Khởi động lại hoạt động văn hóa - nghệ thuật

Vừa làm vừa lo

- Thứ Tư, 20/05/2020, 07:11 - Chia sẻ
Sau thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong nước đang thích nghi dần với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, hầu hết đơn vị nghệ thuật đều trong tâm lý vừa làm vừa lo sợ những rủi ro, nhất là việc kéo khán giả trở lại.

Khó khăn và khó đoán

Thời gian qua nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật do dịch Covid-19 phải chịu những ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn. Điều đó được phản ánh qua việc đóng cửa, dừng hoạt động ở các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng... Tình trạng này khiến nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim, giám tuyển, cá nhân thực hành văn hóa và nghệ thuật... bị cắt giảm lương/thù lao, thậm chí phải nghỉ việc, mất hẳn các nguồn thu. Để thích nghi với hoàn cảnh, nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật đã sử dụng mạng intenet và nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh Youtube, biểu diễn trực tuyến, tạo nên không khí mới cho đời sống văn hóa - nghệ thuật trong thời kỳ dịch bệnh, hình thành thêm thói quen thưởng thức nghệ thuật mới cho người dân.


Các đơn vị nghệ thuật đang rất cần được hỗ trợ để duy trì hoạt động
Nguồn: ITN

Tuy nhiên, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, một số lĩnh vực bắt đầu hoạt động trở lại, mặc dù khá cầm chừng và dè dặt. Lĩnh vực điện ảnh được khởi động gần như đầu tiên, từ ngày 9.5, khi các rạp mở cửa trở lại, song đại diện một số rạp cho biết, họ chỉ chiếu các bộ phim vốn đang chiếu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 trước khi phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19. Các dự án phim điện ảnh dự kiến ra rạp trước đó vẫn trong tình trạng “đóng băng” hoặc đã thông báo lùi sang năm 2021. Theo nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hiền, những người làm nghề và khán giả ai cũng hào hứng khi rạp chiếu phim mở cửa trở lại. Song do tình hình vẫn còn khá khó khăn và có phần hơi khó đoán khi chưa có phim mới ra rạp nhiều nên thị trường phim vẫn phải chờ đợi, nghe ngóng thêm... 

Ngày 14.5, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi động vở diễn “Nữ cảnh sát SBC”, đánh dấu sự quay trở lại chính thức của Nhà hát sau thời gian dài im ắng vì đại dịch. Nhà hát Tuồng Việt Nam bắt đầu biểu diễn các trích đoạn tại phố đi bộ Hoàn Kiếm từ tối 15.5. Các đơn vị như Đoàn kịch Luc Team, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Rạp Xiếc Trung ương... đang tập vở, chuẩn bị cho những ngày sáng đèn sắp tới. Hầu hết các bảo tàng, di tích, nhà văn hóa... cũng đã mở cửa trở lại.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, dẫu tình hình hiện nay đã có đôi chút khả quan, nhưng thực tế cho thấy chúng ta có thể vẫn phải sống chung với dịch bệnh trong một thời gian dài. Vì vậy, việc chuyển sang giai đoạn với trạng thái bình thường mới buộc chúng ta phải có cách thức hoạt động khác trước, trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc, quy định về phòng, chống dịch.

Tìm hướng đi mới

Việc các đơn vị văn hóa - nghệ thuật biểu diễn, trưng bày, giới thiệu thử nghiệm các chương trình online trong thời gian thực hiện giãn cách do đại dịch Covid-19 đã gợi mở hướng đi mới, tạo đà cho những người làm nghệ thuật phải thích nghi và chuyển mình phù hợp với hoàn cảnh. Theo đại diện các khu di tích, bảo tàng ở Hà Nội, mặc dù mở cửa trở lại, song số vé bán ra tương ứng với lượng khách rất ít, do thông thường những nơi đây chủ yếu đón khách quốc tế và một phần do nhiều trường học, cơ quan, đơn vị chưa sẵn sàng tổ chức hoạt động trải nghiệm. Về phía các nhà hát nghệ thuật, việc biểu diễn tác phẩm thời gian tới cũng phải tính đến những rủi ro không mong muốn vì có thể thiếu vắng khán giả…

Để vượt qua khó khăn thời điểm này, nhiều đơn vị đã nghĩ đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang nền tảng trực tuyến, tinh giản nhân lực và tối đa hóa nguồn lực; xây dựng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mới phù hợp với bối cảnh sau dịch bệnh cũng như nuôi dưỡng nguồn khán giả. Đại diện một số đơn vị nghệ thuật cho biết, để khán giả trở lại thói quen vào xem trực tiếp tại nhà hát, rạp chiếu, các bảo tàng, khu di tích, đem lại nguồn thu cho người làm nghệ thuật, họ đã lên kế hoạch để có những sản phẩm hay, chất lượng; hoặc thay đổi cách thức tổ chức bảo đảm các điều kiện an toàn cho khán giả. Một số bảo tàng, khu di tích, không gian văn hóa đã tính đến việc tổ chức các tour ảo khám phá trải nghiệm, triển lãm trực tuyến hay hình thức truyền hình trực tuyến, livestream... để đối phó với tình trạng vắng bóng công chúng và khách tham quan.

Mặc dù hoạt động văn hóa - nghệ thuật đang tìm cách thích nghi với đời sống mới nhưng trên thực tế vẫn có gần 47.000 đơn vị không có nguồn lực tài chính lớn, rất cần có sự trợ giúp từ phía Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các đơn vị văn hóa - nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi mùa dịch theo đề xuất của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam chỉ có thể giúp giải quyết những khó khăn trước mắt đối với nghệ thuật, trước khi kéo được khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp chiếu, nhà hát, bảo tàng. Lãnh đạo các đơn vị đều có chung mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn có định hướng lâu dài hơn, như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật... Ngay cả bài toán về khán giả cũng phải có những đề án để xây dựng thế hệ công chúng mới cho nghệ thuật, đặc biệt là việc tiếp cận cùng lúc nhiều thế hệ khán giả.

Hương Sen