VNPT xác lập ngôi vị dẫn đầu trong chuyển đổi số

- Thứ Hai, 16/11/2020, 06:23 - Chia sẻ
Với tầm nhìn chiến lược, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chuyển hướng, đón đầu làn sóng chuyển đổi số rất sớm, từ khi khái niệm này vẫn rất mơ hồ với không ít người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Sau 3 năm, bằng những bước đi bài bản, chắc chắn, VNPT đã khẳng định được vị trí tiên phong, dẫn dắt trong hành trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam.

Đón trước xu thế

Giữa tháng 10 vừa qua, Lào Cai chính thức vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Lý giải việc chọn VNPT làm “bạn đồng hành” xây dựng đô thị thông minh, ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nói rằng VNPT là doanh nghiệp lớn, có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, giải pháp công nghệ thông tin, tham gia mạnh mẽ vào quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, ông tin Lào Cai sẽ sớm trở thành một trong những địa phương tiên phong trong phát triển Chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia do VNPT xây dựng

Lào Cai chỉ là 1 trong số 21 địa phương đã ký kết hợp tác chiến lược với VNPT để xây dựng đô thị thông minh; và hơn 20 Trung tâm điều hành thông minh -  IOC đã được VNPT triển khai trên khắp cả nước chỉ là một trong rất nhiều kết quả nổi bật của VNPT trong hành trình khẳng định vị thế dẫn đầu công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Xác định chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để phục vụ con người, tháng 6.2020, Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Đặc biệt, Chính phủ xác định doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ là lực lượng chủ lực của chương trình và từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.

Với tầm nhìn chiến lược, VNPT chuyển hướng, đón đầu làn sóng chuyển đổi số từ rất sớm. Năm 2017, khi khái niệm “chuyển đổi số” vẫn rất mơ hồ với một số người dân, doanh nghiệp, tổ chức thì Ban lãnh đạo Tập đoàn VNPT đã đặt mục tiêu phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ số của châu Á vào năm 2030.

Các nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là đưa VNPT trở thành doanh nghiệp trụ cột, dẫn dắt chương trình chuyển đổi số quốc gia; Xây dựng mô hình vận hành linh hoạt; Duy trì và phát huy văn hóa VNPT, trong đó những giá trị cốt lõi của Văn hóa VNPT sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, nâng lên một tầm cao mới; Cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh một cách bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, để có điều kiện  bảo đảm vững chắc việc làm, cải thiện thu nhập cho các thành viên ở mức tốt trong mặt bằng chung của xã hội, đóng góp tích cực hơn vào công tác an sinh xã hội, tiên phong vì sự phát triển của cộng đồng, xây dựng đất nước”, Chủ tịch HĐTV tập đoàn VNPT Phạm Đức Long chia sẻ.

Để bắt nhịp ngay với công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hiện thực hóa khát vọng dẫn đầu, trong suốt năm 2018 và năm 2019, VNPT đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về con người và công nghệ. Đến nay, VNPT không chỉ có mạng di động 3G/4G rộng khắp đến 96% quy mô dân số, mạng băng rộng cố định có tốc độ Internet số 1 Việt Nam mà còn đang sở hữu 2 trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn Tier 3 - hệ thống tiêu chuẩn đánh giá danh giá nhất trên thế giới dành cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định về dịch vụ của trung tâm dữ liệu; đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ nội bộ và cho khách hàng, đặc biệt là khối khách hàng chính quyền.

Không dừng ở đó, VNPT đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới, bao gồm AI, công nghệ Blockchain, IoT, Cyber Security... tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu tiên phong trong công cuộc dẫn dắt chuyển đổi số.

Củng cố vị trí dẫn đầu

Những bước đi bài bản đã giúp VNPT phát triển vượt bậc và củng cố ngôi vị dẫn đầu về chuyển đổi số chỉ sau 3 năm với một “bảng vàng thành tích” vượt trội.

Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh do VNPT triển khai

Trước tiên phải nói đến 3 hệ thống phần mềm lớn đặt nền móng cho Chính phủ điện tử mà VNPT được Chính phủ tin tưởng “đặt hàng”. Cụ thể, Trục liên thông văn bản quốc gia vận hành tháng 3.2019 hiện đã kết nối với 100% bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác; đến tháng 8.2020 đã gửi - nhận trên 2,2 triệu văn bản điện tử và tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.

Cổng dịch vụ công Quốc gia khai trương tháng 12.2019 đến nay đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền; giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 6.700 tỷ đồng/năm.

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng hoạt động từ tháng 8.2020 là điểm nhấn quan trọng, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số. Chi phí tiết kiệm khi vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ khoảng 460 tỷ đồng/năm, chưa tính Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 55 tỉnh/thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh. VNPT cũng đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC tại 21 tỉnh, thành phố và cung cấp giải pháp Du lịch thông minh cho gần 50 tỉnh, thành phố…

Trên bình diện chuyển đổi số nền kinh tế, VNPT xác định lấy các doanh nghiệp làm trung tâm với các nội dung: Chuyển đổi sử dụng hạ tầng số; chuyển đổi áp dụng quản trị số (phần mềm quản lý nhân lực, kế toán...); số hóa công cụ sản xuất và tổ chức khai thác dữ liệu để tạo ra các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; và bao trùm tất cả chính là thương mại điện tử, dịch chuyển các giao dịch thương mại truyền thống sang môi trường số.

Hiện VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp. VNPT đang thực hiện chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn. Đặc biệt, lãnh đạo VNPT cho biết rất quan tâm đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó sẽ đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp với các nền tảng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng doanh nghiệp.

Trong chuyển đổi số xã hội, VNPT cung cấp giải pháp trong mọi lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội. Hiện có gần 60% trường học trong cả nước sử dụng giải pháp vnEdu như bài giảng điện tử, học trực tuyến quản lý tuyển sinh, quản lý kết quả học tập học sinh... Ứng dụng quản lý y tế, quản lý xét nghiệm, phần mềm lưu trữ, bệnh án điện tử, hệ thống thông tin bệnh viện, khám chữa bệnh từ xa… của VNPT đã thâm nhập gần 100% bệnh viện các tuyến trên cả nước. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, VNPT đã triển khai ứng dụng VNPT Pay và tới đây là Mobile Money…

Ba năm là một khoảng thời gian không dài và những thành quả đạt được đã giúp VNPT củng cố ngôi vị nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, góp phần nâng tầm vị thế trụ cột và dẫn dắt của Tập đoàn trong hành trình chuyển đổi số quốc gia.

“Trước khi chuyển đổi nền kinh tế số, đô thị số, chính quyền số thì ngay bản thân VNPT phải chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Vì vậy, những năm gần đây VNPT đã đưa ứng dụng các công nghệ trong hệ sinh thái số của mình để chuyển đổi số trong nội bộ tập đoàn, sau đó áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm đang cung cấp cho khách hàng.

Trong những năm tới chuyển đổi số không chỉ là mệnh lệnh, sứ mệnh mà còn quyết định số mệnh của VNPT. Trong bối cảnh viễn thông ngày càng suy thoái, cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội và phát triển bằng việc cung cấp các dịch vụ số, công nghệ số mới cho các doanh nghiệp, tổ chức trong một nền kinh tế số đang ngày càng rộng mở”.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long

Hà Lan