ủng hộ về tinh thần cũng đã tốt đẹp lắm rồi. Ta có cảm tưởng rằng cả nước lúc ấy tham dự chiến tranh, cả nước chỉ là một người. Dân đánh, là đánh cho họ, không phải đánh cho ai cả. Chưa bao giờ vua, triều đình và dân gian lại hòa hợp, thân mật với nhau như thế, chưa bao giờ tinh thần quốc gia, tinh thần chủng tộc lại mạnh như thế. Cũng vì mối đồng tâm bất khả xâm phạm ấy mà mặc dầu quốc thế nguy như trứng chồng, mặc dầu sự phản bội của vài người tôn thất, ông cha ta đã giữ vững được giang sơn, để lại cho hậu thế một cái gương nỗ lực chung và một sự hy sinh chói lọi.

Hoặc có người bảo việc triệu các bô lão là một mánh khóe chính trị của vua Trần. Vua đã lợi dụng các bô lão để yên lòng dân, để khuyến khích tướng sỹ liều chết mà bảo vệ ngôi báu. Có lẽ lắm, nhưng có hề chi, khi mánh khóe ấy đã gây được mối đồng tâm và lòng quyết chiến của cả một dân tộc? Huống chi những bậc kinh quốc đại gia chỉ là những nhà chính trị khôn ngoan, có gì là đáng trách? Ta chỉ biết rằng vua tướng nhà Trần đã có một cái sáng kiến tuyệt luân, cái sáng kiến ấy đã đưa đến khúc khải hoàn ở Hàm Tử, ở Chương Dương, ở Tây Kết, ở Bạch Đằng mà sử xanh còn ghi mãi về muôn đời, nó còn cho ta một bài học đáng ngẫm nghĩ là trước sự đoàn kết của một dân tộc, dù là một dân tộc yếu hèn, thì mọi cuộc xâm lăng dù khôn khéo, dữ dội đến đâu cũng thành ra vô hiệu.

_______________

* Tên bài do Đại biểu nhân dân đặt. Bài đăng trên Tri Tân số 17, Đặc san về Trần Hưng Đạo, 3.10.1941

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vua - Tôi đồng tâm giữ vững giang sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO