Việt sử giai thoại: Trường Lạc Hoàng hậu và Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Nguyễn Khắc Thuần 26/03/2010 00:00

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ thực lục, quyển 14) thì Trường Lạc Hoàng hậu tên là Nguyễn Thị Huyên, quê ở trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, thứ nữ của quan Thái úy Trịnh Quốc Công Nguyễn Đức Trung. Bà là Hoàng hậu của Lê Thánh Tông và là thân mẫu của Lê Hiến Tông (1498–1504).

Theo Lịch triều hiến chương loại chí (khoa mục chí) thì Lương Thế Vinh người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, Nam Định), đỗ Trạng Nguyên khoa Quý Mùi, năm Quang Thuận thứ tư (1463) đời Lê Thánh Tông. Như vậy, lý lịch của hai nhân vật này kể cũng đã khá... rõ ràng, tuy nhiên, trong Tang thương ngẫu lục, chuyện Trường Lạc Hoàng Hậu và Trạng Nguyên Lương Thế Vinh lại rất ly kỳ như sau:

 “Trước đó, Thái hậu(1) có thai, mơ thấy được đến nơi ngự của Ngọc Hoàng Thượng đế và thấy Thượng đế sai một vị Tiên Đồng giáng thế làm Hoàng đế nước Nam, lại còn sai một Ngọc Nữ theo xuống để sánh đôi với Hoàng đế. Tiên Đồng do dự chưa chịu vâng chỉ, Thượng đế giận, lấy viên ngọc khuê ném, làm trán của Tiên Đồng bị xây xát nhẹ. Tiên Đồng cúi đầu lạy tạ, nhưng lại xin thêm một người giúp việc cho mình, Thượng đế bèn sai một viên quan cho theo giúp. Viên quan ấy cúi lạy tạ và cố sức từ chối. Thượng đế liền đập vào vai vị quan ấy và không cho chối từ. Thái hậu tỉnh giấc. Đến khi sinh ra Lê Thánh Tông thì thấy vết ngọc khuê trên trán hãy còn rõ ràng.

Sau khi lên ngôi chí tôn, Lê Thánh Tông liền tôn mẹ làm Hoàng Thái Hậu và thường cho dò tìm người trong giấc mơ của mẹ, hễ chưa gặp được là lòng còn chưa vui. Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa, Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi bị tội(2). Bấy giờ, có người con gái bị sung vào hàng Nữ Nhạc. Cô đã mười bảy, mười tám tuổi, nhan sắc rất mặn mà nhưng lại không biết nói, vì thế lúc vào cung, cô chỉ ngồi gõ phách chứ không hề hát. Nhưng khi Hoàng đế bước lên ngự tọa, cô gái ấy bỗng cầm phách mà hát. Tiếng hát bay bổng, dư âm chừng như cứ quanh quẩn mãi trên nóc rường cao của cung điện, chẳng khác gì khúc Quân Thiên trên Thiên Đình. Hoàng đế lấy làm lạ, cho gọi đến hỏi chuyện thì được cô đối đáp giống y như lời của Ngọc Nữ trên Thiên Đình. Hoàng đế liền thu nạp vào hậu cung, sau sách lập làm Trường Lạc Hoàng hậu.

Đến khoa thi năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận năm thứ tư(3), sau ngày yết bảng thi Đình, Trạng Nguyên là Lương Thế Vinh vào bái yết để tạ ơn, Hoàng đế thấy hai vai của Lương Thế Vinh hơi bị lệch, thầm cho là điều rất kinh dị, liền sai Lương Thế Vinh vào bái yết Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu nhận ra Lương Thế Vinh có diện mạo y hệt như vị quan trên Thiên Đình mà bà đã từng mơ thấy. Hoàng đế và Hoàng Thái Hậu rất đỗi vui mừng, bèn trao cho Lương Thế Vinh chức Hàn Lâm Thị Độc, sau lại cho dự vào Tao Đàn và là một trong số nhị thập bát tu. Thơ văn xướng họa của ông còn thấy trong Thiên Nam dư hạ tậpBình Nam Chỉ Chưởng”.

Lời bàn: Thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là thời gặp gỡ rất tương đắc của minh quân hiền sỹ, thời thịnh trị của đất nước. Vẫn biết Thiên tử là con trời, song, người con trời cụ thể này hơn hẳn mọi người trong số con trời ở chỗ, bạn đời và người giúp việc cũng đều được Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống. Tang thương ngẫu lục muốn mượn câu chuyện đượm màu huyền bí này để cắt nghĩa sự xuất hiện của thời thái bình chăng?

Đọc chuyện này, thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế sao mà nóng nảy và vũ phu quá. Giá thử đích thân Ngọc Hoàng Thượng Đế xuống để trực tiếp cai trị, thì trăm họ nào phải chỉ có trán vồ và vai lệch đâu. Mới hay, cố công làm cho chuyện ly kỳ, kết quả đôi khi lại rất hài hước. Ngẫm mà xem!

________________________

1. Chỉ bà Quang Thục Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, thân mẫu của Lê Thánh Tông.
2. Chỗ này nguyên bản lầm. Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi bị xử tử vào ngày 16-8 năm Nhân Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba, tức năm 1442, chứ không phải là đầu niên hiệu Thái Hòa, 1443 - 1453, là niên hiệu của Lê Nhân Tông.
3. Tức là năm 1463.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt sử giai thoại: Trường Lạc Hoàng hậu và Trạng nguyên Lương Thế Vinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO