Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội là sự kiện hàng năm, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới, sáng tạo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao phù hợp thị hiếu khách hàng.
Cuộc thi năm nay đã thu hút 183 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân tham gia dự thi với tổng số 423 sản phẩm/bộ sản phẩm, trong đó các sản phẩm tham dự được chia thành 6 nhóm gồm: 104 sản phẩm bộ sản phẩm gốm sứ, 43 sản phẩm bộ sản phẩm sơn mài; 47 sản phẩm/bộ sản phẩm mây tre, giang đan, guột tế; 80 sản phẩm bộ sản phẩm khảm trai, sừng, gỗ mỹ nghệ; 47 sản phẩm bộ sản phẩm thêu ren, lụa tơ tằm và 102 sản phẩm bộ sản phẩm đồng, đá và sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
Các sản phẩm được lựa chọn đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống nghề Hà Nội. Sự sáng tạo ở mỗi sản phẩm được tạo ra trên nền tảng giá trị tinh hoa của mỗi nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống lâu đời. Những chất liệu mới đã được các nghệ nhân, thợ giỏi tích hợp hài hòa, tinh tế, độc đáo vào từng sản phẩm, sự kết hợp sáng tạo từ nhiều loại nguyên liệu trên cùng một sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế, chế tác đã tạo ra những mẫu sản phẩm, tác phẩm vừa có tính hiện đại, vừa có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao.
Ban Giám khảo cuộc thi đã làm việc nghiêm túc, thống nhất kết quả, báo cáo Sở Công Thương trình UBND Thành phố công nhận 90 sản phẩm đạt giải Cuộc thi với 6 giải nhất, 18 giải nhì, 24 giải ba, 42 giải khuyến khích cho 6 nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Lễ trao giải không chỉ ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các nghệ nhân mà còn thể hiện sự quyết tâm của Hà Nội trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời khuyến khích sáng tạo để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội Hoàng Minh Lâm cho biết, Hà Nội là nơi hội tụ của 290 nghệ nhân lành nghề, chủ yếu trong các lĩnh vực như gốm sứ, dệt lụa, mây tre đan, vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai và thêu ren. Trong số này, có 13 nghệ nhân được vinh danh là “Nghệ nhân Nhân dân” và 42 người được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Các nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm và tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay, ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường và thiếu tính cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines...
Chính vì vậy, việc tôn vinh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ kỳ vọng sẽ tạo ra sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề, sản phẩm có tính sáng tạo, có tính ứng dụng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Tạo môi trường để các tác giả tham gia giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.