Võ Chí Công
Người cộng sản kiên cường - Ngọn cờ đổi mới
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa VIII (1987 1992), đồng chí Võ Chí Công là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, còn tôi là Ủy viên Hội đồng Nhà nước và trực tiếp làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Năm năm trời gắn bó công việc với đồng chí Võ Chí Công, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Đến nay tôi vẫn còn giữ trong ký ức của mình những ấn tượng sâu sắc về một người cộng sản kiên cường. Những bài học tôi rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là:
Bài học thứ nhất
Cuộc đời đồng chí Võ Chí Công là tấm gương sáng về ý chí và đạo đức cách mạng. Đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của một thế hệ vàng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ và trở thành người thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng. Trong suốt những năm hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí liên tục bám dân, trực tiếp lãnh đạo các cấp bộ Đảng địa phương, xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng rộng khắp.
Cuối năm 1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa đi đày tại Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm cấm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9.3.1945), đồng chí được trả tự do trở về quê nhà và tham gia ủy ban khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời kỳ kháng chiến chống Pháp đồng chí Võ Chí Công có công lớn lãnh đạo nhân dân Liên khu V kiên cường chiến đấu, giành được những thắng lợi to lớn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Bí thư Khu ủy V kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã chỉ đạo quân và dân Khu V chiến đấu kiên cường. luôn đi đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ, góp phần tạo thế đứng vững chắc của ta trên chiến trường miền Nam.
Bài học thứ hai
Đồng chí Võ Chí Công là người có tư duy mới, nhạy bén nắm bắt tình hình, luôn đi tiên phong trong việc đề xuất và trực tiếp giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Sau giải phóng miền Nam 1975 và thống nhất tổ quốc, tình hình đất nước hết sức khó khăn; lương thực, vật tư và hàng tiêu dùng cạn kiệt. Thêm vào đó là tình trạng ngăn sông, cấm chợ diễn ra khắp nơi càng làm cho lưu thông hàng hóa thêm ách tắc.
Đồng chí Võ Chí Công luôn đi sâu, đi sát cơ sở; xuống nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam Ninh... để tìm hiểu thực tiễn khó khăn, những vấn đề về cơ chế “trói buộc” nông dân. Đồng chí nghiên cứu rất kỹ những nơi xé rào áp dụng “khoán chui”, tức là giao khoán cho mỗi hộ một số diện tích ruộng, hợp tác xã có thể điều hành một số khâu, xã viên nộp mức khoán sản phẩm theo diện tích được chia cho hợp tác xã, phần dư thừa nông dân được hưởng. Sở dĩ việc này được gọi là “khoán chui” vì trái với hình thức hợp tác hóa nông nghiệp thời đó.
Từ những thực tiễn đó, đồng chí có những kiến nghị với Trung ương, từng bước tháo gỡ tạo đà cho việc hình thành tư tưởng “khoán” trong nông nghiệp, mở đầu cho thời kỳ đổi mới kỳ diệu của đất nước.
Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (tháng 1-1981) về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, thường gọi tắt là Khoán 100 có ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đồng thời cũng là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta.
Đồng chí Võ Chí Công đã giúp Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 (tháng 4-1988), thường gọi tắt là Khoán 10. Nhờ có những cơ chế và chính sách đúng đắn ở tầm vĩ mô nên Việt Nam không những không phải nhập lương thực như những năm trước mà còn xuất khẩu được lương thực, năm sau nhiều hơn năm trước. Nhìn tổng quát, đồng chí Võ chí Công là một trong những nhà lãnh đạo đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Hai bài học nêu trên, được thể hiện trong 4 câu thơ:
Bao tháng năm đối mặt thù nơi tiền tuyến
Lòng nhiệt thành hào khí vượt bão giông
Khoán một trăm khắc dấu son dầy công đức
Ngọn cờ hồng nhân nghĩa phúc non sông.
Bài học thứ ba
Đồng chí Võ Chí Công đã cùng với tập thể Hội đồng Nhà nước tạo ra một phong cách mới trong các lĩnh vực công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Những đổi mới của Quốc hội ở nhiệm kỳ Khóa VIII, được đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, gắn liền với sự chỉ đạo kiên quyết và sáng tạo của đồng chí Võ Chí Công.
Năm 1988, có một việc làm tuy nhỏ bé nhưng có tác dụng thiết thực là việc áp dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống biểu quyết điện tử ở Hội trường Ba Đình thay vì biểu quyết giơ tay, vừa mất thời gian vừa hạn chế dân chủ. Vấn đề này lúc đầu có những ý kiến khác nhau, nhưng chính đồng chí Võ Chí Công là người khích lệ và kiên quyết ủng hộ nên đã thành công, đến hôm nay thành tựu này vẫn đang được duy trì và phát huy.
Năm 1989, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo sửa Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, đáp ứng cho việc đổi mới hoạt động đối ngoại, nhất là quan hệ với Trung Quốc.
Năm 1990 và năm 1991, với cương vị Chủ tịch Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, đồng chí Võ Chí Công đã đầu tư nhiều công sức cho việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1980. Chúng ta đã có bản Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.
Trong công việc, tôi thấy ở đồng chí Võ Chí Công có một đức tính rất đáng kính là khiêm tốn, luôn quan tâm đến những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, còn có những ý kiến khác nhau, chưa tạo ra được sự đồng thuận. Ngay trong bản Hiến pháp năm 1992, đồng chí vẫn còn có những trăn trở, còn những băn khoăn về vấn đề quyền sở hữu, vấn đề tổ chức bộ máy Nhà nước, vấn đề phát huy thực sự quyền dân chủ của người dân.
Bài học thứ tư
Kiên quyết đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội.
Về vấn đề này, đầu tiên là phải kể đến vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Sau khi nhậm chức Tổng Bí thư, phát biểu trước Quốc hội, đồng chí đã ví von rằng, lâu nay vai trò Quốc hội thường giống như cây kiểng (miền Bắc gọi là cây cảnh). Đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định rằng không thể để tình trạng ấy kéo dài và phải đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.
Qua hoạt động thực tiễn của nhiệm kỳ Khóa VI của Đảng và tương ứng với Khóa VIII của Quốc hội, tôi nhận thấy: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công là cặp bài trùng trong lĩnh vực đổi mới hoạt động của Quốc hội. Hai đồng chí đã đề nghị với Bộ Chính trị và được sự nhất trí: các vấn đề của Quốc hội thì Hội đồng Nhà nước (Hiến pháp năm 1992 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chịu trách nhiệm. Bộ Chính trị không bàn quá sâu vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và không sớm đưa ra các kết luận để yêu cầu Quốc hội phải biểu quyết thông qua. Với cách làm đó, Bộ Chính trị không bị mất nhiều thời gian thảo luận những vấn đề mà Quốc hội chưa xem xét; còn Quốc hội thì có trách nhiệm hơn, được chủ động hơn trong việc xem xét và quyết định các vấn đề theo quyền hạn của mình.
Năm 1988, một sự kiện quan trọng đựoc xem như là một dấu son trong tiến trình dân chủ của hoạt động Quốc hội là có hai ứng cử viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thực chất ở đây là tranh cử. Có được dấu son này, phải kể đến công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh và đồng chí Võ Chí Công.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công được nhân dân ta, được Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao. Lớp con cháu nguyện noi theo tấm gương của đồng chí.
Nhân dịp đồng chí Võ Chí Công tròn 90 tuổi, tôi đã viết bài thơ:
Tấm lòng nhân hậu
Kính tặng Anh Võ Chí Công
Nhớ một thời Anh đã về nơi ấy
Cùng đồng bào đồng chí thân thương
Sóng cách mạng trào dâng bừng khơi dậy
Cho ngày vui giải phóng quê hương
Đời chiến chinh vượt muôn ngàn gian khó
Đối mặt thù nếm mật nằm gai
Tình mặn nồng ngày càng thêm gắn bó
Lòng nhiệt thành luôn hướng tới tương lai
Ngày chiến thắng non sông chung một giải
Cùng quây quần bên bếp lửa hân hoan
Vẫn vẹn nguyên tình nghĩa ngày sống mái
Đài gương soi, đời văn võ song toàn
Mến phục Anh tấm lòng giàu nhân đức
Lo cho dân từng manh áo bát cơm
Suy tư hoài, trở trăn nhiều thao thức
Để cho đời đọng lại những hoa thơm
Có ai đó nơi khốn cùng... bể sở
Anh rộng lòng chia sẻ nỗi đắng cay
Chỉ hướng đi trên con đường rộng mở
Rồi một mai tràn nhựa sống căng đầy
Bấy nhiêu năm trải gió sương đằng đẵng
Đẹp non sông, đời hương ngát tấm gương
Trời biếc xanh, suối ngàn reo trong trắng
Nhân hậu Anh, nhịp quân khúc dặm trường.