Tham dự sự kiện có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước.
Về phía Viettel có Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cùng các vị nguyên lãnh đạo Tập đoàn các thời kỳ, các Tổng công ty, Công ty và cán bộ, nhân viên Viettel đại diện cho các đơn vị phòng, ban, trung tâm.
Mạng 5G Viettel: Vùng phủ rộng nhất, công nghệ hiện đại nhất, chất lượng tốt nhất
Chính thức ra mắt chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học. Mạng 5G Viettel có tốc độ có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).
Mạng 5G NSA được Viettel triển khai thành công năm 2019, tuy nhiên, 5G SA mới là mạng 5G thực sự và độc lập hoàn toàn so với công nghệ 4G hiện tại. So với mạng 5G NSA, ngoài cung cấp các dịch vụ truyền tải dữ liệu tốc độ cao, 5G SA còn đáp ứng yêu cầu độ trễ siêu thấp, khoảng 1ms, tốt hơn nhiều mạng 5G NSA và gấp 20 lần 4G truyền thống giúp cung cấp các dịch vụ yêu cầu sự phản hồi tức thì như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển từ xa trong nhà máy thông mình, lớp học thực tế ảo…
Viettel đã phát triển sẵn các open APIs (cung cấp dữ liệu, cung cấp khả năng cấu hình và tương tác với mạng 5G Viettel) theo chuẩn của GSMA cho cộng đồng phát triển ứng dụng tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này giúp các nhà phát triển ứng dụng dễ dàng sáng tạo trên nền tảng 5G Viettel.
Viettel cũng công bố 11 gói cước trả trước và 8 gói cước trả sau dành cho khách hàng cá nhân. Đặc biệt, với 5G Viettel, mỗi Khách hàng sẽ có 1 không gian số của riêng mình, tất cả các gói cước 5G đều được Viettel miễn phí lưu trữ Cloud và dịch vụ xem truyền hình TV360 4K. Khách hàng sở hữu điện thoại hỗ trợ 5G có thể sử dụng ngay dịch vụ mà không phải đổi SIM. Để mua gói 5G Viettel, ngoài các kênh hiện tại, Viettel cho ra mắt Cổng mua sắm tại hub.vietteltelecom.vn giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn các gói phù hợp theo nhu cầu của riêng cá nhân mình.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, Viettel công bố hơn 130 user cases là các ứng dụng và giải pháp dành cho các tổ chức thuộc các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp, Smart city, Giao thông vận tải và Logistics, Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Năng lượng. Các giải pháp này được may đo theo từng nhu cầu riêng, tích hợp các công nghệ cloud, AI, IoT trên nền 5G với khả năng kết nối với mật độ cực lớn.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ, nếu như với 2G khát vọng của Viettel là "mỗi người dân sở hữu một di động"; 4G là "mỗi người dân sở hữu một smartphone" thì 5G sẽ hướng đến "mỗi người dân sở hữu một smartphone siêu tốc độ, siêu kết nối", ứng dụng công nghệ để giải quyết vấn đề lớn của xã hội, góp phần xây dựng xã hội số, kỉ nguyên thông minh tại Việt Nam.
Thông điệp của mạng 5G Viettel là "Cuộc sống mới" bởi Viettel tin rằng 5G sẽ mở ra các dịch vụ mới phục vụ con người, kết nối con người, kết nối vạn vật đồng thời tạo ra các công cụ/nền tảng để xã hội cùng phát triển.
20 năm Viettel Mobile - Kết nối từ trái tim
Cũng vào ngày 15.10.2024, Viettel kỷ niệm 20 năm ngày chính thức kinh doanh dịch vụ di động. Sau 2 thập kỷ, Viettel đã tạo ra 2 cuộc cách mạng là phổ cập dịch vụ di động, đưa mật độ thâm nhập di động từ dưới 5% vào năm 2004 lên tới trên 100% chỉ sau 5 năm và hiện nay là 130%.
Khi khát vọng mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động đã trở thành hiện thực, Viettel tiếp tục sứ mệnh phổ cập dịch vụ internet băng rộng, tiến tới mục tiêu mỗi hộ gia đình sở hữu một đường cáp quang, mỗi người dân sở hữu một điện thoại thông minh.
Trong suốt 20 năm qua, Viettel Mobile đã đạt được nhiều thành tựu. Viettel là doanh nghiệp di động duy nhất thế giới kinh doanh ở cả 3 nước Đông Dương, Viettel đã có sáng kiến cho phép khách hàng ở cả 3 nước được sử dụng di động với mức cước tương tự trong nước (roaming like home). Chính sách này giúp giảm 10 lần cước tin nhắn, giảm 14 lần cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 140 lần giá cước data cho hàng trăm nghìn khách hàng.
Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong và duy nhất phủ sóng kín vùng biển gần bờ toàn bộ hải đảo Việt Nam, các quần đảo, nhà giàn; trở thành một người bạn không thể thiếu của bộ đội, ngư dân và hàng triệu người bám biển. Đồng thời, phát triển thành công hệ thống tính cước thời gian thực lớn nhất thế giới vOCS năng lực siêu cao và khả năng tuỳ biến để thiết kế các gói cước cá thể hóa đáp ứng nhu cầu của từng người dùng.
Viettel đã đầu tư kinh doanh di động ở 10 quốc gia thuộc 3 châu lục là châu Á, châu Phi và châu Mỹ, trong đó có 7 thị trường đứng số 1. Viettel cũng đã tiên phong phủ sóng tại khu vực sâu nhất giữa rừng Amazone (Peru); xóa vùng trắng sóng cho gần 6.000 làng, điểm dân cư tại các thị trường quốc tế, giúp hàng triệu người dân nước bản địa được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.
Ông Cao Anh Sơn nhấn mạnh, "hai mươi năm qua, Viettel Telecom tự hào vì đã đóng góp vào sự phát triển của ngành viễn thông, của đất nước để phục vụ người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi tiếp tục sáng tạo, tiên phong kiến tạo xã hội số, xây dựng các nền tảng để chuyển dịch từ nền tảng viễn thông sang nền tảng số, tập trung vào phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ hướng đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Cùng hành trình tiếp nối khát vọng
Phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh, hành trình của di động Viettel không chỉ tồn tại 20 năm mà là một hành trình liên tục được tiếp nối vì khát vọng của Viettel là điều chưa bao giờ dừng lại. Ngay khi 4G đang ở đỉnh cao, Viettel đã nhanh chóng nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ di động thế hệ thứ 5 và kết nối thành công cuộc gọi đầu tiên 5G vào tháng 5.2019 với tốc độ tương đương với mạng 5G trên thế giới.
Từ chỗ đi sau, tiếp cận các công nghệ 2G, 3G, 4G vốn đã phổ biến trên thế giới từ 8 - 13 năm trước đó, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có thể song hành với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất và là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm dịch vụ 5G tại 63 tỉnh/thành phố. Với việc làm chủ nhiều hệ thống mạng lõi quan trọng, Viettel đã đưa Việt Nam gia nhập Top 5 nước đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, chỉ sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Tại sự kiện này, Viettel tự hào công bố một mốc mới minh chứng mạnh mẽ cho hành trình tiên phong, bứt phá về di động của Việt Nam. Đó là Viettel chính thức khai trương kinh doanh dịch vụ di động 5G trên toàn quốc. Hơn 6.000 trạm thu phát sóng 5G được phát sóng chỉ sau 6 tháng kể từ khi nhận giấy phép và ra mắt nhiều gói cước để giúp khách hàng cảm nhận lợi thế khác biệt của 5G - đó là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Viettel để Việt Nam tiếp tục trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trên thế giới về thương mại hóa 5G" - Thiếu tướng Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Khẳng định những đóng góp và quan trọng của Viettel trong phát triển hạ tầng số quốc gia cũng như trong lĩnh vực quốc phòng; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Viettel cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, thường xuyên quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội về kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát triển dịch vụ viễn thông, công nghiệp quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động; chủ động rà soát, cụ thể hóa, xây dựng, triển khai các đề án, các kế hoạch phát triển dịch vụ viễn thông, công nghiệp quốc phòng phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị điều hành, bám sát thực tiễn, phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả cao; triển khai thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số, xây dựng Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của đất nước. Tiếp tục tiên phong trong phát triển trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông, công nghiệp quốc phòng trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; tích cực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm dịch vụ mới hiện đại, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; phối hợp chặt chẽ với đơn vị, doanh nghiệp Quân đội xúc tiến đầu tư, thương mại, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, giữ vững thương hiệu, tạo được niềm tin của khách hàng; tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh thông tin truyền thông, quảng bá sản phẩm, bảo đảm việc làm, nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động.
Mặt khác, chủ động rà soát, sắp xếp lại bộ máy của tập đoàn theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; tăng cường chăm lo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ trì, cán bộ quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu pháp luật về lĩnh vực viễn thông, công nghiệp quốc phòng.
"Viettel cần tập trung xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, coi trọng xây dựng cấp ủy có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao; gương mẫu thực hiện các quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh và học tập theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua quyết thắng" - Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.