Vợ Đông chồng Tây (Phần 1)
Phóng sự của Kiều Hương
Tôi là phóng viên tự nuôi sống bản thân một cách khá thoải mái, nhà tôi cũng không nghèo, vậy mà tôi lấy chồng Tây!
Trong bối cảnh nhiều cô gái miền đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Quảng Ninh... đổ vào các trung tâm môi giới để lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, vô hình trung tôi bị lĩnh “án treo” từ cả hai phía: người hiểu chuyện ở phía Việt Nam thì lo khác biệt văn hóa, khoảng cách xa xôi và bỗng dưng trở thành bà nội trợ bất đắc dĩ thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân của tôi, còn người không hiểu chuyện thì phàn nàn sao phải lấy chồng Tây mà chẳng gửi được đồng nào về cho gia đình xây nhà, tậu đất, mua xe... Phía Bỉ, một số bạn bè thân của chồng tôi đã thật sự giận dữ và lo ngại cho anh, gọi thẳng cảnh báo: ngay khi được nhập quốc tịch, bọn nó (những cô vợ thuộc các nước nghèo hoặc nước đang phát triển) sẽ đổi ngay thái độ...
Quả thực rất khó xoay xở để sống giữa những đường biên mong manh này, ngay từ thủ tục kết hôn.
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Visa đứng giữa tình đôi ta!
Thật may chúng tôi đã có hơn một tháng trời thảnh thơi tận hưởng đám cưới nơi thôn quê cũng như vài ngày trăng mật ở Hội An trước khi lại xa cách nghìn trùng và lao vào cuộc chiến với đủ loại giấy tờ xin visa, rồi hàng đống thủ tục để được kết hôn chính thức.
Nếu như tôi không kết hôn, hoặc kết hôn với người chồng Việt Nam, chắc chắn đời tôi sẽ không bao giờ trải qua những ngày tháng khó khăn, thậm chí lòng tự trọng bị tổn thương chỉ vì muốn cưới, muốn sống hợp pháp với một người chồng ngoại quốc. Những cuộc xin visa vào Nhật, Hàn Quốc... trước đây của tôi thật dễ dàng (vì đi công tác), nên tôi đã không lường trước được cuộc phỏng vấn visa tại sứ quán châu Âu, Úc và Mỹ luôn là “cuộc điều tra xét hỏi” kiểu cảnh sát. Kết quả nhiều khi lại phụ thuộc cảm tính.
Từng sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh ba năm, ngày ngày tôi đi qua đại lộ Lê Duẩn, đường Nguyễn Du, vẫn chứng kiến cảnh đoàn người xếp hàng dài chờ xin visa ở Lãnh sự quán Mỹ hoặc Lãnh sự quán Hàn Quốc. Lúc ấy, tôi đơn giản nghĩ sao nhiều người phải khổ thế. Chị Thủy, một người bạn vong niên của chị gái tôi - từng là đạo diễn trong ngành truyền hình, giàu có, ngang tàng nhưng nhiều cảm xúc, khi phải bay vào TP. HCM xin visa đi Mỹ thăm con gái sắp sinh cháu đã ngán ngẩm gọi điện than rằng: “Còn đặt cả gạch giữ chỗ mày ạ”.
Kết hôn với người nước ngoài ở Việt Nam hoặc xin visa ra nước ngoài kết hôn, đều khó như nhau. Đặc biệt là với những cô gái Việt Nam, Thái Lan, Philippines... lấy chồng châu Âu, Úc hoặc Mỹ. Và ngay từ khâu chuẩn bị thủ tục để cưới một anh chồng ngoại, đặc biệt loại đàn ông xuất xứ từ Mỹ, châu Âu, Úc, bạn rất dễ bị gạ tiền. Nếu không đút tiền, gã đàn ông kia sẽ phải bay đi bay lại nhiều lần trong quá trình hơn một tháng xem xét lý lịch, điều tra tình trạng hôn nhân quá khứ...
Mọi thứ dường như đều chống lại việc bạn muốn lấy một anh chồng ngoại quốc.
Và khi bị tổn thương, bạn rất dễ nản lòng. Một người bạn thời thơ ấu của tôi, vừa lo giúp thủ tục kết hôn cho người bạn khác, cũng lấy chồng ngoại quốc, đã cảnh báo tôi rằng ít nhất phải lót khoảng 1.700 USD mới bôi trơn được giấy tờ. Sao lại nhiều tiền thế? “Vì họ luôn nghĩ nếu mày có giấy kết hôn cũng đồng nghĩa mày sẽ có visa, rồi thẻ xanh, rồi đổi đời... Chi trước một chút khôn ngoan hơn”. Điên à! Chồng tôi gào lên trong webcam khi nghe chuyện này. Anh - một kỹ thuật viên tay nghề cao nhưng lương sau thuế cũng chỉ khoảng 2.000 euro mỗi tháng, cam đoan: “Tin anh đi, em thực sự đang có cuộc sống vật chất tốt hơn nhiều so với anh”. Chồng tôi đã đến TP. HCM vài lần, nhưng lần đầu được ra Hà Nội anh thực sự bất ngờ bởi thành phố này có quá nhiều xe hơi đắt tiền, về nước anh khoe với một anh bạn hành nghề luật sư: “Rạp chiếu phim của họ (Việt Nam) hiện đại và to hơn cả ở Bỉ, giá nhà cửa thì trên mây”. Anh bạn luật sư gật gù: “Tương lai là ở châu Á, châu Âu đã đến đỉnh và già cỗi rồi. Nếu có cơ hội, tớ khuyên vợ chồng cậu nên về Việt Nam làm ăn và sinh sống”.
Nhưng có một thắc mắc của chồng tôi luôn ngàn lần đúng: chuyện chạy chọt giấy tờ kiểu Việt Nam ấy, lấy gì đảm bảo kết quả sẽ tốt đẹp khi chúng ta đã chi từng ấy tiền? Và họ có chịu ký vào một tờ giấy cam kết nào đó không, có loại luật sư nào đứng ra bảo vệ chúng ta khi họ không xong việc? Tôi đã bị ám ảnh bởi lời nhắc nhở “phải có luật sư” của anh ở thời điểm đó. Ôi, quên cái suy nghĩ kiểu Tây của anh đi, ở đây, làm sao tôi có thể thuê một luật sư để... chạy thủ tục kết hôn!
Những cuộc tình ngoại lai, về mặt di truyền học thường rất tốt khi cho ra đời những đứa con có cấu trúc gen kết hợp từ hai chủng tộc khác nhau, nhưng về mặt an ninh xã hội, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ!
Trước khi xin visa vào Bỉ, tôi đã nghe không biết bao câu chuyện (thường là ác mộng) mang tính cảnh báo: đừng nghĩ cứ có giấy kết hôn tại Việt Nam mà đại sứ quán nước ngoài dễ dàng cấp visa, có khi lại khó hơn nhiều vì họ nghi ngờ chuyện chạy giấy tờ ở Việt Nam. Ngay cả cô giáo dạy tiếng Hà Lan của tôi ở TP. HCM (đã kết hôn với người chồng Hà Lan tại Singapore), cũng khuyên “Kết hôn trong nước tốn kém và phức tạp lắm. Kiểu gì cũng phải qua cửa ải xin visa cơ mà, cứ xin visa trước rồi mang giấy tờ ra nước ngoài kết hôn, thuận tiện hơn nhiều”.
Cũng phải nói thêm, tìm được một lớp học tiếng Hà Lan ở Việt Nam thật khó khăn. Nhưng khi tìm ra, tôi lại bất ngờ bởi vẫn có nhiều người Việt muốn tìm đường sang định cư, kết hôn, làm ăn ở quê hương của hoa tulip và cối xay gió đến thế.
Ở thời điểm giữa năm 2009 ấy, muốn xin được visa sang kết hôn, định cư tại Hà Lan, nghe nói cần phải thi đạt trình độ cơ bản tiếng Hà Lan tại sứ quán hoặc lãnh sự quán. Gần hai chục con người trong lớp học ngột ngạt nắng hè Sài Gòn, đủ tâm trạng. Đó là một phụ nữ gầy gò quê ở Sóc Trăng có khuôn mặt luôn lo lắng, chị thi hai lần đều trượt “vừa tốn tiền vừa mệt mỏi”. Cô gái mập mạp ngồi phía sau tôi có điệu cười khanh khách vô tư cũng thi trượt một lần. May mắn sau đó cô xin được visa du lịch Hà Lan ba tháng, ở với người tình quá hạn, cô bị trục xuất về nước, nay lại quyết tâm theo học tiếng để xin visa theo diện kết hôn. Cô khoe “Được cái thằng chồng chị nó kiên trì, liên tục gửi tiền về cho chị ăn, học, ở trọ. Chị còn vòi được nó xây hẳn cái nhà riêng, đứng tên chị đàng hoàng để chị lên Sài Gòn học tiếng đấy”.
Rón rén ngồi hàng cuối là một người đàn ông trung niên quê Hải Phòng, chật vật phát âm mớ từ có chữ “n”, “l” và ngắc ngứ với âm “r” run bần bật, ngượng nghịu than “Còn khổ hơn về quê đi cày chúng mày ạ”... Tôi hỏi vui anh “Ở đây toàn diện học để đi lấy chồng, còn anh, học để đi lấy vợ Hà Lan hay sao?” Anh gãi đầu ngượng nghịu “Có gia đình bên đó bảo lãnh chứ yêu đương gì ở tuổi tôi cô ơi”. Nhưng chàng trai gương mặt trắng hồng ngồi ở góc lớp đúng là đã khiến một cô nàng Hà Lan chết mê chết mệt. Nha - cô gái ngồi cùng bàn tôi thì thào “Cô này sang Việt Nam du lịch, vào hiệu gội đầu và mê ngay anh chàng cắt tóc này, bây giờ muốn bảo lãnh sang kết hôn”. Nhưng anh chàng nhát quá, cứ học đi học lại mấy lần chưa dám thi. Bạn gái Hà Lan sốt ruột, không chịu nổi lại bay sang thăm anh. Và để anh tự tin hơn, cô quyết định xin visa du lịch cho anh trước khi kết hôn...
Cả lớp cũng quay ra ghen tị với tôi khi biết tôi học chỉ để biết tiếng chứ không phải thi (chồng tôi sống ở vùng nói tiếng Hà Lan thuộc Bỉ). Ngồi cùng bàn tôi là Nha và Lan Anh, trẻ trung, thông minh, thi lần đầu đạt ngay, chỉ hai tháng sau đã được cấp visa sang Hà Lan theo diện kết hôn. Có buổi, chúng tôi đang miệt mài phát âm thì một cô gái xông vào, hét toáng : “Em đậu rồi cô ơi”. Ai thi đậu cũng mừng như thế, nhưng cô gái này có lý do để mừng hơn, cô giáo tiết lộ “Lúc từ quê lên đây tìm tôi, cô ấy hoàn toàn mù chữ”.
Ở lớp học này, tôi thu thập thêm biết bao câu chuyện xung quanh sự trắc trở về visa. Nhưng biết trước thủ tục nhiêu khê, giấy tờ phức tạp, tôi vẫn khăng khăng muốn chồng tôi gửi mọi giấy tờ về để kết hôn ở Việt Nam. Tôi tin vào mối quan hệ và khả năng xoay xở của mình.
Chiều lòng tôi, anh gửi về một tập hồ sơ nào khai sinh, giấy ly hôn, giấy chứng nhận nơi cư trú... đã có con dấu của địa phương và dấu chứng thực của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ. Khoản dấu má này tiêu tốn của anh gần 500 euro. Tôi long đong tìm người dịch tiếng Hà Lan ra tiếng Việt (cũng không dễ tìm bởi người này phải sẵn có mốëi quan hệ với phòng công chứng) với cái giá đắt gấp ba lần so với dịch tiếng Anh, rồi công chứng. Tôi cũng đọc đi đọc lại không biết bao lần thủ tục kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam. Tôi hơi nản lòng nhìn vào dòng chữ quá trình Sở Tư pháp xem xét giấy tờ có thể là một tháng hoặc lâu hơn. Chồng tôi thuộc diện từng ly hôn, phức tạp trông thấy! Anh cũng nói trước không thể xin công ty nghỉ quá một tháng để về Việt Nam chờ đợi thủ tục kết hôn. Đó là trở ngại thứ nhất. Trở ngại thứ hai kinh khủng hơn: anh phát khùng lên khi tôi nằng nặc đòi anh phải gửi về giấy của bác sĩ hoặc bệnh viện chứng nhận anh không có vấn đề gì về mặt tâm thần - nôm na anh phải chứng minh mình KHÔNG BỊ ĐIÊN. “Chỉ riêng việc anh đến bác sĩ hoặc bệnh viện yêu cầu cấp cho cái giấy không bị bệnh tâm thần cũng đủ khiến họ muốn cho anh vào nhà thương điên rồi”.
Dù ngàn lần được giải thích hiện trạng một số cô dâu Việt lấy chồng Hàn, Đài Loan bị giết vì chồng có tiền sử tâm thần, và yêu cầu này là để bảo vệ chính vợ anh, chồng tôi vẫn khăng khăng: Anh không thể xin được cái giấy đó ở Bỉ đâu. Không xin được giấy đó thì về Việt Nam khám cũng được, một giải pháp được đưa ra khi tôi trực tiếp lên Sở Tư pháp hỏi. Nhưng tôi cũng nhận được lời cảnh báo: ngay cả khi có đủ giấy tờ, sẽ phải chờ thẩm tra đi thẩm tra lại, phỏng vấn trực tiếp cả hai bên để xác minh việc kết hôn là thật hay giả, vượt qua vòng phỏng vấn rồi toàn bộ hồ sơ gửi tiếp qua hai cấp công an gồm công an huyện và công an thành phố xem xét trường hợp kết hôn này có vấn đề gì liên quan tới pháp luật không, tiếp đó lại đợi, sớm nhất là một tháng để lại phải trực tiếp lên ký vào giấy đăng ký kết hôn. Ấy là chưa kể khoảng thời gian chờ phát sinh ngoài dự kiến, ví dụ chờ chữ ký cuối cùng của lãnh đạo UBND tỉnh hoặc thành phố nơi cư trú: ai mà biết con người giữ trọng trách đó lại không đi vắng đúng lúc anh chồng ngoại của bạn đang bị sếp thúc giục trở về làm việc...
Theo thói quen nghề nghiệp, trước khi tìm hiểu về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài, thông qua mối quen biết là một cộng tác viên dịch thuật của phòng Công chứng, tôi xin được một tập tài liệu ghi lại các cuộc phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài tại một Sở Tư pháp để nghiên cứu. Các bản này đều đã được dịch ra tiếng Anh, chú rể chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc, có một vài chú rể đến từ Mỹ, Anh, Hà Lan, Úc... Tôi đã bật cười trước câu trả lời rất giống nhau của các đôi về tình tiết gặp ở đâu, trong hoàn cảnh nào, vì sao muốn tiến đến hôn nhân... Bối cảnh nhà hàng, đang trên đường du lịch Việt Nam, được cô gái Việt xinh đẹp dịu dàng hút hồn, giúp đỡ nhiệt tình khi gặp khó khăn hoặc muốn tìm hiểu văn hóa và đời sống ở Việt Nam... thường được đề cập trong đa số trường hợp.
(Số sau đăng tiếp)