Vĩnh Phúc: Văn hoá làng trong hành trình công nghiệp hoá
Dòng sông Hồng, sau khi vượt qua điệp trùng thác ghềnh của vùng núi cao phía Bắc, đã “dừng lại” ở ngã ba Bạch Hạc, hợp lưu với sông Đà, sông Lô để “vẽ” nên đồng bằng Bắc Bộ trù phú mênh mông. Vĩnh Phúc chính là cái đỉnh của đồng bằng, nơi sinh tụ từ rất sớm của cư dân thời dựng nước. Đôn Nhân, Gò Tạp, Nghĩa Lập, Thổ Tang, Lũng Hoà, Đồng Đậu, Thành Dền, Tháp Miếu, Núi Cả... là những di chỉ khảo cổ học, ghi dấu ấn của cha ông trong buổi đầu của nền văn minh lúa nước, cách đây 3.500 năm.
Như vậy, có thể coi đây là miền đất đặt nền tảng đầu tiên cho cơ cấu làng xã, khai sinh ra văn hoá làng, nơi hình thành nên tính cách, truyền thống và bản lĩnh Việt. Những làng quê sản sinh ra các bậc danh nhân tỉnh Vĩnh Phúc gần như đều thuộc về các làng cổ. Làng cổ Đồng Đậu có lịch sử 3000 năm, từng là thành phủ của lộ Tam Đái vào thế kỷ thứ X, nổi tiếng là huyện có cư dân đông, của cải nhiều. Làng Hạ Lôi có phủ trị huyện Mê Linh thời thuộc Hán, còn ghi dấu ấn thành trì Hai Bà Trưng khởi nghĩa, dựng kinh đô. Làng Yên Lang- Hợp Lễ là đất sinh tụ của bà Triệu Thị Khoan Hoà và Ngũ vị Aáp Lang (truyền thuyết gọi là 5 anh em chàng Vịt) thời Hai Bà Trưng, nay còn mộ táng và di tích thờ cúng. Làng Hiến Trưng quê hương của danh tướng Nguyễn Văn Nhượng đời Lí. Nằm kề bên dòng sông Lô, làng Sơn Đông- đầu mối giao lưu kinh tế từ đồng bằng lên tận xứ biên viễn Hà Tuyên, là nơi sản sinh ra đại công thần Trần Nguyên Hãn cho triều Hậu Lê...
Ngược dòng lịch sử như thế để thấy rằng làng quê ở Vĩnh Phúc đã có một bề dầy lịch sử văn hoá, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển nói chung và cho giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nói riêng. Chính yếu tố “nhân hoà” đã là động lực giúp Vĩnh Phúc vượt qua nhiều tỉnh khác có cùng “thiên thời, địa lợi” trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư, biến một tỉnh thuần nông thành một tỉnh có tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm vị trí chủ đạo của cơ cấu kinh tế trong vòng chưa đầy một thập kỷ sau ngày thành lập. Tuy nhiên, sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế cũng đang làm thay đổi cơ cấu xã hội, tác động sâu sắc tới văn hoá truyền thống. Vẫn còn đó hồn xưa trong lễ hội Hai Bà, qua bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công làng Thổ Tang, vẻ cực nhọc của người thợ đá Hải Lựu hay cái vất vả của người trồng hoa Mê Linh, cả sự tinh tế và độc đáo của làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn... Nhưng công nghiệp cũng đã tràn về sát vách Mê Linh, đất Bình Xuyên yên ả ngày nào thì nay đang rộn rã công trường xây dựng, những khu đô thị, khu chung cư đông người đang mọc lên trên những làng lúa, làng hoa, các sinh hoạt văn hoá cộng đồng ngày càng thưa vắng và tệ nạn xã hội đang có xu hướng thâm nhập vào các tầng lớp dân cư... Những thay đổi này đã đem đến dự cảm buồn cho những ai đã từng gắn bó và mến yêu bầu không khí làng, văn hoá làng đượm hồn quê Việt.
Làm gì để giữ gìn bản sắc văn hoá, phát huy truyền thống trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hôm nay? Những người làm công tác văn hoá ở Vĩnh Phúc đang nỗ lực đi tìm sự trả lời cho câu hỏi nặng lòng đó. Kết quả trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong giai đoạn vừa qua là rất đáng ghi nhận, nhưng từng ấy dường như là chưa đủ đối với một vùng đất đang mau chóng đổi thay như Vĩnh Phúc. Những tồn tại đã được UBND tỉnh đánh giá xác đáng trong Đề án “Xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2010” sẽ được trình tại kỳ họp HĐND tới đây: “Cuộc vận động tuy có bề rộng nhưng chưa sâu, chưa bền vững, chưa xây dựng được nhiều hình mẫu cá nhân, tập thể có sức thuyết phục, lôi cuốn xã hội. Đời sống văn hoá ở các khu công nghiệp còn nghèo nàn. Tình trạng thiếu thốn về đời sống văn hoá tinh thần ở nhiều vùng nông thôn, miền núi vùng đồng bào các dân tộc chưa được khắc phục có hiệu quả ”. Chính vì điều đó, Đề án đặt ra mục tiêu “làm cho phong trào ngày càng sâu rộng, đồng đều, thực chất và bền vững. Phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, tích cực xây dựng các thiết chế văn hoá thể thao, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, nhất là ở cơ sở”. Một trong những giải pháp quan trọng được nêu lên trong Đề án là việc xây dựng 60 làng văn hoá trọng điểm. Theo chị Đỗ Thị Cúc- Phó trưởng phòng Nếp sống văn hoá, Sở Văn hoá Thông tin Vĩnh Phúc, đó là 60 làng được lựa chọn trong tổng số 1354 làng trên toàn tỉnh, có các tiêu chí cụ thể. Trong 60 làng dự kiến lựa chọn, có 38 làng đã đạt làng văn hoá cấp tỉnh, 14 làng miền núi, 8 làng có lễ hội tiêu biểu, 3 làng còn lưu giữ được các làn điệu dân ca dân vũ, 7 làng nghề truyền thống, 1 làng công giáo, 17 làng có di tích trọng điểm, 6 làng cơ sở cách mạng kháng chiến, 9 làng có tiềm năng phát triển du lịch văn hoá sinh thái, 10 làng vệ tinh của khu công nghiệp- đô thị. Việc lựa chọn 60 làng là để đầu tư có trọng tâm, xây dựng thí điểm các mô hình và từ đó nhân rộng ra, tạo nên phong trào rộng khắp.
“Đã chỉ ra được, nhận diện được các làng văn hoá để đầu tư, đó đã là một thành công. Nhưng để tạo ra được diện mạo mới của các làng văn hoá thì cần một quá trình”- chị Cúc nói. Hy vọng rằng sau năm năm, mười năm nữa, chúng ta có thể nhận ra diện mạo các làng văn hoá của một Vĩnh Phúc hoàn thành công nghiệp hoá. Còn bây giờ, cuộc hành trình mới chỉ bắt đầu.
Xuân Phương