Vốn đầu tư công vẫn là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng

- Thứ Sáu, 19/02/2021, 21:43 - Chia sẻ
Năm 2020, chỉ trong vòng vài tháng, Chính phủ đã phải tổ chức tới 3 hội nghị, thành lập đoàn công tác kiểm tra đồng thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thời điểm đó, nhiều khó khăn, vướng mắc được nêu ra để lý giải cho việc giải ngân chậm. Vậy nhưng tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương diễn ra hồi trung tuần tháng 7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương là rất lớn, phải tập trung giải ngân hết hơn 633.000 tỷ đồng trong năm nay. Không thể có chuyện mỗi khi Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương thì đều xin vốn, nhưng có vốn rồi lại không làm đến nơi đến chốn... Cho đến "phút chót", việc giải ngân vốn đầu tư công đã cơ bản đạt kế hoạch.

Năm nay, dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp nên dự báo hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên một trong những biện pháp quan trọng giúp hồi phục tăng trưởng kinh tế là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Để thực hiện tốt việc giải ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đang xây dựng chương trình công tác với nhiều giải pháp. Cụ thể, về xây dựng chế độ, chính sách, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trong quý I nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công. Minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về Ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch..., kiến nghị hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công.

Đối với việc tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính sẽ thực hiện kịp thời việc kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc giao kế hoạch vốn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện việc phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc để bảo đảm nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án. Chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công...

Những giải pháp này là cần thiết. Nhưng điều quan trọng nữa để vốn đầu tư công được giải ngân đúng kế hoạch, trở thành trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì phải quyết liệt ngay từ bây giờ, đồng thời có chế tài nghiêm khắc khi các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân chứ không chỉ nói rằng lỗi là do khách quan và chủ quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

Ninh Khương