“Vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng công việc phải liên tục, không gián đoạn
Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan đang phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thực hiện các công việc với yêu cầu quan trọng nhất là “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng công việc phải liên tục, không để gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều nay, 7.5, các ĐBQH thảo luận ở Tổ về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Việc lấy ý kiến nhân dân đa dạng, linh hoạt với nhiều hình thức phong phú
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngay sau khi được thành lập, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã tổ chức phiên họp và nhất trí thông qua 6 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban.

Cụ thể gồm: dự thảo Tờ trình Quốc hội về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự thảo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; dự thảo Nghị quyết phân công nhiệm vụ của thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; dự thảo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; dự thảo Kế hoạch phục vụ các phiên họp của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các cơ quan đã phối hợp rất tốt, triển khai hiệu quả, kịp thời các công việc theo đúng quy trình, thủ tục. Trong đó, việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 rất đa dạng, linh hoạt với nhiều hình thức phong phú; thu hút được sự quan tâm góp ý của người dân và các đại biểu Quốc hội có thể theo dõi, giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Nhân dân sẽ có nhiều sáng kiến, ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hiện nay Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan đang phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thực hiện các công việc với yêu cầu quan trọng nhất là “vừa chạy vừa xếp hàng” nhưng công việc phải liên tục, không để gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp. Các giấy tờ của người dân, của doanh nghiệp nếu loại giấy tờ nào còn sử dụng được thì không nhất thiết phải đổi; trong trường hợp cần thiết đổi thì không phải trả chi phí.

Đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh quan điểm, cán bộ, công chức đã làm việc trong hệ thống công chức của nhà nước thì phải cống hiến hết mình, vì Nhân dân, vì Tổ quốc. Cả nước đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng đất nước Việt Nam vươn mình, phát triển thịnh vượng; khát vọng này không phải là khát vọng chung chung, mà phải là khát vọng của từng con người, mà trước hết là của từng người trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Tránh lạm quyền hoặc thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện
Cho ý kiến về phân loại đơn vị hành chính tại Điều 3 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) nêu rõ, dự thảo Luật chuyển thẩm quyền quy định về các tiêu chí phân loại đơn vị hành chính từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Chính phủ để phù hợp với thẩm quyền quyết định công nhận loại đơn vị hành chính các cấp (khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật).
Hiện nay, việc phân loại đơn vị hành chính đang được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022).
Đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rõ hơn về căn cứ pháp lý của việc đề xuất sửa đổi thẩm quyền nêu trên.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (Điều 4), đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, “kiểm soát quyền lực” là nguyên tắc hiến định, là giá trị cốt lõi trong tổ chức, hoạt động quyền lực của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đây là một nội dung đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, thể chế ngày càng cụ thể hơn tại nhiều văn bản trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Dương Bình Phú cũng đề nghị, cần bổ sung một khoản tại Điều 4 dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn nguyên tắc “kiểm soát quyền lực”, bảo đảm quyền lực Nhà nước khi được phân cấp, phân quyền, ủy quyền sẽ tránh tình trạng lạm quyền hoặc thiếu minh bạch trong tổ chức thực hiện.
Cụ thể, nên bỏ cụm từ “gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực” tại cuối khoản 2 và bổ sung vào khoản 7, như sau: “Chính quyền địa phương phải bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong hoạt động quản lý, thực hiện đầy đủ cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan dân cử”.
Điều 16 và Điều 17 dự thảo Luật bổ sung quy định về UBND tỉnh. Cụ thể, khoản 15, Điều 16 quy định “căn cứ tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã nhằm nâng cao năng lực, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển các đô thị, đặc khu”.
Khoản 19, Điều 17 quy định Chủ tịch UBND tỉnh, “căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị của cấp xã, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quản lý và phát triển đô thị, đặc khu”.

ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho rằng, nguyên tắc, phạm vi, nội dung, điều kiện... phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã được quy định rất đầy đủ tại Điều 13 và Điều 14 của dự thảo Luật.
Hơn nữa, việc Chủ tịch UBND, UBND có tăng cường phân cấp, ủy quyền hay không thuộc vấn đề quản lý, điều hành, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị không quy định trong Luật về vấn đề này mà để Chính phủ quy định chi tiết.