Vũ khí đạn bạc
Sau một thời gian dài bị các nước âu - Mỹ tấn công bằng không lực, chính quyền Gaddafi không những không sụp đổ, ngược lại, càng chiến đấu càng mãnh liệt. Còn lực lượng chống đối ngày càng suy yếu. Trong khi không đạt được những tiến triển nhanh chóng trên chiến trường, các nước âu - Mỹ lại tỏ ra rất lợi hại trong việc mua chuộc những nhân vật quan trọng trong chính quyền của Gaddafi mà mới nhất là vụ từ chức của Ngoại trưởng Moussa Koussa.
![]() Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed Abdul Qasim al-Zwai, người được cho là đã đào tẩu sang Tunisia |
Nguồn: Reuters |
Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa đã tới Anh ngày 30.3 và đã đệ đơn xin rút khỏi Chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi. Đây là quan chức cấp cao nhất đào ngũ khỏi Chính phủ Libya kể từ khi cuộc khủng hoảng ở quốc gia này nổ ra cách đây hơn một tháng. Ông Koussa vốn là một nhân vật thân tín của Gaddafi, từng nắm giữ vai trò quan trọng trong giới ra quyết định của Libya. Trong nhiều năm ông là Giám đốc Cơ quan an ninh đối ngoại, mà nói trắng ra là cơ quan tình báo của Libya. Ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng vào năm 2009, song nhiều nhà ngoại giao cho rằng, dù chuyển sang nhiệm vụ mới, ông vẫn chỉ huy bộ máy tình báo của Libya. Vì thế, việc ông đào ngũ là một tin tốt lành đối với phương Tây bởi ông nắm trong tay những thông tin đáng giá về hoạt động cũng như các điểm yếu của Chính quyền Gaddafi.
Ngoài ra, sự đào tẩu của ông Koussa đã giáng một đòn nặng nề vào sỹ khí của phe Gaddafi, là một trong những tín hiệu đầu tiên cho thấy phe cánh cầm quyền đang chia rẽ và có thể khiến Gaddafi rơi vào tình trạng bị cô lập. Quyết định phản bội của một trong những nhân vật thân tín trong Chính quyền có thể gửi một thông điệp tới những người đang lưỡng lự khác rằng vẫn chưa quá muộn để thay đổi. Nhiều nhà kỹ trị ôn hòa trong chính phủ có thể noi theo hành động của Koussa. Họ có thể không nắm giữ vị trí chủ chốt trong giới lãnh đạo của Gaddafi, song ông ta cần một sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí trong Chính quyền.
Đe dọa lớn nhất đối với Gaddafi hiện nay không phải việc quân nổi dậy sẽ chiếm được thủ đô mà là sự ủng hộ mong manh còn lại đối với Chính quyền của ông bị tan vỡ. Điều đó càng khiến quyết định đào ngũ của Ngoại trưởng Koussa trở thành một cú đòn mạnh đối với ông. Nhà lãnh đạo Libya phần lớn dựa vào những thành viên và bộ tộc Gadhadhfa của ông ta. Nhưng bộ tộc này vô cùng nhỏ bé so với khoảng 140 bộ tộc ở đất nước Bắc Phi có 6 triệu dân này. Vì vậy ông vô cùng cần đến sự ủng hộ của các bộ tộc khác mà sự trung thành của họ được ông trả bằng cách trao cho họ những chức vụ chính trị, an ninh cấp cao trong Chính quyền nhiều năm qua.
Trên thực tế, từ sau khi Libya xảy ra bạo loạn, rất nhiều quan chức đã rời bỏ Gaddafi như Bộ trưởng Nội chính, Đại sứ Libya tại LHQ. Vài tuần trước, Ahmed Gadhar al-Dam, họ hàng và là cố vấn thân tín của Gaddafi cũng đã từ bỏ chính quyền và bay tới Ai cập. Còn theo phe đối lập, một tư lệnh quân đội ở thành phố phía Đông Nam Kufra, Saleh al-Zewi, chỉ huy lực lượng Kufra thuộc lữ đoàn Khamis, cũng đã đào ngũ. Có thông tin nói rằng, những người này sau khi bị các cơ quan tình báo Mỹ, Anh dụ dỗ, mua chuộc bằng những khoản tiền lớn và những lời hứa quyền lực, đã đi theo con đường chống Gaddafi.
Việc Mỹ và đồng minh phương Tây sử dụng đạn bạc đã có tiền lệ từ lâu. Khi Mỹ, Anh xâm lược Iraq, cộng đồng quốc tế vốn cho rằng quân đội Saddam Hussein sẽ chống chọi đến cùng. Nhưng họ không thể ngờ rằng, ngay cả các sỹ quan thuộc lực lượng Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ nhất của Hussein cũng bị Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bí mật mua chuộc. Đợi tới khi tiếng súng vang lên, những viên chỉ huy trung đoàn, sư đoàn này đều lặng lẽ biến mất, một số còn cố ý cho binh lính về phép khiến lực lượng Vệ binh Cộng hòa lập tức rơi vào tình cảnh “rắn mất đầu”. Đó là một trong những lý do giúp quân đội Mỹ, Anh có thể tiến vào Baghdad như vào chốn không người.
Kế sách đạn bạc từng sử dụng với Hussein đang được Mỹ, Anh tái sử dụng để đối phó với Gaddafi. Nghĩa là “trên trời trút xuống đạn bom, dưới đất bắn bằng đạn bạc”. Trong đó, đạn bom dùng để uy hiếp, còn đạn bạc để dụ dỗ mua chuộc. Trước đòn tấn công bằng cả sức mạnh cứng và mềm này của Mỹ, các quan chức Libya khó lòng chống đỡ nổi. Và không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ có không ít quan chức noi gương Koussa. Nếu nhóm thân cận với Gaddafi suy yếu thì nhóm ủng hộ vòng ngoài của Gaddafi sẽ càng thấy yên tâm khi li khai.
Chính quyền Mỹ với các lần can thiệp vào nước khác, hiểu rõ rằng chỉ bom đạn không thể khuất phục được nhân tâm, mà phải sử dụng đồng thời cây gậy và củ cà rốt. Nhưng có vẻ như không chỉ Mỹ biết dùng 2 vũ khí đó. Các bộ tộc ủng hộ ông Gaddafi, dường như đang chờ đợi xem cuộc chiến đi theo chiều hướng nào trước khi quyết định sẽ ngả về đâu.