Vụ Vinasun kiện Grab: Thận trọng hay bế tắc?

Hà Lan 28/11/2018 08:25

Đã gần 10 tháng trôi qua kể từ thời điểm Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện giữa hãng taxi Vinasun và nhà cung cấp dịch vụ gọi xe Grab với khoản tiền yêu cầu bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng. Và cho đến nay vẫn chưa có phán quyết nào được đưa ra.

Có phải Hội đồng xét xử đã chọn phương án cẩn trọng thông qua việc nhiều lần quay lại phần xét hỏi để làm rõ các khoản thiệt hại thực tế cũng như quyết định hoãn việc tuyên án nhằm làm rõ các vấn đề liên quan này? Hay thực chất vụ việc đang rơi vào bế tắc?

Các cuộc tranh luận giữa nguyên đơn và bị đơn tại tòa dường như không có hồi kết và cũng không có nhiều tình tiết mới. Đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun cũng không chịu xuất đầu lộ diện trong các phiên xét xử để tham gia vào quá trình tranh tụng.

Nhiều luật sư nói rằng, trong quá trình hỗ trợ khách hàng (cả nguyên đơn và bị đơn), nhiệm vụ khó khăn nhất, phức tạp nhất và đau đầu nhất với họ là chứng minh được thiệt hại xảy ra là hệ quả của hành vi vi phạm pháp luật. Điều này không phải là ngoại lệ trong tranh chấp giữa Vinasun và Grab. Báo chí dẫn lời của thẩm phán Lê Công Toại, chủ tọa phiên tòa, thừa nhận “thiệt hại của Vinasun có thể có nhưng để chứng minh rất khó, có sự chủ quan của doanh nghiệp, khách quan của thị trường”. Rõ ràng đang có nhiều “công ty công nghệ” tham gia thị trường cùng với Grab. Việc Vinasun chỉ kiện duy nhất Grab là quyền của Vinasun, nhưng nếu khẳng định Grab phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho sự sụt giảm lợi nhuận của Vinasun thì có phần khiên cưỡng và không hoàn toàn thuyết phục.

Ngày 30.11 tới đây phiên xét xử vụ kiện được mở lại. Chúng ta có thể không đoán được kết quả nhưng có hai điều có vẻ chắc chắn hơn. Một là dù phán quyết thế nào thì cơ quan tài phán hẳn cũng khó làm đẹp lòng cả nguyên đơn, bị đơn và những người quan tâm tới vụ kiện. Hai là, các công ty hoạt động theo mô hình mới sẽ nhìn vào phán quyết này để cân nhắc quyết định đầu tư.

Thực tế, việc định danh Uber, Grab là gì trong hoạt động vận tải vẫn gây tranh cãi trên toàn thế giới và mô hình kinh tế chia sẻ kiểu này cũng đang gây đau đầu cho giới quản lý. Tuy vậy, cách tiếp cận của họ là sửa đổi quy định nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến con người mà mô hình này gây ra chứ không phải nhằm quản lý cho bằng được.

Nói như nhiều chuyên gia, quả là đang có một phép thử mang tên Grab về mức độ tương thích và tinh thần sẵn sàng chuyển đổi của chúng ta trước cuộc Cách mạng công nghiệp - công nghệ 4.0. Nếu cơ quan quản lý tìm cách chuyển những ngành nghề mới của kinh tế chia sẻ về những loại đã có sẵn (thay vì xây dựng chính sách quản lý mới cho ngành nghề kinh doanh mới) thì có thể thuận tiện cho quản lý nhưng sẽ triệt tiêu lợi ích mà những nền tảng công nghệ này mang lại và ảnh hưởng đến cả lợi ích người tiêu dùng. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới cũng sẽ nhìn vào đây mà ngán ngại đầu tư, khi đó nền kinh tế sẽ chịu thiệt. Hơn thế nữa, tư duy quản lý như vậy sẽ là một rào cản lớn để chúng ta bắt kịp xu hướng phát triển của kỷ nguyên số, chưa nói tới việc Việt Nam có được những gương mặt kinh tế chia sẻ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vụ Vinasun kiện Grab: Thận trọng hay bế tắc?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO