Với Bắc Phi, Âu châu không còn là miền đất hứa
Với các quốc gia châu Phi bên kia bờ Địa Trung Hải, cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã cho thấy một liên minh bị chia rẽ sâu sắc bởi những lợi ích riêng. Các nước Bắc Phi đã bắt đầu tìm kiếm nguồn cảm hứng mới từ những nền kinh tế mới nổi.
Dù vì tò mò hay lo lắng cho những khoản đầu tư của mình, một trong những vấn đề quốc tế được người dân Bắc Phi quan tâm nhiều nhất chính là những diễn biến của cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Ở những thành phố như Algiers, Tunis hay Rabat, nhiều người có thể không hiểu những tranh cãi bất tận xung quanh chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên minh châu Âu (EU), nhưng ai cũng thấy được tình trạng nguy ngập của Hy Lạp. Báo chí các nước Bắc Phi còn nhấn mạnh: sự sụp đổ của Hy Lạp có thể dẫn đến một kịch bản tương tự cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí là cả Italy và Pháp. Điều khiến những người châu Phi thắc mắc: tại sao Hy Lạp dường như bị cả châu Âu quay lưng, mâu thuẫn với tôn chỉ của EU là đoàn kết? Ngày càng có nhiều người dân ở Maghreb chia châu Âu thành 2 khu vực tách biệt: nhóm các quốc gia phía bắc giàu có nhưng không sẵn sàng chia sẻ, đứng đầu là Đức và những quốc gia phía nam ngập trong nợ nần.
Tuy nhiên mối quan tâm hàng đầu của người dân các quốc gia phía nam Địa Trung Hải không nằm ở số phận của Hy Lạp, mà là khả năng tan vỡ của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và nguy cơ biến mất của đồng tiền chung. Lý do là bởi rất nhiều người Bắc Phi có thói quen tiết kiệm bằng đồng euro hoặc gửi tiền trong các ngân hàng châu Âu. Ước tính có đến hàng chục triệu euro tiền mặt lưu chuyển trong các thị trường tiền tệ ở Maghreb, chủ yếu là ở các thị trường “đen”. Kết thúc của đồng euro có thể sẽ khiến nhiều người mất phần lớn tài sản, bởi để được bồi thường, các khách hàng cần chứng minh được nguồn gốc chính đáng của đồng tiền. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Algeria, nơi thị trường tài chính bất hợp pháp hoạt động vô cùng sôi động suốt hơn 40 năm qua. Ngày càng có nhiều người quyết định từ bỏ đồng euro để chuyển sang trữ tiền mặt bằng đồng franc của Thụy Sỹ hoặc đồng dollar của Mỹ. Trước đó, hầu hết người Bắc Phi coi đồng euro là một phương sách an toàn, đặc biệt là người Algeria bởi họ cho rằng đồng euro khó bị làm giả hơn. Nhiều người có các khoản đầu tư ở nước ngoài cũng đã bắt đầu lo lắng. Một ngân hàng Pháp tiết lộ rằng đã có rất nhiều khách hàng Bắc Phi tham vấn về số phận tài sản của họ trong trường hợp Eurozone tan vỡ. May mắn là vẫn chưa thấy xuất hiện dấu hiệu nào của trào lưu thoái vốn hoặc dịch chuyển tiền gửi sang các trung tâm tài chính khác ít rủi ro hơn như London, Dubai hay Singapore.
Bên cạnh số phận của đồng euro, cuộc khủng hoảng của châu Âu cũng mang lại cho các chính trị gia và chuyên gia kinh tế Bắc Phi một cái nhìn rõ ràng hơn về EU. Một chính khách Morocco đã thẳng thắn phát biểu rằng các nước Bắc Phi chưa bao giờ tin vào câu chuyện cổ tích về một châu Âu thống nhất trong chính sách đối với các quốc gia ở Maghreb, vì thế mỗi quốc gia Bắc Phi đều chú trọng phát triển quan hệ song phương với từng quốc gia châu Âu, thay vì hợp tác với EU. Sự bất lực trong việc đưa ra một giải pháp thống nhất cho cuộc khủng hoảng của Brussels đã củng cố thêm mối nghi ngờ đối với những thành công của một cuộc đối thoại cấp khu vực giữa bờ phía bắc và phía nam Địa Trung Hải. Liên minh Địa Trung Hải (UfM) dường như đã bị cả châu Âu và châu Phi quên lãng.
Các nước phía nam và phía đông Địa Trung Hải như Italy và Hy Lạp, dưới áp lực của những điều kiện vay nợ ngặt nghèo, ngày càng trở nên bất mãn với Brussels. Thái độ tương đối mềm mỏng hơn của EU với các nước Đông Âu thậm chí bị các chính khách cánh hữu nhiều nước coi như một sự thiên vị rõ ràng. Những bất hòa nội bộ của châu Âu càng khiến cho các Chính phủ ở Bắc Phi để tâm hơn đến những lời kêu gọi đa dạng hóa các đối tác chính trị và kinh tế. Cả Tunisia và Morocco đều chính thức xác nhận nhu cầu tăng cường hợp tác với các thế lực mới nổi, trong đó có Trung Quốc, các nước vùng Vịnh và Brazil. Nhiều nhà hoạt động xã hội còn gán nguyên nhân của sự chuyển dịch trên, bên cạnh yêu cầu phát triển kinh tế, với một động cơ bí mật khác: né tránh áp lực cải cách hệ thống chính trị theo hướng minh bạch hơn từ phía EU.