VIỆT SỬ GIAI THOẠI : Phùng Khắc Khoan ứng đối ở Trung Quốc
Phùng Khắc Khoan (1528–1613) người làng Phùng Xá, nay là làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Ông là bậc đại danh Nho, văn tài lỗi lạc, ứng đối xuất sắc, tuy thực sự chỉ đỗ Hoàng Giáp vào khoa Canh Thìn (1580), nhưng trong dân gian và trong không ít dã sử, Phùng Khắc Khoan lại được tôn kính gọi là Trạng Nguyên, thậm chí là lưỡng quốc Trạng Nguyên (trạng nguyên của cả hai nước là ta và Trung Quốc thời Minh).
Sau khi đỗ, Phùng Khắc Khoan làm quan cho triều Lê, từng được phong tới chức Hộ Bộ Thượng Thư. Trong nhiều sự kiện khiến cho ông nổi tiếng, đặc biệt hơn cả, có lẽ là cuộc ứng đối của ông ở Trung Quốc vào năm 1595, khi ông được triều đình cử đi sứ sang đó. Chuyện được sách Trịnh Nguyễn diễn chí (quyển 1) chép:
“Bấy giờ, Phùng Khắc Khoan vâng mệnh triều đình mang lễ vật đi sứ, phải vất vả ngày đêm trèo đèo lội suối, gội nắng dầm sương, thẳng hướng kinh đô nhà Minh mà tiến. Đến nơi, phái bộ sứ giả được mời vào nhà khách nghỉ ngơi. Hôm sau vào bái yết Hoàng đế nhà Minh và dâng lễ vật. Hoàng đế nhà Minh thấy Phùng Khắc Khoan có tướng mạo xấu xí và thấp bé, bèn cười và nói rằng:
- Thuở xưa bọn Mộc Thạnh và Trương Phụ(1) từ An Nam về, tâu rằng đất An Nam nhân tài hào kiệt nhiều không kể hết. Nay sứ giả là Phùng Khắc Khoan đến đây, hẳn là đã được tuyển chọn kỹ lưỡng. Nhân tài phồn thịnh có thể thấy rõ ở đây chăng?
Nói rồi, Hoàng đế nhà Minh hỏi Phùng Khắc Khoan:
- Ở nước Nam, người làm chức quan gì?
Phùng Khắc Khoan đáp:
- Ở nước Nam, thần làm quan được trao chức Hộ Bộ Thượng Thư.
Hoàng đế nhà Minh lại hỏi:
- Là Trạng Nguyên, hẳn phải thông kim bác cổ, vậy, trẫm hỏi ngươi, rằng việc trong thiên hạ rất dễ mà cũng rất khó. Theo ngươi, việc gì dễ nhất và việc gì khó nhất.
Phùng Khắc Khoan thưa:
- Người ta sinh ra giữa cõi trời đất, thì phàm những gì thuộc về thiên văn, địa lý và nhân sự, hoặc tam giáo cửa lưu và bách nghệ... đều là việc dễ, duy chỉ hai chữ thanh sắc là khó mua khó cầu, cho nên, đó là việc khó(2).
Hoàng đế nhà Minh lại nói tiếp:
- Trong mọi thức ăn, thức gì ngon nhất. Trong mọi đồ dùng thì đồ gì quý nhất?
Phùng Khắc Khoan đáp:
- Thức ăn ngon, không gì bằng muối trắng, đồ dùng quý giá chẳng gì sánh được với người hiền. Muối trắng thì có thể điều hòa mọi thức ăn khiến cho nó nên ngon nên ngọt, vừa bổ phổi lại nhuận tâm và nhuận trường, cho nên, muối trắng phải là món ăn ngon nhất vậy. Còn như người hiền là người có thể cương, lại có thể nhu, có thể phò tá xã tắc lại cũng có thể chuyển loạn thành trị, chuyển bế tắc thành hanh thông, biết vun bồi vận hội nước nhà đến chỗ thái bình thịnh vượng và giúp giữ cơ đồ dài lâu, trên thì tôn phò Thiên Tử thành bậc thánh quân như Nghiêu, như Thuấn, còn dưới thì mở mang bờ cõi non sông, khiến cho bốn biển đều yên, trăm nước chầu phục... Cho nên, người hiền chính là vật quý báu nhất.
Hoàng đế nhà Minh nghe tâu bày xong, cho là đúng, bèn ban yến tiệc khoản đãi Phùng Khắc Khoan, xong, cho về nhà khách nghỉ ngơi. Các quan văn võ của triều Minh ai ai cũng tấm tắc khen ngợi. Hoàng đế nhà Minh nói:
- Sứ giả nước Nam, mặt mũi tuy xấu xí nhưng đối đáp lại rất trôi chảy, ta mới thử hỏi mà đã thấy rõ tài năng.
Mấy ngày sau, Hoàng đế nhà Minh sai thợ giỏi, chế ra một con chim sẻ bằng gỗ giống y như thật, biết nhảy từ cành này sang cành khác, cho đặt trên bụi trúc, đem trưng bày ở trước điện chầu. Người lạ nhìn vào thật khó mà biết đó là chim giả. Thế rồi Hoàng đế cho triệu Phùng Khắc Khoan đến, bảo lên điện rồi hỏi:
- Sứ nước Nam có biết con chim sẻ này trẫm đã nuôi trong bao nhiêu năm mà dạn với người như thế không?
Phùng Khắc Khoan thấy nó biết bay nhảy, nhìn một lúc rồi đến bụi trúc, đưa tay chộp con chim sẻ, ném mạnh xuống sân. Chim sẻ bằng gỗ vỡ tan từng mảnh. Phùng Khắc Khoan thản nhiên đến trước sân điện, tâu rằng:
- Trúc là biểu tượng của quân tử, cũng ví như mình rồng của Thiên Tử. Chim sẻ là biểu tượng của tiểu nhân, cũng ví như kẻ phàm phu tục tử. Thế thì, lẽ đâu lại để cho tiểu nhân đứng trên quân tử? Chẳng lẽ các quan của Thiên Triều lại coi khinh Thiên Tử như vậy? Nước thần tuy nhỏ nhưng cũng biết giữ đạo vua tôi, cha con và anh em, thứ bậc trên dưới rạch ròi chứ không xáo trộn ô hợp như thế. Thần đập nát là vì lẽ phải đập, chớ có phải không biết rằng đó là con chim sẻ giả đâu.
Tâu xong, Phùng Khắc Khoan ngửa mặt cười vang. Hoàng đế nhà Minh nghe lời tâu thì lấy làm xấu hổ, im lặng chứ không nói gì, còn các quan trong triều thì từ Tể Tướng trở xuống, ai cũng hết lời khen ngợi Phùng Khắc Khoan...
Đến tháng 11.1595, Phùng Khắc Khoan dâng biểu xin được về nước. Hoàng đế nhà Minh có ý giữ lại, nhưng sợ thất tín, bèn ban sắc cho Phùng Khắc Khoan là lưỡng quốc Trạng Nguyên, ban thưởng vàng lụa rồi chuẩn cho trở về...”
Lời bàn: Sự đời kể cũng lạ, Phùng Khắc Khoan, thực chỉ đỗ có Hoàng Giáp thế mà thiên hạ cứ một mực gọi ông là Trạng Nguyên, gọi mãi thành quen, giờ những ai nói theo sự sai, tất nhiên sẽ được nhiều người cho là đúng, ngược lại, những người nói đúng sẽ rất dễ bị coi là sai. Cũng hàng đại khoa, nhưng Trịnh Tuệ đỗ Trạng Nguyên vào năm 1736, thì thê thảm thay, thiên hạ lại cho là mèo mù vớ cá rán vốn liếng chữ nghĩa chẳng đáng là bao. Xem ra thiên hạ cũng có cái lý của thiên hạ. Bằng cấp thi cử, dẫu có cao đến tột bậc như Trạng Nguyên thì cũng chỉ mới là kết quả của quá trình đi học chứ chưa phải là kết quả của quá trình đi làm, thiên hạ ghi nhận một khả năng chứ chưa có cơ may chứng kiến một thực tế có thể nhờ cậy được. Cho nên, đỗ cao mà không làm được những việc của người đỗ cao, đời chỉ có thể công bằng xếp họ vào hàng ít chữ nghĩa, đỗ thấp mà làm được việc của người đỗ cao, đời cũng công bằng mà tôn vinh họ bằng cách khắc ghi tên tuổi của họ vào trong ký ức bất diệt của đời. Thứ bậc đỗ đạt được khắc ghi trong ký ức bất diệt của đời thì bao giờ cũng cao hơn và tỏa sáng kỳ diệu hơn. Mới hay, trước khi trách đời, xin hãy tự xem mình có làm được những việc tương xứng với bằng cấp học hành của mình chưa. Có hay không có những chuyện Phùng Khắc Khoan đã làm ở Trung Quốc trong chuyến Bắc sứ năm 1595? Tìm sự chính xác hoàn toàn trong chuyện này cũng có nghĩa là không hề hiểu chuyện này vậy. Trịnh Nguyễn diễn chí cũng có thể xếp vào loại tiểu thuyết lịch sử, bắt người viết tiểu thuyết không được thêm bớt thì nào có khác gì bắt trời quanh năm không được quyền có mây. Cái chính chẳng phải là ở chi tiết của sự thật mà là ở hồn của sự thật.
___________________________________________________
1. Là những viên tướng sang xâm lăng nước ta đầu thế kỷ XV.
2. Hẳn Phùng Khắc Khoan cũng tự biết mình dung mạo không được như người nên mới nói thanh sắc là những thứ khó, vì chẳng thể mua cũng chẳng thể cầu mà có được.