Việt sử giai thoại: Vụ án Lệ Chi Viên

Nguyễn Khắc Thuần 19/12/2008 00:00

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông đi duyệt binh ở thành Chí Linh, Hải Dương. Lúc ấy, đất nước đang hồi thái bình, nhà vua thì đang ở độ tuổi thanh xuân sung sức, không ai nghĩa rằng đó là chuyến tuần du cuối cùng của nhà vua, nhưng tiếc thay, sự thực lại như vậy. Vua Lê Thái Tông đã đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên (Gia Lương, Hà Bắc) vào đêm mùng 4 tháng 8 (1442), khi đang trên đường trở về kinh đô, hưởng dương 19 tuổi. Sau cái chết đột ngột của nhà vua, một vụ án lớn đã xảy ra và kết quả là cả ba họ của Nguyễn Trãi đã bị tru di một cách thảm khốc. Sử thường gọi là đó là vụ án Lệ Chi Viên. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 11, tờ 55 a-b và tờ 56 a-b) chép như sau:

      “Ngày 27 (tháng 7 năm 1442- ND), Vua tuần du về phía Đông, đến thành Chí Linh (Hải Dương -ND) để thân duyệt quân đội. Nguyễn Trãi (lúc này đã nghỉ hưu ở Côn Sơn, Hải Dương- ND) mời Vua về ngự ở chùa Côn Sơn (tức chùa Tư Quốc cũ, do thiền sư Pháp Loa, người đời Trần dựng lên - ND). Chùa này nằm trong làng của Nguyễn Trãi. Vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức, đến khu mộ Bạch Sư thuộc Cầu Bông, xã Đại Toán, huyện Quế Dương thì thuyền ngự không sao đi được nữa. Quan quân lấy hết sức mà kéo, thuyền vẫn nằm yên, cứ y như có người đang níu thuyền lại. Vua bèn sai trung sứ đi hỏi khắp các vị bô lão quanh vùng, xem đất này có vị thần nào không. Các vị bô lão thưa rằng:
      - Xưa, có người là Bạch Sư rất tinh thông pháp thuật. Khi mất, chôn ở bờ sông, thường rất linh hiển, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm.
      Trung sứ hỏi:
      - Tế thần bằng gì?
      Các vị bô lão trả lời:
      - Tế bằng bê con.
      Trung sứ về tâu Vua. Vua sai đem con bê con đến tế thần, tế xong thuyền ngự mới đi được.
      Tháng 8, ngày mùng 4, Vua về đến Lệ Chi Viên (tên nôm là Trại Vải- ND), thuộc huyện Gia Định (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh - ND) thì bỗng bị bạo bệnh rồi mất.
      Trước, Vua vẫn thích vợ của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, tên là Nguyễn Thị Lộ. Thị Lộ đẹp người lại có tài văn chương, Vua gọi vào cung, cho làm Lễ Nghi học sỹ, ngày đêm hầu cận. Khi đi tuần du miền Đông về, qua Lệ Chi Viên (xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức), Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa lĩnh cữu về. Ngày mùng 6 thì đến kinh sư, vào đến cung là nửa đêm, lúc ấy mới phát tang. Ai cũng nói là Nguyễn Thị Lộ giết Vua”.
      … “Ngày 16 (tháng 8 năm 1442- ND), giết quan Hành khiển là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy lấy làm thích, liền cợt nhả với thị. Nay, Vua đi tuần miền Đông, lại ghé nhà Nguyễn Trãi chơi rồi sau mới bị bạo bệnh mà mất, cho nên, khép Nguyễn Trãi vào tội ấy”.
      Chuyện này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 23) chép gọn hơn, nhưng lại có thêm một chi tiết cụ thể hơn về nguyên nhân cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông.
      “Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sỹ, ngày đêm hầu cận, nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây, Vua đi tuần du phía Đông, xa giá quay về đến Lệ Chi Viên (làng Đại Lại, huyện Gia Định) thì Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà Vua mất. Trăm quan đều giấu kín chuyện này, lặng lẽ rước ngự giá về cung. Nửa đêm, vào đến cung mới phát tang. Người ta nói Thị Lộ giết Vua, bèn bắt Thị Lộ”.
      Lời bàn: Sau chiến tranh, hàng loạt anh hùng Lam Sơn lần lượt bị tha hóa, lo vinh thân phì gia mà sao nhãng việc ích nước lợi dân, người đức độ như Nguyễn Trãi bỗng dưng trở thành cái gai khó chịu trước mắt họ. Nguyễn Trãi đã cáo quan xin về trí sỹ, lùi xa chốn kinh thành hỗn tạp mà nào có được sống yên.
Vua Lê Thái Tông đã loại bỏ 4 trong số 5 bà vợ, còn một bà thì đang bận con thơ, nhân đó mà cho Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ là người xinh đẹp “ngày đêm hầu cận”, rồi sàm sỡ với Nguyễn Thị Lộ, thiết tưởng, nhân cách Nhà vua ra sao, khỏi bàn cũng rõ rồi.
      Sau nhiều ngày tuần du mệt nhọc, Vua lại thức suốt đêm với một người phụ nữ bên bờ sông, nếu sốt rét không giết chết Vua, ắt cũng chẳng thiếu nguyên nhân đủ để giết Vua hoặc giả là làm cho Vua bị bại hoại. Lỗi của Vua rành rành, tiếc là triều đình lúc ấy chẳng ai dám nói đến lỗi của Vua. Mới hay, Vua vẫn được quyền hơn người ở chỗ không có tội lỗi gì.
      Bấy giờ, ai cũng nói là Thị Lộ giết Vua, dẫu chẳng ai thấy Bà làm việc thất đức tày trời đó. Sự có vẻ hợp lý này mới nguy hiểm làm sao. Ở đời, thật chẳng còn có gì vừa hài hước vừa xót xa bằng quan niệm: chân lý là điều tôi thích.
      Bình sinh, tiếng nói và ngòi bút của Nguyễn Trãi có sức mạnh như hàng vạn tinh binh, biết bao thành trì kiên cố của quân xâm lăng đã sụp đổ bởi tiếng nói và ngòi bút thiên tài ấy. Vậy mà đến đây, ngọn đại bút không cứu nổi thân Ông, lời tuyệt vời thuở nào không ngăn nổi tội ác của đồng liêu thiển lậu. Ôi, bị vài ba người bạn phải bội còn nguy hơn cả bị kẻ thù ba bốn mặt bao vây. 
      Vụ án Lệ Chi Viên là vết nhơ nhục nhã của muôn đời vậy. Triều thần bấy giờ chém được Nguyễn Trãi, tru
di được tam tộc của Nguyễn Trãi, có biết đâu tên tuổi của Nguyễn Trãi lại đời đời bất diệt với non sông.

Theo Việt sử giai thoại, NXB Giáo dục, 2008

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt sử giai thoại: Vụ án Lệ Chi Viên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO