Vũ khí thô sơ, lòng dân như sóng biển

Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang diễn ra triển lãm Vũ khí thô sơ tự tạo - Di sản văn hóa quân sự Việt Nam đặc sắc. Đây được coi là bộ sưu tập hiện vật vũ khí thô sơ, tự tạo có một không hai, tiêu biểu và đặc sắc của Việt Nam.

04-Vu-khi-25009-300A1.jpg

Mỗi người dân là một chiến sỹ

Năm 1946, khi tình thế đất nước ngàn cân treo  sợi tóc, thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc thuổng gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”. Để có vũ khí đánh giặc, quân và dân ta đã sản xuất ra nhiều loại vũ khí tự tạo: có loại rất thô sơ, có loại được cải tiến từ phương tiện, dụng cụ sinh hoạt, sản xuất, có loại lấy của địch cải tiến để đánh địch... Bằng chất liệu có sẵn ở địa phương như tre, gỗ, đá... thu nhặt thanh ray của đường sắt, mẩu sắt, thép, cướp vũ khí của địch, quân và dân ta đã chế tạo thành hầm chông, cạm bẫy, mã tấu, dao rựa, cung nỏ, ong vò vẽ, lá độc... để đánh địch.

Không chỉ có vũ khí đánh xa, đánh gần, quân và dân ta còn chế tạo ra nhiều loại vũ khí nóng, thô sơ nhưng có uy lực lớn hơn như các loại bom, mìn, ống phóng... đủ sức diệt các loại phương tiện chiến tranh hiện đại của địch như xe tăng, xe bọc thép, phá sập lô cốt, tháp canh. Tính đến năm 1954, ngoài các loại vũ khí thô sơ, vũ khí do quân và dân ta chế tạo như bom, mìn, súng..., thực dân Pháp xác nhận gồm 69 kiểu. Theo tài liệu của Cục Dân quân Tự vệ, tính đến đầu năm 1954, ta đã sản xuất được 50.000 sản phẩm nguyên chiếc và chi tiết các loại súng đạn thô sơ, tự tạo.

Trong kháng chiến chống Mỹ nhiều địa phương trên địa bàn khu 5, miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã sản xuất ra nhiều loại vũ khí thô sơ, tự tạo nổi tiếng như chông đu, chông rải, chông phóng, giàn thun, các loại mìn bố trí trên bờ, dưới nước..., người Việt Nam, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể sử dụng, ai cũng có thể sản xuất và được sử dụng đánh địch trong mọi địa hình, điều kiện thời tiết. Với phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi căn nhà, đoạn đường, khúc sông, quả đồi, làng bản, khu phố... là trận địa giết giặc”, quân và dân ta đã tạo nên sức mạnh to lớn, tạo ra thế tiến công rộng khắp, liên tục của chiến tranh nhân dân, làm cho kẻ thù nhiều phen khiếp vía, kinh hoàng, góp phần quan trọng đánh bại mọi mưu đồ của địch, góp phần giành thắng lợi to lớn. Thời báo Mỹ số ra ngày 28.11.1966 viết: “Thần chết luôn rình rập họ khi bước xuống ruộng lúa, đụng tay vào từng chiếc gáo dừa, mở ra một cánh cửa, nhấc một cái áo, gạt một nhánh lá khô trên đường đi”... “bất luận ở đâu, qua mỗi cuộc tuần tra, người lính nào cũng phải nghĩ rằng: bước thêm bước nữa có thể là bước đi cuối cùng của đời mình”. Bài báo khẳng định: “chúng ta (Mỹ) phải đương đầu với đội quân du kích tài tình nhất và chưa từng thấy trong lịch sử loài người”.

04-Vu-khi-25009-300A2.jpg

Đá cũng trở thành vũ khí

Thiếu tá Phạm Văn Phi, Phó trưởng phòng Nghiên cứu, Sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: triển lãm giới thiệu 716 hiện vật là những vũ khí thô sơ tự tạo do Việt Nam sản xuất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từ năm 1945-1975. Bộ sưu tập gồm 18 loại vũ khí lạnh hay còn gọi là bạch khí gồm cung, nỏ, giáo, mác, chông, bẫy đá... và năm loại vũ khí nóng như mìn, lựu đạn, súng, đạn, thủy lôi, súng bộ binh, các loại vũ khí lớn như súng cối, bazoka, SKZ...

Ngoài khẩu súng cối 187 ly do Anh hùng Trần Đại Nghĩa sáng chế, còn có nhiều loại vũ khí “độc” Made in Việt Nam. Lính Pháp khi đi càn quét thường cướp phá mọi thứ, vì vậy, năm 1952, du kích ở Nam Định đã chôn giấu thuốc nổ dưới các cây có quả chín. Ông Ba Hòa ở Tổ sản xuất vũ khí thô sơ của xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày, Bến Tre đã sản xuất súng ngựa trời trang bị cho nhân dân và du kích trong cuộc đồng khởi ở Bến Tre năm 1960. Loại mìn lá được gài trên cành cây có thể diệt máy bay địch. Gió từ cánh quạt máy bay tác động làm hai lá mìn cụp xuống gây nổ. Chiếc xe đạp Thống nhất trở thành vũ khí cảm tử khi thuốc nổ được dồn vào các ống tuýp của khung xe. Cảm tử quân đạp xe đến nơi có đông quân giặc, cù đèn làm sáng bóng đèn của xe để kích nổ thuốc nổ. Vũ khí thô sơ được xác định có tuổi đời lâu nhất là thanh long đao của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong khởi nghĩa Yên Thế năm 1896. Năm 1945, nông dân Hương Sơn, Hà Tĩnh đã dùng cây long đao này tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Vũ khí thô sơ nhất là bẫy đá, gắn với tên tuổi của anh hùng lực lượng vũ trang Pinăng Tắc ở Phước Thành, huyện Bác Ái, Ninh Thuận...

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Vũ khí thô sơ, tự tạo là sản phẩm của ý chí tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta, phản ánh đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, với các nhà quân sự nước ngoài, điều đó đã vượt xa khuôn khổ vũ khí, phương tiện chiến đấu, chiến thuật, trở thành “một phương thức chiến tranh”. Đó chính là một trong những nét thần kỳ của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Văn hóa

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.