Việt sử giai thoại: Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo với món... rượu và thịt cầy
Nguyễn Đăng Cảo (cũng đọc là Nguyễn Đăng Hạo, vì Cảo và Hạo là hai âm khác nhau của cùng một chữ Hán) đỗ Thám Hoa năm 1646, làm quan tới chức Đông Các Đại Học Sỹ. Sinh thời, ông là người sống phóng đãng, đặc biệt, rất thích dùng món rượu với thịt cầy. Sách Tang thương ngẫu lục chép:
“Ông người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, ưa phóng đãng, ít chịu kiềm chế, ngoài món rượu ngon và thịt cầy, ông chẳng còn thích gì nữa. Tính ông hay ngạo mạn, thường chẳng coi ai ra gì. Lúc vào thi đình, lẽ ông phải đỗ đầu, nhưng triều đình cố ý để ông xuống hàng thứ ba(1). Khi làm quan trong triều, do nói năng không kiêng giữ nên mấy lần bị biếm chức.
Có lần sứ Trung Hoa sang sách phong, đến trạm Xương Giang thì dừng lại và đưa cho Thế Tử một vuông gấm, trên vuông gấm ấy có ba vạch ngang. Triều đình không ai đoán được, phải ban đặc chỉ để tuyên triệu ông vào hỏi. Ông thưa rằng:
- Việc đánh đố nhỏ nhặt như thế này, nào có đáng gì mà khiến chúa thượng phải bận tâm.
Nói rồi, ông cầm bút chấm mực, viết một nét sổ để trả lời. Sứ Trung Hoa liền theo người dẫn đường đến ngay. Chúa hỏi vì sao lại như thế, ông nói:
- Ba nét ngang là tượng của quẻ càn, chỉ Hoàng Đế. Có ba nét ngang rồi, nay chỉ cần thêm một nét sổ nữa là thành chữ Vương nghĩa là vua(2).
Khi ông làm chánh sứ mang cống phẩm sang Trung Hoa, có đi qua một cái quán, rường cột rất lộng lẫy. Khách đưa tiễn xin ông mấy chữ để treo trước cửa quán, ông liền viết ngay hai chữ trùng nhị. Người Trung Hoa xin cắt nghĩa, ông cười và nói rằng:
- Thế có nghĩa là phong nguyệt vô biên(3)
Nghe ông cắt nghĩa, ai ai cũng phục.
Đi sứ về thì ông xin nghỉ hưu. Kể từ đó, ngày ngày đầu đội nón, tay chống gậy, vai mang bầu nước, chân lê dép, ông ngao du khắp núi khắp khe, có khi mải vui quên cả về. Lần nọ, nhân đêm trăng sáng, ông lên núi Lan Kha. Vừa hết canh một(4), giữa bốn bề vắng lặng, ông chợt thấy ở trên núi cao, có một đạo sỹ đang nằm ngủ trên một sợi dây nhỏ, mắc giữa hai cái gậy. Ông lấy làm lạ, đến quỳ gối để đợi. Chừng một trống canh(5) thì vị đạo sỹ ấy ngồi dậy nói:
- Ông có phải là Thám Hoa người làng Hoài Bão không?
Ông cúi lạy và thưa vâng, rồi nói xin bỏ hết việc đời để đi tu tiên. Đạo sỹ vung ngón tay trỏ một vòng và nói:
- Ông có số nhưng không có mệnh, chớ tự làm khổ mình.
Ông cố kêu nài mãi, đạo sỹ hỏi:
- Tu tiên có 3 thứ phải ghét, 5 thứ phải kiêng. Trong các thứ phải kiêng, có món thịt cầy. Liệu ông có thể kiêng được không?
Ông nói là kiêng được. Đạo sỹ lấy gậy và dây cuốn vào rồi giao cho ông vác đi. Ông đi mãi, qua không biết bao nhiêu núi sông phong cảnh khác thường, không giống với những nơi ông ngao du trước đó. Gần trưa, hai người đi qua một cái chợ, mùi thịt cầy trong các quán bay ra sực nức. Ông thèm quá, không thể chịu được, bèn xin đạo sỹ cho một bữa chót, hẹn từ đấy sẽ bỏ hẳn. Đạo sỹ bằng lòng, cầm hộâ gậy và dây để ông vào ăn. Ăn xong, ông đi ra. Đạo sỹ nói:
- Ta chính là Trần Đồ Nam(6). Ông có số nhưng không có mệnh. Thôi, đừng tự làm khổ mình nữa.
Nói rồi, đạo sỹ đưa ông một phương thuốc chữa bệnh cho trâu bò và vụt biến mất, không thấy đâu nữa. Ông lau mặt nhìn kỹ, thì ra đấy chính là chợ Cầu Lim ở làng Nội Duệ(7), cách núi Lan Kha chỉ chừng hơn một dặm. Ông đứng ngẩn ngơ, buồn rầu một lúc rồi về”.
Lời bàn: Khen Thám Hoa thông minh thì cũng chẳng khác gì khen Phò mã tốt áo, cho nên, chuyện cụ giải lời đố của sứ giả Trung Quốc, giỏi thì giỏi thật, song chẳng phải là cổ kim chưa từng có bao giờ.
Hình như trên đời ít có ai nghiện món rượu với thịt cầy như cụ Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Phép lạ của đạo sỹ trên núi Lan Kha cũng chỉ đủ để cụ cao hứng hứa bỏ món đặc biệt này ở chỗ không có hàng thịt cầy mà thôi. Ăn xong bữa thịt cầy ở chợ Cầu Lim, mắt cụ bỗng sáng hẳn ra, tỉnh táo nhận đường đi lối về rõ mồn một.
Đọc sử viết về Thám Hoa Nguyễn Đăng Cảo, nhất là đoạn nói cụ đã về hưu, thấy chữ nghĩa chừng như cũng sực nức mùi riềng, mùi mẻ, kẻ hậu sinh này bèn đứng dậy khoanh tay thi lễ mà kính cẩn thưa rằng:
- Bẩm cụ, có phải lúc làm quan trong triều, vì đại yến Hoàng đế ban không hề có món thịt cầy nên cụ có lỡ lời cáu bẳn, do đó, bị biếm chức đến mấy lần? Rõ ràng, những trang viết về thời cụ làm quan, không có màu rựa mận như trang viết về thời cụ đã hồi hưu mà!
_________________
1. Chỗ nguyên tác chưa được chuẩn xác. Thực ra ông vẫn đỗ đầu, nhưng khoa này không có Trạng Nguyên và Bảng Nhãn, nên người đỗ đầu là ông cũng chỉ được nhận học vị Thám Hoa.
2. Triều đình phong kiến Trung Quốc thường chỉ phong cho Hoàng Đế nước ta đến tước vị cao nhất là Vương.
3. Đây là phép chơi chữ. Phong nguyệt vô biên là gió trăng không cùng nhưng chữ phong ở đây chỉ có bộ trùng ở trong, không có bộ kỷ ở ngoài, chữ nguyệt chỉ có chữ nhị ở trong, không có bộ quynh ở ngoài. Hai chữ phong nguyệt đều không có phần phía ngoài (vô biên). Mà, vô biên cũng có nghĩa là rộng lớn đến không cùng.
4. Tức khoảng 9 giờ tối.
5. Tương đương khoảng hai giờ đồng hồ.
6. Tên một đạo sỹ nổi tiếng lúc bấy giờ.
7. Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.