Vĩnh Phúc: 5 học sinh tử vong do đuối nước trong 2 tuần
Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chỉ trong 2 tuần gần đây, tại tỉnh này đã có 5 học sinh tử vong do đuối nước.
Trong đó, có 2 học sinh tại huyện Tam Đảo, 2 học sinh tại thành phố Phúc Yên và 1 học sinh tại huyện Yên Lạc.
Trường hợp đuối nước xảy ra gần đây nhất là em N.V.T. (sinh năm 2008, trú tại thôn Gia Phúc, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc). Ngày 3.7, em T. cùng một nhóm thiếu niên ra khu vực hồ điều hòa (công trình đang thi công) thuộc địa phận xã Yên Phương, huyện Yên Lạc để tắm, không may bị đuối nước và tử vong lúc 17h30.
Thông tin ban đầu cho biết, em T. bị chuột rút, dẫn đến chìm và đuối nước. Đến 18h cùng ngày, các lực lượng chức năng đã vớt được thi thể em T.

Trước đó, khoảng 13h ngày 2.7, tại khu vực kênh mương Hồ Phân lân thuộc thôn Phân Lân Thượng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (khu vực đang được thi công cải tạo) xảy ra vụ đuối nước làm 2 trẻ em (1 em đang học lớp 8 và 1 em đang học lớp 6) tử vong.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các em đi chơi, khi thấy trên kênh có thuyền, các em đã kéo thuyền để đi bơi, nhưng không may thuyền bị lật dẫn đến đuối nước.
Một vụ việc đau lòng khác diễn ra tại công trình đang thi công thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên. Vào khoảng 14h ngày 22.6, hai trẻ em là chị em ruột (1 em học lớp 3, 1 em học lớp 6) đi chơi, không may bị trượt chân rồi ngã xuống hố nước sâu cạnh công trường dự án đường Vành đai 5, dẫn đến cả hai đều tử vong.
Điểm chung của các vụ tai nạn là đều xảy ra tại các khu vực thi công, không hề có biển cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo và rào chắn báo hiệu nước sâu.
Được biết, ngày 19.6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Một trong những nội dung của Chỉ thị là giao trách nhiệm cho UBND huyện/thành phố chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với Hội Cựu Chiến binh cơ sở tổ chức việc rà soát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông ngòi, vùng nước, bãi tắm, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, cụ thể như làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, làm rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực nguy cơ xảy ra đuối nước…
Đồng thời, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm “Môi trường sống an toàn” cho trẻ em”.
Ngay trước khi nghỉ hè năm 2024, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh trong thời gian nghỉ hè.
Theo đó, ngoài trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn của giáo viên, nhà trường, một phần rất quan trọng là sự quan tâm, giám sát của các bậc phụ huynh đối với con em mình như: thường xuyên nhắc nhở, quản lý, không cho con em mình tự ý đi đến những nơi ao, hồ, sông, suối mà không có người lớn đi cùng; trang bị cho các con kỹ năng bơi lội, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cũng như kỹ năng cứu đuối...