Vở kịch sẽ sống khỏe sau Liên hoan

Nguyễn Thị Minh Thái 30/08/2012 08:37

Đoàn Kịch nói Công an nhân dân mang vở Tôi là người Việt Nam dự Liên hoan sân khấu Kịch chuyên nghiệp 2012 ở Huế. Điều nghiệm sinh thú vị nhất của tôi là: vở kịch này sẽ không rơi vào số phận khó tránh sau Liên hoan: bị cất vào kho. Có thể hân hoan dự đoán: Tôi là người Việt Nam sẽ là vở sống khỏe sau Liên hoan.

Cạnh anh em nhà văn, nhà báo viết kịch tay ngang, song đã thành tác giả kịch, không chỉ của Liên hoan Kịch 2012 ở Huế: Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh, với hai vở: Mùa hạ cay đắng, Âm binh, nhà văn Nguyễn Đình Chính (thích viết kịch như người cha Nguyễn Đình Thi, từng nổi tiếng với kịch bản: Con nai đen, Tiếng sóng, Hoa và Ngần, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc) đã xuất hiện thật ấn tượng, với kịch bản Tôi là người Việt Nam. Nguyễn Đình Chính viết về một đề tài quen, song lại hóc búa và đầy thách thức: hoạt động tình báo của người sĩ quan công an trong lòng địch, phải khôn khéo giấu kín thân phận và tự nguyện hy sinh hạnh phúc riêng, mới có thể xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là khi nhiệm vụ bí mật này kéo dài như một kiếp người, đúng với thân phận ngặt nghèo của nhân vật trung tâm kịch là Lê Đức Duy. Nguyễn Đình Chính khá cao tay khi tổ chức xung đột kịch, trong cấu trúc “lát cắt thời gian”, (giống cấu trúc tình huống của truyện ngắn, song sự trải dài mấy mươi năm xa nhà của nhân vật chính lại mang hơi hướm tiểu thuyết). Sau gần ba mươi năm hoạt động “chìm” nơi đất khách quê người, ông Duy về nước với danh nghĩa thương nhân Việt kiều thành đạt, sang trọng, giàu có, được xã hội nồng nhiệt tiếp đón. Nhưng khi về làng, trong “lát cắt gặp mặt”, ông Duy đau đớn vấp phải sự phản đối quyết liệt từ con cái, họ hàng thân thuộc và hàng xóm láng giềng. Không ai quên được cái ngày xa xưa Duy đột ngột về phép và bỏ làng đi Nam, với tội danh ô nhục “kẻ phản bội Tổ quốc”. Cả gia tộc, gia đình ông ê chề nhục nhã, vợ ông chết trẻ vì buồn đau, con gái út đột ngột câm, vì không tin bố là “tên phản bội”. Tất cả người thân của ông oằn lưng dưới gánh nặng phũ phàng do “kẻ phản bội” để lại.

Chỉ khi chết, đại tá Lê Đức Duy được nhà nước truy tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, danh phận của ông Duy mới được sáng tỏ trong tự hào, cảm thương và ân hận của người thân…

Xung đột kịch giữa một bên là người ruột thịt, bên kia chỉ mình Duy đơn độc, được đẩy lên đỉnh điểm, được khéo léo đan cài và tháo gỡ bằng ngòi bút lành nghề của nhà văn Nguyễn Đình Chính, đã dẫn tới một kết thúc bi tráng. Tác giả tinh tế gửi sâu vào tận bên trong mối quan hệ chồng chéo phức tạp của một gia tộc, gia đình Việt thời hiện đại cái bản chất là xung đột nội bộ gia đình, song lại đạt tới ý nghĩa cao cả của va chạm về lý tưởng sống. Cái xung đột “xương sống” này của kịch bản chỉ khi tìm trúng địa chỉ là sự vỡ vạc sáng sủa về ngôn ngữ dàn cảnh mới hình thành vở diễn hay, từ thông điệp mang ý nghĩa chìm sâu ấy, qua phong cách dựng đặc thù của NSND Lê Hùng (đứng tên NSƯT Khương Đức Thuận, trong tờ chương trình, với lý do riêng của Lê Hùng). Song, đây chính là bản dựng - tác phẩm mới của đạo diễn NSND Lê Hùng, không thể lẫn với bất cứ phong cách đạo diễn nào khác.

Với cách dựng độc đáo Lê Hùng, kịch bản của Nguyễn Đình Chính đã có khuôn mặt sân khấu thật sắc sảo. Lê Hùng, do đã hiểu thật sâu bản chất xung đột kịch của kịch bản này không nằm trên bề mặt của quan hệ gia tộc, mà lắng xuống thật sâu, tận đáy của sự va chạm lý tưởng sống, nên đã thông minh kiến tạo cấu trúc mới lạ cho vở diễn có “cái để xem”: Lê Hùng dựng thêm cảnh đầu, cảnh cuối vở diễn theo phép “đầu cuối tương ứng”, với hai cảnh trái ngược: người chồng ra đi trong lén lút như kẻ phản bội và trở về khi kết thúc kịch, với tang lễ trang trọng dành cho người anh hùng. Tôi có cảm giác, nếu không dàn cảnh bằng ngôn ngữ rất “Lê Hùng” như thế, vở sẽ không có được dung nhan sân khấu dễ thương, khiến người xem cảm mến và rung động đến thế. Đạo diễn, theo đúng cách của mình, đã thật tinh tế và hài hước khi kể câu chuyện kịch bi thương mà giản dị, gần gũi với đời sống làng quê Việt trong chiến tranh và hòa bình, thông qua sự khéo léo điều hành việc nhập vai trong phối hợp diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên chuyên nghiệp và “chuyên trị” diễn đề tài công an của Đoàn kịch Công an.

Nổi bật nhất là diễn xuất của NSƯT Nguyễn Hải, vai ông Duy. Loại vai chính diện này tưởng đã “đóng chết” vào kiểu diễn một màu, hóa ra lại phong nhiêu sắc màu trong chuyển biến tâm trạng nhân vật sống “hai mang”, ngay cả với những người thân yêu nhất, đã được Nguyễn Hải diễn xuất rất sinh động và uyển chuyển, không sa đà vào đơn điệu và ủy mị. Cách diễn chừng mực, kìm nén cảm xúc nhân vật của anh đã lấy được nhiều nước mắt của người xem, nhất là những người vợ người mẹ trong phòng khán giả. Với vai kịch này, NSƯT Nguyễn Hải thể hiện sâu sắc bản lĩnh của nghệ sĩ kịch, mang tính chuẩn mực nghề nghiệp khá hiếm hoi ở Liên hoan. Vai ông Điềm của Vũ Hồng Tuấn cũng là một vai kịch đẹp về diễn xuất. Hồng Tuấn chăm chút kỹ lưỡng từ nội tâm đến ngoại hình nhân vật, đặc biệt là nghệ thuật xử lý tiếng nói sân khấu trong đối thoại kịch. Đây là nhân vật được kịch bản chỉ định “một màu”: mang nặng căn tính gia trưởng của người đứng đầu dòng họ, giữ rất chặt nề nếp gia phong. Hồng Tuấn diễn tả vai ông Điềm thật thông thoáng, hào sảng, với nhiều chi tiết diễn đắt giá, khắc họa nhân vật sắc nét trên sân khấu, phối hợp thật nhuần nhuyễn với Nguyễn Hải và Vũ Hồng Quân vai Tài, con trai ông Điềm. Làm gia tăng chất bi kịch về sự hiểu lầm trong quan hệ cha con, trong vai Kiên, con trai ông Duy, Hoàng Việt Tùng đã là một điểm sáng khác trong dàn diễn viên của Đoàn Kịch nói CAND, với diễn xuất chân thực, trẻ trung. Cách diễn phối hợp nhuần nhị hai cặp nhân vật cha con của bốn nghệ sĩ: Nguyễn Hải vai Duy, Hoàng Việt Tùng vai Kiên, Vũ Hồng Tuấn vai Điềm, Vũ Hồng Quân vai Tài, đã tạo lập tự nhiên một tứ giác nhân vật chắc chắn và liên tục cho đường dây hành động kịch xuyên suốt vở diễn. Những vai nữ trong vở diễn này cũng rất thành công, bởi xử lý thật đằm thắm, thiết tha và tinh lọc trong diễn xuất, đó là NSƯT Thúy Hiền vai Thùy, vợ Tài, NSƯT Lê Thị Thúy Nga vai bà Danh, Trịnh Huyền, Nguyễn Thị Ngọc và cả hai bé gái vào vai hai con gái ông Duy. Và, cách diễn sắc nét, hào hoa của NSƯT Hoàng Thế Bính đã thành công, khi chỉ sắm vai phụ: ông lão quản trang. Vai kịch này đã kịp bừng sáng trong lớp kịch rất ngắn, trong cách dựng rất Lê Hùng, không bỏ qua việc nhấn nhá cho diễn viên diễn vai phụ, hoặc không bao giờ cho phép diễn viên qua quýt khi thủ vai phụ…

Sự cộng hưởng hài hòa giữa tác giả kịch, đạo diễn và diễn viên, trên nền một không gian sân khấu được thiết kế rất thẩm mỹ: thay cảnh bằng hình ảnh biến đổi sinh động trong vầng trăng khuyết treo lơ lửng trên phông hậu, đã tạo không khí khi bạo liệt, khi trữ tình, khi bi tráng, buồn thương cho vở diễn, để cuối cùng, dẫn đến sự thưởng thức trọn vẹn cho công chúng. Có lẽ, cũng vì thế mà vở diễn đã gây ấn tượng, cùng một tiên cảm, chắc chắn không chỉ của tôi, về sự sống khỏe mạnh của chính nó sau khi kết thúc Liên hoan kịch 2012 ở Huế… Và đấy mới là số phận đích đáng của một vở diễn hay!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vở kịch sẽ sống khỏe sau Liên hoan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO