“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Dự thảo Dự án Luật Quản lý ngoại thương hướng tới mục tiêu thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương, tránh sự chồng chéo, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch. Tuy nhiên, tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương do Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tổ chức vừa qua, có ý kiến lo ngại rằng, việc dự thảo Luật giao Bộ Công thương vừa có quyền ra các quyết định quản lý, vừa có quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo xử lý vi phạm pháp luật về ngoại thương sẽ không tạo được cơ chế minh bạch.
Câu chuyện phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn là một vấn đề khó mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được một cách dứt điểm. Vì thế, việc phối hợp trong hoạt động ngoại thương cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương quy định, Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương và chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương. Từ thực tế vướng mắc trong khâu phối hợp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội cho rằng, để rõ chức năng, nhiệm vụ và làm cơ sở cho việc xác định trách nhiệm thì cần phải làm rõ Bộ Công thương chủ trì những nhiệm vụ gì, phối hợp với các bộ thì phối hợp như thế nào và ngược lại, không thể chung chung.
Việc giao cho Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước là điều cần thiết. Đó cũng là cách để xác định “địa chỉ” trách nhiệm khi có các sai phạm xảy ra. Do vậy, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương lần này đã trao cho Bộ Công thương tới 9 quyền, trong đó, đáng chú ý nhất là Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương trong đó có việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về ngoại thương theo thẩm quyền. Về vấn đề này, có ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, việc giao cho Bộ Công thương - cơ quan vừa có quyền ra quyết định quản lý vừa có quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ngoại thương có thể dễ xảy hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và tạo cơ chế minh bạch trong hoạt động quản lý ngoại thương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội đề nghị, nên chuyển chức năng thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về ngoại thương theo thẩm quyền cho một cơ quan khác ngoài Bộ Công thương thực hiện. Các cơ quan đó có thể là Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát hay Tòa án… Có lẽ, sự lo ngại về tính minh bạch cũng là điều dễ hiểu khi quy định quyền lực cho một chủ thể quản lý nhưng lại chưa xây dựng cơ chế kiểm soát hoạt động để bảo đảm tính minh bạch. Đây cũng là vấn đề quan tâm của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khi thảo luận về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua. Đưa ra dẫn chứng, ở một số nước, ngoài Bộ Công thương còn có một, hai tổ chức ngang bộ khác thực hiện chức năng quản lý về ngoại thương như Hội đồng quản lý ngoại thương trực thuộc Chính phủ làm đầu mối và phối hợp. Dù đồng tình với việc tăng quyền cho Bộ Công thương nhưng đại biểu Nghĩa cho rằng, có những vấn đề cần sự phối hợp của nhiều ngành, nếu không thành lập Hội đồng quản lý ngoại thương có thể dẫn đến một bộ nào đó gây phiền nhiễu cho các doanh nghiệp... Hội đồng quản lý ngoại thương trực thuộc Chính phủ cũng là cách để có thể làm rõ vai trò đầu mối và vai trò chủ trì của Bộ Công thương, lúc nào là đầu mối, lúc nào là chủ trì, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Việc tăng quyền cho Bộ Công thương - cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý ngoại thương trước Chính phủ là tất yếu. Tuy nhiên, giao như thế nào, quyền hạn đến đâu thì Ban soạn thảo phải hết sức cân nhắc và cần có cơ chế kiểm soát để tránh cơ chế xin - cho, lạm quyền.