Vốn chờ chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo

Thạch Bình 12/04/2014 08:33

Trong đợt tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2013 – 2014, ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, có thêm 11 ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay. Tuy nhiên, do những bất cập về cách phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cũng như khó khăn về thị trường xuất khẩu, chủ trương tạm trữ lúa gạo vẫn không giúp nông dân có lãi.

Triển khai chậm, thu mua ít

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 373a/QĐ - TTg về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2013 - 2014, ngày 20.3 VFA đã phân bổ chỉ tiêu cho 133 doanh nghiệp trên địa bàn 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để thực hiện mua tạm trữ.

Theo đó, đến ngày 31.3, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được khoảng 350 nghìn tấn quy gạo, đạt khoảng 35% kế hoạch đề ra. VFA cũng cho rằng, nhờ tác động của chương trình tạm trữ, giá lúa nguyên liệu trong nửa cuối tháng 3 đã tăng bình quân 300 đồng/kg. Nhờ đó, giá lúa khô mua tại ruộng thấp nhất đạt 4.750 đồng/kg (loại hạt dài) và 4.450 đồng/kg (loại thường). Như vậy, nếu so sánh với giá thành sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2013 - 2014 do Bộ Tài chính công bố mức bình quân 3.769 đồng/kg, thì người dân bán lúa đang có lãi ít nhất 680 - 981 đồng/kg. Và với tiến độ mua tạm trữ kịp thời như trên thì đến cuối tháng 4 này, sẽ có khoảng 1 triệu tấn lúa nguyên liệu được mua vào với mức giá có lãi cho nông dân.

Tuy nhiên, những thông tin trên của VFA không khớp với diễn biến thực tế tại nhiều địa phương. Thứ nhất, theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN và PTNT, đến thời điểm ngày 4.4, các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đã thu hoạch xong khoảng 1,1/1,6 triệu hecta lúa Đông Xuân. Với năng suất trung bình 6,8 tấn/ha, sản lượng lúa đã thu hoạch từ đầu vụ đến nay ước khoảng 7,48 triệu tấn.

Thực tế diện tích lúa đã thu hoạch đến thời điểm hiện nay có thể lớn hơn con số 1,1 triệu hecta vì vụ Đông Xuân vừa qua thời tiết hạn hán, nhiều địa phương đã gieo sạ sớm và thu hoạch rộ vào thời điểm nửa đầu tháng 3. Cụ thể, theo số liệu từ ngành nông nghiệp các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng… đến thời điểm ngày 15.3, diện tích thu hoạch đã lần lượt tới 100%, 85% và 75% diện tích lúa Đông Xuân. Hầu hết lúa thu hoạch trong thời điểm này bán giá thấp dưới 4.500 đồng/kg. Chính vì vậy, lượng lúa bán được giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg như cách tính của VFA là không nhiều.

Thứ hai, khi triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, VFA phân bổ cho 133 doanh nghiệp ở 10 tỉnh thành. Tuy nhiên, cách phân bổ của VFA không căn cứ vào sản lượng lúa từng địa phương. Do đó, tại các địa phương trồng lúa trọng điểm, chỉ tiêu mua trữ được VFA phân bổ chỉ chiếm khoảng 10 - 30% sản lượng lúa của các tỉnh. Đơn cử tại Đồng Tháp, các doanh nghiệp chỉ được phân mua trữ 174 nghìn tấn quy gạo (tương đương 348 nghìn tấn lúa), trong khi đó sản lượng lúa của tỉnh này là 1,1 triệu tấn. Như vậy gần 70% sản lượng lúa sẽ không được hưởng chính sách tạm trữ. Hay tại Kiên Giang, trong khi sản lượng lúa vụ Đông Xuân năm nay ước đạt 2,5 triệu tấn thì các doanh nghiệp chỉ được giao mua 84 nghìn tấn quy gạo (tương đương 168 nghìn tấn lúa), số lượng này chỉ chiếm khoảng 7%, có nghĩa là 93% lượng lúa còn lại tự người dân phải xoay xở.

Có thể nói rằng, từ khi có chương trình mua tạm trữ đến nay, chưa tính đến việc giá lúa mua tại ruộng thực tế có nhích lên được 300 đồng/kg như VFA tính toán hay không, thì đã có thể chắc chắn rằng, phần lớn sản lượng lúa Đông Xuân nông dân phải bán giá rẻ. Thêm vào đó, nếu có thể chờ tạm trữ thì lượng lúa doanh nghiệp mua vào cũng chỉ như muối bỏ bể.

 Nguồn: blogspot.com
Nguồn: blogspot.com

Vốn chờ doanh nghiệp

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đồng Tháp, tính đến ngày 4.4, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh này đã cho vay mua tạm trữ lúa gạo được hơn 381,7 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh Đồng Tháp cho vay được nhiều nhất với dư nợ khoảng 173 tỷ đồng, kế đến là các Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Đồng Tháp với dư nợ lần lượt 70,7 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Tại tỉnh Long An, đến ngày 3.4, tổng dư nợ cho vay tạm trữ lúa gạo của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 508 tỷ đồng, thu mua được khoảng 54.900 tấn quy gạo. Trong khi đó, đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho hay, cùng thời điểm này, dư nợ cho vay tạm trữ cũng đạt khoảng 282 tỷ đồng, thu mua được khoảng gần 40 nghìn tấn quy gạo.

Báo cáo của các chi nhánh NHNN các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang… cho thấy, ngoài các Ngân hàng thương mại nhà nước, thời gian qua chỉ có MB tham gia cho vay tạm trữ lúa gạo. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank, SHB, OceanBank, OCB, HDBank, TPBank… dù đã được NHNN chấp thuận cho vay chương trình tạm trữ, đến thời điểm này chưa có thống kê số dư nợ.

Phó trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp NHNN chi nhánh Long An Lê Thị Mỹ Hiền cho rằng, nguồn vốn để cho vay chương trình tạm trữ lúa gạo không thiếu và giải ngân cũng rất nhanh chóng vì đa số các doanh nghiệp được phân chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo đều đã có sẵn hồ sơ tín dụng, chỉ cần bổ sung số lượng và thời gian là có thể giải ngân ngay. Còn việc tiến độ cho vay chậm, theo bà Hiền: thời gian qua các ngân hàng thương mại cổ phần cũng rất nhiệt tình với chương trình tạm trữ lúa gạo. Họ cũng đang chào đón doanh nghiệp đến vay vốn, nhưng có thể do doanh nghiệp khó khăn vì chưa có hợp đồng nên chưa đến vay.

Theo thống kê của VFA, từ đầu năm tới nay cả nước chỉ xuất khẩu được trên 1,21 triệu tấn gạo, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2013. Việc không có hợp đồng xuất khẩu đã khiến doanh nghiệp ngần ngại mua tạm trữ lúa vì sợ rơi vào tình trạng bán lỗ như vụ Đông Xuân năm ngoái. Chưa kể trong tháng 4 này, nếu Việt Nam không trúng thầu các hợp đồng tập trung thì lượng gạo xuất khẩu chỉ thêm khoảng 700 nghìn tấn. Các kho chứa của doanh nghiệp đang chịu áp lực tồn kho, nếu phải mua hết lượng gạo hàng hóa vụ Đông Xuân (ước 4,27 triệu tấn) mà không xuất được thì nguy cơ giá lúa nguyên liệu tiếp tục giảm là hoàn toàn có thể xảy ra.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vốn chờ chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO