Vô tình hay hữu ý đều phải xử lý nghiêm

- Thứ Tư, 04/11/2020, 06:28 - Chia sẻ
Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Bằng Giang (sinh năm 1981), cán bộ Công an huyện Vũ Thư;  Hoàng Hồng Hạnh (sinh năm 1978), cán bộ Công an huyện Vũ Thư để điều tra về hành vi có dấu hiệu của tội phạm "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Bằng Giang và Hoàng Hồng Hạnh trước đó công tác ở Đội điều tra hình sự, Công an huyện Vũ Thư đã thụ lý vụ “Cố ý gây thương tích” do đối tượng Bùi Mạnh Tiến, tức Tiến “trắng” (sinh năm 1995), trú tại xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), là con nuôi Đường “Nhuệ” cùng nhóm đàn em gây ra tối 22.5.2018 đối với anh Trần Ngọc Hoàng (sinh năm 1983), trú tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư. Nhóm Tiến “trắng” tới nhà anh Hoàng dùng dao chém nhiều nhát, làm anh Hoàng bị đứt cơ, gân hai tay và hai chân. Sau đó, Đường Nhuệ đã dàn xếp ép bị hại không đi giám định để nhóm Tiến "trắng" thoát tội. Tháng 6.2018, anh Hoàng có đơn từ chối giám định thương tích, xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người đã gây ra thương tích cho mình.

Mặc dù Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư vào cuộc xác định có bốn người liên quan gây ra vụ chém anh Hoàng, tuy nhiên ngày 22.7.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vũ Thư đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Quyết định này cũng được Viện KSND huyện Vũ Thư khẳng định là “có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”.

Tháng 4.2020, Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao vào cuộc đã trưng cầu giám định thương tích đối với Hoàng. Kết quả, Hoàng có tỷ lệ thương tật 44%. Trên cơ sở này, Cơ quan điều tra, Viện KSND Tối cao đã yêu cầu Viện KSND tỉnh Thái Bình hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư, đồng thời, khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134, Bộ luật Hình sự.

Câu hỏi đặt ra là, căn cứ vào đâu để Công an huyện Vũ Thư quyết định không khởi tố vụ án hình sự? Căn cứ vào đâu, Viện KSND huyện Vũ Thư cho rằng quyết định không khởi tố vụ án hình sự là “có căn cứ, đúng quy định của pháp luật”? Những người trực tiếp làm sai lệch kết quả điều tra, người ra các quyết định khó hiểu này phải bị xử lý như thế nào? Đây là điều nhân dân và dư luận mong sớm nhận được câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực thi pháp luật đã xảy tình trạng bỏ lọt tội phạm, gây mất niềm tin của người dân vào công lý. Trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười đang diễn ra, trình bày Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế; thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Trong khi đó, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2020, Ủy ban Tư pháp cho rằng chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ; do đó, số trường hợp Viện KSND yêu cầu điều tra, yêu cầu thay đổi, bổ sung các quyết định tố tụng và được Cơ quan điều tra chấp nhận đều tăng nhiều so với năm 2019. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra và rà soát các vụ án để ban hành các quyết định tố tụng đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội.

Vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử do trình độ nghiệp vụ hay do cố tình vi phạm trong xử lý vì lý do nào đó, dù không nhiều so với những gì mà các lực lượng chức năng đã làm được trong thời gian qua đều gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng và niềm tin của nhân dân vào công lý và tính nghiêm minh của pháp luật... Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó. Dù vô tình (do thiếu nghiệp vụ), hay hữu ý để lọt tội phạm đều phải xử lý nghiêm minh. Bởi những hành vi đó tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và người dân vô tội có thể bị “gánh” án oan sai.

Lê Hùng