Vốn và nhân lực - hai cái khó khi xây dựng bệnh viện vệ tinh
Từ kết quả thí điểm tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ Y tế đang chỉ đạo một số bệnh viện tuyến trên xây dựng bệnh viện vệ tinh. Tuy nhiên, vốn và nhân lực lấy từ đâu là những vấn đề được đặt ra tại cuộc họp trực tuyến về Đề án Bệnh viện vệ tinh khu vực miền Nam do Bộ Y tế tổ chức mới đây.
Bệnh viện vệ tinh giúp giảm tải
Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua, ngành Y tế đã đầu tư, phát triển, hệ thống khám chữa bệnh, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, quy mô giường bệnh chưa đủ đáp ứng, chất lượng dịch vụ y tế chênh lệch giữa các vùng miền, quá tải ở bệnh viện… Do đó, việc tăng cường y tế tuyến dưới là hết sức quan trọng và cấp thiết. Đề án Bệnh viện vệ tinh khu vực miền Nam giai đoạn 2012 - 2020 nhằm tới mục tiêu đó.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, mô hình bệnh viện vệ tinh được Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thí điểm từ năm 2005, và đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao năng lực chuyên môn của tuyến dưới, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến từ các bệnh viện vệ tinh về hai bệnh viện hạt nhân. Từ thành công đó, Bộ Y tế đang chuẩn bị để nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh trên cả nước với các chuyên khoa Ung bướu; Ngoại; Chấn thương Chỉnh hình; Sản; Nhi; Tim mạch và một số chuyên khoa hệ Nội. Kế hoạch sẽ được thực hiện qua hai giai đoạn 2012 - 2015 xây dựng bệnh viện vệ tinh tại tuyến tỉnh; từ 2016 đến 2020 xây dựng bệnh viện vệ tinh ở tuyến quận, huyện.

Bộ Y tế yêu cầu cơ sở làm bệnh viện vệ tinh phải đào tạo nhân lực; có thiết bị, có phòng bệnh, giường bệnh; phải thực hiện được kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao. Bệnh viện tuyến trên, đơn vị chuyển giao kỹ thuật, sau khi chuyển giao kỹ thuật không nhận bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật đó nữa, dành thời gian để thực hiện kỹ thuật cao, nghiên cứu khoa học tại các bệnh viện vệ tinh.
Khó về vốn và nhân lực
Tại cuộc họp trực tuyến về Đề án Bệnh viện vệ tinh khu vực miền Nam do Bộ Y tế tổ chức mới đây, khó khăn nổi cộm nhất được đại diện nhiều bệnh viện đề cập là vốn để triển khai dự án và nhân lực để bố trí cho các bệnh viện vệ tinh.
Theo dự toán kinh phí của Bộ Y tế thì sẽ dự chi mức đầu tư 20 tỷ đồng cho một bệnh viện vệ tinh. Nguồn kinh phí được huy động từ vốn của Đề án 1816; đề án bệnh viện vệ tinh và những nguồn kinh phí đối ứng của địa phương.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, mức Bộ Y tế dự toán chi 20 tỷ đồng cho một bệnh viện vệ tinh chẳng thấm vào đâu so với những tính toán của một số bệnh viện. Đơn cử như Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có kế hoạch trình Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng vệ tinh tại Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, dự toán đầu tư xây dựng mới chỉ giai đoạn 1 đã lên tới 457,7 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với dự toán của Bộ. Với tình hình khó khăn hiện nay thì rất khó tìm nguồn vốn và nếu chờ trình Chính phủ phê duyệt thì sớm cũng phải 2 năm nữa mới được rót vốn về trong khi kế hoạch xây dựng bệnh viện vệ tinh trong giai đoạn đầu chỉ đến năm 2015. Bên cạnh đó, liệu có vốn đối ứng từ phía địa phương theo đề án vạch ra để thực hiện xây dựng bệnh viện vệ tinh cũng là vấn đề đặt ra. Do đó, đề nghị Bộ Y tế xem xét và xây dựng đề án với mức kinh phí hợp lý hơn; đặc biệt Bộ Y tế cần tranh thủ được đồng thuận với các địa phương, nơi được chọn xây dựng bệnh viện vệ tinh để đảm bảo kinh phí đối ứng thực hiện đề án.
Về mặt chuyên môn các bệnh viện tuyến trên đủ sức để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên, nhân lực gồm các y bác sỹ, chuyên gia đầu ngành thì lấy đâu ra, trong khi chính bệnh viện tuyến trên còn thiếu. Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, từ lâu nhân lực của các bệnh viện thành phố không đủ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ. Bên cạnh đó, hiện nay các bệnh viện đang phải tham gia nhiều Đề án như: 1816, phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh, bệnh viện vệ tinh... cùng một lúc, nên gặp rất nhiều khó khăn.
Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Dũng cho biết, để làm 1 bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Ung bướu phải đào tạo 60 bác sĩ thực hành ung thư cơ bản và nâng cao, 30 bác sĩ phẫu thuật cơ bản, nâng cao, 40 bác sĩ xạ trị, hóa trị và lực lượng đội ngũ điều dưỡng, y tá... đó là nhiệm vụ rất khó khăn.
Một số ý kiến bày tỏ lo ngại nếu không có nhân lực và chuyển giao được kỹ thuật cho các đơn vị vệ tinh thì sau một thời gian đi vào hoạt động đơn vị đó sẽ không làm được nhiệm vụ giảm tải mà còn trở thành gánh nặng cho bệnh viện hạt nhân. Vì vậy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của đề án. Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, Bộ Y tế nên gộp các Chương trình chỉ đạo tuyến; Đề án 1816; Bệnh viện vệ tinh vì mục tiêu nhiệm vụ giống nhau, cũng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới… tránh chồng chéo, dàn trải nguồn vốn và nhân lực y tế.
Theo Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2012 - 2020 sẽ xây dựng 100 bệnh viện vệ tinh; nguồn vốn dự kiến là 2.600 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị và 600 tỷ đồng là kinh phí đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nguồn vốn lấy từ Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, kinh phí đối ứng của địa phương và các nguồn khác. |