VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Lại chuyện bói toán của Nguyễn Văn Trạc

Nguyễn Khắc Thuần 10/06/2011 07:23

Nguyễn Văn Trạc là người rất nổi danh. Sách Lịch triều đăng khoa lục nói Nguyễn Văn Trạc quê ở làng Mai Dịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đỗ Tiến sỹ khoa Tân Mùi (1631), làm quan được thăng dần tới chức Thượng thư, tước Quận công, nhưng một số sách khác, trong đó có Trịnh - Nguyễn diễn chí lại nói rằng ông người làng Thổ Khối, huyện Yên Lãng(1).

Sinh thời, ông từng tham gia chỉ huy quân Trịnh đánh quân Nguyễn, được trao chức Đô đốc. Và, tại Nghệ An, Đô đốc Quận công Nguyễn Văn Trạc tuy chẳng lập được chút công lao gì đáng kể nhưng lại khiến cho thiên hạ phải khâm phục bởi tài bói toán. Khi về hưu, Nguyễn Văn Trạc vẫn tiếp tục nổi danh như cồn bởi tài bói toán của mình. Sách Trịnh - Nguyễn diễn chí (quyển 6) chép:

“Bấy giờ ở Đàng ngoài có ông Nghè hiệu là Hồng Lĩnh, từ kinh về thăm quê ở xứ Hải Dương. Quan Thượng thư đã hưu trí là Quận công Nguyễn Văn Trạc hay tin, sai người mời ông Nghè Hồng Lĩnh đến chơi. Hai người bàn luận việc hưng thịnh và thời trị, thời loạn của quốc gia. Trạc Quận công hỏi:

- Từ khi Đàng trong đem quân xâm phạm địa giới Đàng ngoài, chính lệnh trong vùng bị chúa Đàng trong chiếm giữ ra sao? Lão nay về hưu, sống ở chốn quê mùa thôn dã nên chẳng biết gì. Ông ở kinh đô về ắt rõ mọi sự, dám phiền ông nói lại cho hay.

Ông Nghè Hồng Lĩnh nói:

- Từ năm Ất Mùi(2) đến các năm Bính Thân và Đinh Dậu(3), quân phương Nam vận chuyển lương thực ra phát cho quân sỹ, nhưng sau vì núi non cách trở, đường sá xa xôi, đi bộ khó khăn, đường biển hiểm trở, việc vận chuyển không đều nên họ lập sổ, chia mức thuế để bắt dân các huyện ở Nghệ An đóng góp. Chúa phương Nam xuống lệnh chọn người có học ở Nghệ An cho làm lại viên, đặt nha môn để xét xử đơn từ án kiện. Tôi cho đó cũng là chuyện thường, chính sự xưa nay đều tương tự như thế cả.

Trạc Quận công im lặng suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Cứ lời ông mà suy đoán thì cơ đồ họ Trịnh cũng chưa đến nỗi phải quá lo lắng. Gẫm ý trời và suy xét việc người thì ắt sang năm sau, quân của chúa Nguyễn phải rút về Nam.

Nói xong, Trạc Quận công ha hả cười vang. Ông Nghè Hồng Lĩnh hỏi:

- Quan Thượng thư cười vui như thế nghĩa là sao?

Trạc Quận công đáp:

- Đó chẳng qua là tôi nghe lời ông nói rồi đoán già đoán non cho vui chớ có gì lạ đâu?

Ông Nghè Hồng Lĩnh hai ba lần khẩn khoản nhờ giải thích nhưng Trạc Quận công chỉ im lặng chớ không đáp”.

Lời bàn: Người ít học vẫn lắm khi nói được những lời thật hay hoặc giả là có được những phán đoán thật đúng, chỉ có điều là chính họ cũng chẳng ngờ rằng tại sao mình lại có thể nói và làm được những điều lạ thường như vậy. Người học nhiều biết rộng, nói lời nào là phải cân nhắc lời đó, làm việc gì phải suy tính việc đó, cho nên, hầu như họ chẳng bao giờ ngạc nhiên về những gì lạ thường xảy ra sau lời nói và việc làm của mình. Nói khác hơn, đối với người học nhiều biết rộng, đúng sai quyết không thể là chuyện tình cờ. Với họ, nếu cái gì cũng chỉ là tình cờ, thì ắt họ nhặt đâu đó được mảnh bằng chớ không phải họ đi học rồi đi thi và đỗ đạt mà có. Trạc Quận công kể ra cũng đã có suy xét trước khi đoán định mọi sự, chỉ tiếc là xét chưa đến nơi đến chốn, cho nên, lời đoán định cũng… đúng sai không chừng. Tính toán mà cũng tương tự như là bói toán, với ai thì được chớ với quan Thượng thư Tiến sỹ, thì… lạy quan lớn a ê!

Ông Nghè Hồng Lĩnh nài nỉ Trạc Quận công giải thích, ấy là bởi ông cũng là ông Nghè với tài học đại để cũng cỡ… quan Thượng thư Trạc Quận công đó thôi. Thế sự đảo điên khiến cho khó ai có thể nhận thức được một cách chính xác chăng? Không ai phủ nhận điều đó, nhưng cũng xin chớ vì thế mà đoán già đoán non kiểu Trạc Quận công.

Đỗ đến Tiến sỹ nhưng chẳng nổi danh văn tài, làm quan đến chức Thượng thư nhưng chẳng có chính tích gì đáng kể, cầm quân ra trận và được phong tới Đô đốc mà chẳng có công lao gì, tước phong tới Quận công mà đức nghiệp chẳng hơn người, quả thật là tiếc quá. Một đời gồm đủ những vinh hoa thế gian ít ai có, nhưng nổi danh lại nhờ mấy câu bói toán viển vông, hậu sinh chẳng biết nói thế nào cho phải, đành một lần nữa, quăng bút chắp tay mà rằng: Lạy quan lớn ạ!

__________________________

1. Nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Tức năm 1655, năm quân họ Nguyễn vượt sông Gianh, tấn công ra Bắc.
3. Ở đây, năm Bính Thân là năm 1656, còn năm Đinh Dậu là năm 1657.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Lại chuyện bói toán của Nguyễn Văn Trạc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO