Việt sử giai thoại : Lại chuyện Phùng Khắc Khoan
Năm Mậu Ngọ (1618), Hoàng Giáp Phùng Khắc Khoan bị Tiến sỹ Nguyễn Lễ gièm pha và kết cục là ông bị đày lên tận Phượng Nhãn. Cuộc đời Phùng Khắc Khoan tưởng như đã bị đẩy hẳn vào quên lãng, nhưng, vào tháng 6 năm ấËt Sửu (1625), bỗng dưng chúa Trịnh Tráng lại nhớ tới ông. Sách Trịnh Nguyễn diễn chí (quyển 2) chép:
“Tháng 6.1625, Mạc Kính Khoan(1) lại đem quân đến lập đồn trại ở núi Hương Lĩnh, quấy nhiễu, giết người, cướp của dọc theo vùng giáp ranh với biên giới. Thanh Đô Vương Trịnh Tráng(2) liền sai quan Thái Bảo Hùng Quận Công đem quân đi đánh. Hai bên giáp chiến đến hơn một tháng vẫn không phân thắng bại, vì thế, Thanh Đô Vương giận lắm, sai Thái Úy Vũ Quận Công dốc đại quân đi tiếp ứng. Bị đánh gấp, Mạc Kính Khoan phải chia quân chống giữ, tình thế rất khó khăn nhưng Vũ Quận Công cũng không thể thắng nổi. Được tin ấy, Thanh Đô Vương bàn là nên sai người sang Trung Quốc hỏi kế sách ở nhà Minh. Người Minh viết hai chữ thanh thủy rồi giao cho sứ giả mang về. Thanh Đô Vương thấy hai chữ thanh thủy thì không hiểu nghĩa là gì, bèn triệu bá quan vào để bàn xét. Ai cũng hăng hái giãi nghĩa nhưng rốt cục không hiểu nổi hai chữ ấy. Thanh Đô Vương rất lấy làm lo buồn. Lúc ấy, có viên quan văn giữ chức Đô Ngự sử là Nguyễn Thế Danh thưa rằng:
- Chữ nghĩa rắc rối khó hiểu, không giải được. Nhưng nước ta thời Triết Vương(3) có Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan là người thông minh, học rộng biết nhiều, nhưng bị gièm pha vu cáo nên bị Triết Vương thích chữ vào mặt và đày lên Phượng Nhãn kể cũng đã lâu. Xin Chúa Thượng hãy cho triệu ông ta về, bảo hãy giải thích xem sao. Không giải được thì sợ người Minh khinh khi cả triều đình.
Thanh Đô Vương vừa nghe Nguyễn Thế Danh nói vậy thì cả mừng, liền tiếp lời:
- Ta quên khuấy người này kể cũng đã lâu rồi, nếu không có ông nhắc thì cũng chẳng ai biết tới nữa.
Thanh Đô Vương lập tức sai người đem một mâm vàng đến núi Phượng Nhãn tìm đón Phùng Khắc Khoan. Sứ giả nài nỉ mãi, Phùng Khắc Khoan mới chịu về kinh đô. Ông vào bái yết Thanh Đô Vương, được Thanh Đô Vương tiếp đãi rất hậu, các quan ai cũng đến chào. Khi được triều đình hỏi về hai chữ thanh thủy, ông cười và nói rằng:
- Người Minh khuyên ta đợi đến tháng Chạp hãy xuất quân thì thế nào cũng giành được thắng lợi(4).
Thanh Đô Vương nghe xong thì thấy có lý nên lấy làm vui, liền trọng thưởng cho Phùng Khắc Khoan nhưng Phùng Khắc Khoan cứ một mực chối từ “.
Lời bàn: Đọc chuyện mới hay là có những người chỉ trở nên cần thiết khi gặp việc khó xử. Phùng Khắc Khoan lừng danh khi mà Trịnh Tráng đã trưởng thành, chuyện Phùng Khắc Khoan bị đi đày cũng chỉ mới xảy ra mấy năm trước khi Trịnh Tráng lên ngôi, vậy thì… Trịnh Tráng không có một lý do gì để có thể quên, ngoại trừ cái tâm không ưa người tài. Bá quan đều im lặng, ấy cũng bởi bá quan muốn giữ thân, lại cũng có chút đồng tình với nhà chúa đó thôi.
Cũng gặp việc mới biết thực tài cao thấp. Lúc bình yên vô sự thì cả triều đình ai cũng cho mình là hay, là giỏi, là đức độ, là đấng hiền nhân quân tử, chỉ tiếc là trước một thử thách cỏn con, họ đã bộc lộ quá sớm sự bất tài của mình. Thương hại thay cho thiên hạ một thời, sự tất bật lo toan cho các vị tân khoa làm lễ vinh quy bái tổ có phải là ít đâu.
Phùng Khắc Khoan bất đắc dĩ phải về triều để giải nghĩa hai chữ thanh thủy, ấy là vì ông không thể có cách chọn lựa nào khác. Hậu thế hoàn toàn thông cảm với ông. Phùng Khắc Khoan không nhận trọng thưởng của chúa Trịnh Tráng là chí phải. Hậu thế xin bày tỏ sự cảm phục ông. Kẻ bất tài luôn luôn có cách lý giải riêng của kẻ bất tài. Khi không hiểu nổi hai chữ thanh thủy thì họ khúm núm thỉnh ý Phùng Khắc Khoan, nhưng khi đã được giải nghĩa rồi, thì trọng thưởng bất quá chỉ là lời xã giao, nói cho có lệ vậy. Nếu như thưởng ít thì rõ ràng là không đáng mặt chúa, mà thưởng nhiều thì tất nhiên là sau đó lại tiếc, bởi vì… vỏn vẹn cũng chỉ có hai chữ thôi mà ! Thân tù đày thiếu thốn, được chúa trọng thưởng thì xin chớ vội tưởng là sẽ được đổi đời, biết đâu chỉ được đổi cách ở tù này sang cách ở tù khác thôi. Khéo léo từ chối để không phải nhận thưởng, Phùng Khắc Khoan đã giữ được danh giá của mình.
Đời còn dài, đầu luôn sẵn chứa cả một kho chữ lớn, nhón tay làm phúc, bố thí cho đám hữu danh vô thực vài chữ lẻ, nào có gì đáng ngại đâu. Đừng sợ múc bớt vài gáo nước thì biển cả sẽ vơi đi.
____________________________________________________
1. Là vua nhà Mạc từ năm 1623 - 1638
2. Lúc này, Trịnh Tráng đã lên ngôi chúa nên tước hiệu là Thanh Đô Vương chứ không phải là Thanh Quận Công như trước
3. Tức chúa Trịnh Tùng
4. Hai chữ thanh thủy là vậy, có khó gì đâu. Chữ thanh (?) giảng theo lối Hán tự chiết ngữ thì gồm trên cùng là chữ thập, kế đến là chữ nhị, ghép lại, thập nhị là 12. Cuối cùng là chữ nguyệt nghĩa là tháng. Thập nhị nguyệt là tháng 12 hay tháng chạp. Chữ thủy nghĩa là đầu, là mới. Thanh thủy là đầu tháng chạp, hay tháng chạp mới xuất quân