Vinasun và Grab có một tháng để hòa giải

Hà Lan 01/12/2018 07:49

Trong phiên xét xử vụ Vinasun kiện Grab sáng 30.11, đại diện của Vinasun và Grab đã đề nghị tạm dừng phiên tòa để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải. Sau khi hội ý, tòa đã cho thời hạn một tháng để các bên hòa giải trước khi tòa ra quyết định chính thức. Động thái này được Hội đồng xét xử và giới quan sát nhận định là một dấu hiệu tích cực.

Ngày 30.11, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Vinasun và Grab có một tháng để hòa giải ảnh 1
Khi Hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi, đại diện của hai công ty Vinasun và Grab đề nghị tạm dừng phiên tòa, để hai bên có thời gian ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa theo đề nghị của hai bên, thời gian tạm dừng không quá một tháng.

Theo Hội đồng xét xử, việc Vinasun và Grab đề nghị hòa giải là dấu hiệu tích cực. Chủ tọa phiên tòa cũng cho biết, pháp luật quy định rõ việc hòa giải thẩm phán không thể tiến hành trong khi vụ án đưa ra xét xử. Nếu vụ việc có thể hòa giải trong thời gian chuẩn bị xét xử thì thẩm phán có thể hòa giải.

Bình luận về động thái này, ông Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng, đây là vụ việc dân sự thương mại. Giải quyết các vụ án dân sự thì thực hiện theo nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên”. Vì vậy, hai bên ngồi lại tìm phương án hòa giải là hợp tình hợp lý và văn minh. Trình tự hòa giải sẽ có 2 trường hợp. Một là hai bên có thể đi đến thống nhất về các khoản bồi thường bên ngoài tòa và nguyên đơn sẽ rút đơn kiện. Hai là hòa giải tại tòa và sẽ đưa ra biên bản hòa giải ngay sau đó.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Grab và Vinasun bắt tay hợp tác thì đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Vinasun mặc dù là công ty taxi lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh nhưng hoạt động theo mô hình truyền thống và dù đã có ứng dụng (app) công nghệ nhưng chưa thành công. Trong khi đó, Grab là công ty công nghệ cung cấp nền tảng rất mạnh giúp việc kết nối với khách hàng thật sự nhanh chóng và tiện lợi. Theo các chuyên gia, cạnh tranh lành mạnh không phải triệt tiêu nhau mà là cùng kết hợp để tạo ra khả năng cạnh tranh. Đó mới là cách hành xử văn minh, hướng tới người tiêu dùng.

Một số công ty taxi truyền thống cũng có cái nhìn khá tích cực về khả năng hợp tác giữa Vinasun và Grab. Ông Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Blue Taxi tại Kon Tum cho rằng: Nếu Vinasun và Grab có thể cùng ngồi lại với nhau thì đó sẽ là một tín hiệu tốt cho thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp taxi truyền thống có kinh nghiệm trong việc quản trị nhân sự và các tài xế của mình, còn Grab có lợi thế về công nghệ. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng.

Theo phân tích của một luật sư, Vinasun kiện Grab là vụ việc đặc biệt ở chỗ nó không chỉ liên quan trực tiếp đến nguyên đơn và bị đơn mà còn là biểu hiện của “cuộc chiến” giữa cái mới và cái cũ, giữa kinh doanh công nghệ với kinh doanh truyền thống. Vì vậy, nếu hai bên hòa giải thành công, bắt tay hợp tác sẽ là tín hiệu tốt về sự thích ứng với nền kinh tế chia sẻ.  

Trên thực tế, sau phiên xử ngày 23.11, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh mong muốn cùng hợp tác với Vinasun, ngưng “chiến tranh” để hướng đến lợi ích chung của người dùng.

Trong quá trình xét xử kéo dài gần 10 tháng qua, đại diện Vinasun giữ nguyên quan điểm yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại và hoàn toàn đồng ý kết quả giám định cùng văn bản giải thích của Công ty Cửu Long. Vinasun cho rằng có đủ bằng chứng khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như Đề án 24. Vinasun khẳng định chính bởi sự xâm nhập của Grab vào thị trường taxi, các chương trình khuyến mãi tràn lan… đã khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab, gây thiệt hại cho Vinasun nên Vinasun yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Ngược lại, đại diện ủy quyền của Grab cho rằng kết luận giám định của Công ty Cửu Long đã không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab đối với thiệt hại của Vinasun nên yêu cầu đình chỉ vụ án.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vinasun và Grab có một tháng để hòa giải
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO