VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Sự tích đền thờ Chiêu Ứng Phù Vận Đại Vương và Thuận Chính Phương Dung Công Chúa
Sách Minh Đô Sử của Lê Trọng Hàm và Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, đều có chép chuyện vợ chồng người bán dầu quê ở Sơn Tây, tên là Vũ Phục, vì Hoàng đế tuẫn tiết mà được tôn làm thần, được triều đình truy ban sắc tặng với tước vị rất cao. Theo Kiến Văn Tiểu Lục thì đầu đuôi sự tích này như sau:
"Tương truyền, thần là vợ chồng Vũ Phục, hai người sống vào thời Lý. Vũ Phục tự là Phúc Thiện, người hương Minh Bạo, lộ Quốc Oai1, sống bằng nghề bán dầu.
Bấy giờ, Hoàng đế nhà Lý bị đau mắt, chữa mãi mà vẫn không khỏi. Nghe nói ở núi Vân Mộng, huyện Kim Bảng2 có Quỷ Cốc Tiên sinh biệt tài về bói theo Kinh Dịch liền sai người tới để bói. Tiên Sinh nói:
Quẻ này nói về vua chúa. Ắt là vì Hoàng đế trong khi định đô, có ý sắp xếp lại kinh thành, khiến nước sông ùa vào phương Càn3 làm cho khả năng soi sáng của con mắt bị thương tổn. Nay, nếu biết trấn yểm thì sẽ giữ được yên lành.
Thế rồi nước sông Cái4 chảy xiết, sắp phá cả một góc thành Thăng Long, khó mà chống đỡ được. Hoàng đế liền sai xá nhân trai giới sạch sẽ, đến ở ngã ba sông, cầu mộng Thổ Địa, Hà Bá và Tiên Cung. Đêm ấy, xá nhân nằm mộng thấy thần nhân có hình thù kỳ dị mà nghi vệ lại rất oai nghiêm, bảo rằng:
Sáng sớm ngày nọ, ngày nọ... hãy ra bến sông này, thấy người nào đó tới đây sớm nhất, thì tiếp đãi người ta cho trọng hậu như ý muốn của họ, rồi đem họ quẳng xuống sông, sau còn phải phong thần cho họ và lập miếu thờ tự, thì may mới có thể trấn yểm được.
Xá nhân tỉnh dậy, về triều tâu bày. Hoàng đế nhà Lý nửa tin nửa ngờ, than thở xót thương, nhưng vẫn sai xá nhân đúng hẹn thì làm như thần nhân đã chỉ.
Hôm ấy, trời vừa sáng, quả nhiên hai vợ chồng Vũ Phục đã gánh dầu từ hương Minh Bạo đến. Xá nhân mời đón ở lại rồi phi ngựa về để tâu bày. Hoàng đế có ý thương xót, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
Hãy nên theo lời dặn của thần, lấy tình thật mà khuyên bảo chớ không được bức hiếp người ta.
Xá nhân đem việc ấy nói cho vợ chồng Vũ Phục biết và còn an ủi họ rằng:
Xưa nay ai mà chẳng chết, nhưng chết sao để lưu tiếng thơm lại cho đời sau. Xưa, Vũ Vương5 có bệnh, Chu Công lập đàn cầu khẩn xin được chết thay, đời sau khen Chu Công là trung thần. Ông bà không nên quyến luyến cảnh sống nơi ngõ hẻm hang cùng, hãy nên cố gắng làm bậc tôn thần sau khi đã mất, phù hộ cho vua thánh giữ yên ngôi báu, ngàn năm được hương khói phụng thờ, tiếng thơm trung nghĩa để mãi đến sau, như thế có phải là đẹp đã hơn không?
Vũ Phục khảng khái nhận lời. Xá nhân hỏi:
Thường ngày, ông bà thích thứ gì hơn cả?
Vũ Phục nói:
Gà mái hấp trong chõ, ăn với cơm nếp.
Xá nhân sửa soạn mọi thứ và khuyên nên ăn no. Ăn xong, Vũ Phục liền ngửa mặt lên trời mà khấn rằng:
Vợ chồng già này bỏ mình vì nước, trời cao có thấu, xin hãy minh chứng cho.
Nói rồi, hai người liền gieo mình xuống nước. Hôm ấy là ngày 30 tháng 11. Ngay sau đó, sông trở lại phẳng lặng, nước lũ rút dần và bệnh tình Hoàng đế cũng dứt. Hoàng đế sai lập miếu để thờ và phong Vũ Phục là Chiêu Ứng Phù Vận Đại Vương và vợ là Thuận Chính Phương Dung Công Chúa, lễ nghi, phẩm trật rất trọng hậu".
Lời bàn: Chuyện này cũng có thể nói là do mê tín mà ra, nhưng ở thời đó, từ Hoàng đế, quan viên cho đến trăm họ, ai mà chẳng mê tín. Cho nên, nếu chẳng xét kỹ mà nặng lời trách người xưa là hủ lậu thì kể cũng không phải đạo cháu con vậy.
Giữa mùa đông, trời Thăng Long mưa phùn lất phất, rất ít ai bị đau mắt vào lúc này, vậy mà Hoàng đế vẫn bị đau mắt, ấy là một sự lạ. Cũng vào giữa mùa đông, nước sông Hồng trong hơn và trôi êm ả hơn, vậy mà bỗng dưng có lụt lội, ấy là hai sự lạ. Hai sự lạ ấy đủ để cho ngàn cái đầu vốn nặng tin dị đoan nghĩ ra bao điều ly kỳ lưu truyền cho muôn thở.
Miếu ấy quả có thật, nhưng nào phải vì thế mà tin rằng ông bà Vũ Phục cũng là những người có thực được đâu. Song, giả thử như đó là những người có thật đi chăng nữa, thì chính họ cũng xử thế hợp thời. Không hợp thời thì chỉ có chuyện người đời sau mê muội mà bắt chước người đời xưa, tin theo những điều không thể nào đáng tin được, rốt cuộc khiến thân phải mang họa, danh bại hoại bởi thiên hạ chê cười.
Ngẫm mà xem!
1. Nay thuộc TP Hà Nội.
2. Nay thuộc tỉnh Hà Nam.
3. Tức là phương Tây Bắc theo cách định vị của các nhà địa lý.
4. Tức sông Hồng.
5. Vua của nhà Chu, Trung Quốc.