Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, cùng với cả hệ thống chính trị, Quốc hội, HĐND - những cơ quan đại biểu đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân đã, đang từng bước đổi mới, đồng hành với Chính phủ kiến tạo một chính quyền xuyên suốt hành động, vì dân bảo vệ nền độc lập như chính kỳ vọng của Người.
“Chìa khóa” tỏa sáng trong thực hiện vai trò, trọng trách
Một trong những chức năng quan trọng, khẳng định vị thế vai trò của cơ quan dân cử đó chính là chức năng quyết định. Từ khi ra đời đến nay, Quốc hội, HĐND với vị trí, vai trò Hiến định đã thực hiện tốt trọng trách quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc, của từng địa phương, xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Thực hiện tốt chức năng quyết định, trong thời chiến, Quốc hội, HĐND góp phần quan trọng vào công cuộc giữ nước; trong thời bình, các quyết sách góp phần phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ngoài chất lượng và tâm huyết đại biểu dân cử được nâng lên, sự đồng hành tin tưởng của cử tri và các tầng lớp Nhân dân chính là “chìa khóa” góp phần quan trọng để cơ quan dân cử tỏa sáng trong thực hiện vai trò, trọng trách to lớn của mình trước vận mệnh của quốc gia, từng địa phương.
Có thể thấy rất rõ trong chặng đường 78 năm ra đời và phát triển đến nay, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay về chất và lượng. Trong thực hiện chức năng quyết định, Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp hơn trong thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp. Minh chứng rõ nét nhất là cùng với sự ra đời của bản Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ.
Điểm quan trọng nhất của công tác này chính là Quốc hội đã tạo dựng được về cơ bản cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đặc biệt, các quy định về "kiểm soát quyền lực nhà nước" trong nguyên tắc tổ chức, vận hành của nhà nước cũng là một bước đột phá trong bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, đặt quyền lực nhà nước trong giới hạn mà Nhân dân ủy quyền, kiểm soát nhằm hạn chế lộng quyền, lạm quyền. Các quy định về dân chủ được đẩy mạnh, các quyền hiến định của Nhân dân, nhất là quyền dân chủ trực tiếp đã được từng bước cụ thể hóa trong các Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở... Quyền dân chủ trực tiếp thông qua hoạt động bầu cử, ứng cử; tham gia vào quản lý nhà nước của Nhân dân tiếp tục được củng cố và có những bước tiến quan trọng. Quyền làm chủ gián tiếp của Nhân dân, đặc biệt là thông qua cơ quan đại diện ngày càng được hoàn thiện về mặt pháp lý.
Đặc biệt, gần đây nhất với sự ra đời của Luật Đất đai năm 2024, nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn quản lý đất đai được cơ quan soạn thảo đưa vào dự án, lấy ý kiến Nhân dân đầy đủ. Các vấn đề cử tri và Nhân dân chỉ ra được tôn trọng tiếp thu và thể chế hóa vào luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Sự ra đời của luật được cử tri và Nhân dân đánh giá cao, đặc biệt là những điểm mới đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư… Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Cùng với Quốc hội, HĐND các cấp cũng đã phát huy vai trò quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương thông qua việc ban hành các nghị quyết, đưa chủ trương đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hôi, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từ đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Thanh bảo kiếm sắc bén
Để bảo vệ lời thề linh thiêng của Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, cơ quan dân cử cũng đã sử dụng rất hiệu quả “thượng phương bảo kiếm” mà cử tri và Nhân dân trao cho, đó chính là thực hiện quyền giám sát. Đối với Quốc hội đó còn là quyền giám sát tối cao. Chính chức năng này đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền tự do, độc lập từ mỗi tế bào của xã hội đến cả cộng đồng và rộng hơn là cả dân tộc. Những bất cập trong thực tiễn thực thi Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của HĐND đã được chỉ ra rõ ràng, cụ thể thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Không chỉ sắc bén trong giám sát thông qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn, nghị trường Diên Hồng cũng từng “nóng” lên bởi những phiên thảo luận về kết quả giám sát tối cao đối với các chuyên đề mà cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. Nhiều vướng mắc được đưa ra phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, đặc biệt là các phiên giám sát tối cao được công khai để cử tri và Nhân dân đồng hành, theo dõi.
“Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ rộng mà còn rất sâu sắc, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân. Nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc từ thực tiễn, cử tri phản ánh được Quốc hội tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu và đại biểu đã đưa tiếng nói của chúng tôi tới nghị trường Diên Hồng” - cử tri Lê Hải Dương - Hà Tĩnh tin tưởng.
Cộng hưởng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm đó, hoạt động giám sát của HĐND các địa phương từ khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được thực thi đã quy củ, khoa học, bài bản và hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý đã cộng hưởng với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của đại biểu kết lại thành những “quả ngọt”. Đích đến chính là các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm, bức xúc được tiếp thu, kiên trì xem xét, giải quyết thấu đáo, không để cử tri phải trăn trở: HĐND ở đâu khi xảy ra các sai phạm ở cơ sở.
Sự ra đời của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cùng với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để HĐND các cấp phát huy sức mạnh của thanh bảo kiếm sắc bén này trong thực tiễn.
Cùng với tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động cơ quan dân cử, việc duy trì các Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như các Hội nghị bổ biến chính sách, nghị quyết của HĐND là một trong những giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp chức năng quyết định và giám sát của cơ quan dân cử. Điều này không chỉ góp phần thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, mà còn là giải pháp quan trọng bảo vệ lời thề độc lập năm 1945 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".