Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng đột biến

Đức Hiệp 03/12/2019 18:51

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo hình thức góp vốn, mua cổ phần vào Việt Nam tăng mạnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến 20.11, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có tới 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 11,2 tỷ USD, tăng 47,1%. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới từ Trung Quốc trong 11 tháng đạt hơn 2,28 tỷ USD. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình 3 năm gần đây và đưa Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai, chỉ sau Hàn Quốc về vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. 

Quy mô này không chỉ tăng cao đột biến so với cùng kỳ, mà còn đi ngược với diễn biến đầu tư nói chung. Trong 11 tháng, vốn FDI cấp mới chỉ đạt gần 14,7 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2018 và chỉ tương đương 74% của năm 2017. Đáng chú ý, đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn đầu tư từ Trung Quốc, Hongkong có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.


Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hongkong tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018. Theo các chuyên gia kinh tế, một phần nguyên nhân xuất phát từ sự thay đổi về chính sách môi trường của Trung Quốc, mặt khác là do sự dịch chuyển dòng vốn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính phân tích: Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến vì có vốn dư thừa lớn, đầu tư trong nước có xu hướng bão hòa, lợi ích mang lại không còn cao như trước nên đầu tư ra nước ngoài. Mặt khác, Trung Quốc đang thay đổi mạnh về mô hình sản xuất, từ bỏ các mô hình sản xuất có năng xuất lao động, hiệu quả kinh tế thấp, công nghệ lạc hậu. Điều này khiến các doanh nghiệp phải tìm hướng đầu tư sang các quốc gia xung quanh. Ngoài ra, hiện nay Trung Quốc cũng đang thiếu nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước khiến tăng cường đầu tư cho việc khai thác khoáng sản ở nước ngoài. Đích đến sẽ là các nước thuận lợi về địa lý và có môi trường đầu tư tốt như Việt Nam.

“Một nguyên nhân không thể không nhắc đến khiến nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam là do thương chiến Mỹ - Trung đã đẩy nên nấc thang mới. Các biện pháp đáp trả thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo áp lực lên những doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc. Do đó, họ đầu tư ra nước ngoài thay vì trong nước”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Giới phân tích cũng đưa ra nhận định, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đầu Đông Nam Á, lạm phát duy trì ở mức thấp, tiền đồng mất giá không quá 2%, Việt Nam được kỳ vọng là điểm đến tiếp theo của dòng vốn đầu tư.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ... Đã có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hongkong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư của Hongkong); Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,73 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp theo là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…

Đầu tư FDI tăng, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, để tận dụng hiệu quả mặt tích cực của nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế, nhà quản lý và các doanh nghiệp Việt cần sáng suốt chọn lựa, tránh việc doanh nghiệp nước ngoài đẩy công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam. Tránh tình trạng đầu tư kiểu "đội lốt" để xuất khẩu nhằm hưởng ưu đãi thuế quan... “Doanh nghiệp cũng nên tham gia tích cực hơn nữa trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái”, PGS. TS.Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng đột biến
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO