VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo

Nguyễn Khắc Thuần 15/05/2009 00:00

Hoàng Đình Bảo vừa là cháu, lại cũng vừa là con nuôi của vị lão tướng Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, cho nên, ngay từ thuở thiếu thời, ông đã được chúa Trịnh Sâm để mắt tới. Về sau, Hoàng Đình Bảo thi đỗ Hương Cống (tức Cử nhân), rồi đỗ tiếp Tạo sỹ (tức Tiến sỹ võ), được phong tới tước Quận Công và được chúa Trịnh Sâm gả con gái cho, vì thế, khắp nội phủ đến triều đình, ai ai cũng phải nể mặt.

Trước đó, vào năm 1763, cung tần của chúa Trịnh Sâm là người đàn bà họ Dương đã sinh hạ được người con trai, đặt tên là Trịnh Tông, lại cũng có tên khác là Trịnh Khải. Năm Trịnh Tông mới ngoài 10 tuổi, chúa Trịnh Sâm đã cho lập phủ đệ riêng, đồng thời, cắt cử quan tới dạy cho Trịnh Tông học. Ngôi Thế Tử kể như đã định, lòng người lúc ấy đều hướng về Trịnh Tông. Nhưng, đến năm 1777, một người vợ khác của chúa Trịnh Sâm là bà Tư Nghi Đặng Thị Huệ lại sinh hạ cho Trịnh Sâm thêm một người con trai nữäa. Đó là Trịnh Cán. Bởi Đặng Thị Huệ được Trịnh Sâm đặc biệt yêu quý, nên những kẻ xu nịnh vẫn gọi Đặng Thị Huệ là bà Chính Cung. Nhân đó, Đặng Thị Huệ muốn giành ngôi Thế Tử của Trịnh Tông cho con trai mình là Trịnh Cán, và chuyện rắc rối đã bắt đầu.

Bấy giờ, chúa Trịnh Sâm bị bệnh, không sao quán xuyến hết công việc của phủ chúa, Đặng Thị Huệ liền bí mật sai tay chân thân tín, ngày đêm bới móc và thêu dệt đủ chuyện xấu cho Trịnh Tông. Chúa Trịnh Sâm buộc phải giao cho quan lại mở cuộc điều tra. Đến năm Canh Tý (1780), nội vụ được đưa ra để xét xử. Trịnh Tông bị truất xuống làm con thứ, lại còn bị bắt tống giam, một loạt quan lại khác như Nguyễn Khản (tức Nguyễn Nghiễm), Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán, Nguyễn Đĩnh... cũng bị bắt. Sử gọi đó là Vụ án năm Canh Tý. Ngay trong năm này, Trịnh Cán được lập làm Thế Tử. Quận Huy Hoàng Đình Bảo vì là người thuộc phe Đặng Thị Huệ, nên được ủy thác việc trông coi hoạt động của quan lại trong phủ chúa, và phò tá Thế Tử Trịnh Cán.

Sức khỏe của chúa Trịnh Sâm càng ngày càng tồi tệ, trong khi đó, mối quan hệ giữa Quận Huy Hoàng Đình Bảo với Đặng Thị Huệ lại có phần không minh bạch. Người đương thời có câu rằng:

Trăm quan có mắt như mờ,
Để cho Huy Quận vào rờ chính cung

Năm 1782. Trịnh Sâm mất, Quận Huy Hoàng Đình Bảo vâng theo di mệnh, tôn Trịnh Cán lên ngôi chúa. Đó là chúa Điện Đô Vương. Chúa Điện Đô Vương Trịnh Cán mới lên năm, bệnh tật liên miên, danh y khắp cả nước đều được triệu về để cứu chữa mà vẫn không sao thuyên giảm. Trăm quan thấy như vậy đều chán nản, còn Quận Huy Hoàng Đình Bảo thì sợ lòng người sẽ đổi thay bất thường nên càng chuyên quyền và luôn thẳng tay trấn áp. Bấy giờ, ở khắp các chợ trong kinh đô đều thấy treo kéo, móc sắt, và tấm bảng ghi lời đe doạ của Quận Huy Hoàng Đình Bảo: Hễ ai bàn tán việc trong phủ chúa thì sẽ bị xẻo lưỡi!

Sáng sớm ngày 25.10.1782, viên Biện Lại của đội quân Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng, vì quá tức tối nên đã liều lĩnh vào thẳng phủ đường, nổi luôn ba hồi chín tiếng trống. Đương thời, chỉ khi nào có nguy biến mới đánh trống như vậy. Sách LÊ QUÝ KỶ SỰ chép rằng:

“Quân sỹ (nghe tiếng trống) cùng tuốt gươm trần, cướp lối mà xông thẳng, rồi ồ ạt tràn vào cửa phủ. Hoàng Đình Bảo thấy việc nguy cấp cũng tuốt gươm, lên voi, ra chắn ngang cửa phủ để chống lại. Quân sỹ liền lấy ngói và đá ném chết Hoàng Đình Bảo, xong họ lại còn giết luôn cả Khanh Vũ Hầu(1) là em họ của y. Quân sỹ tràn đến nhà giam, thả Trịnh Tông ra, rước lên phủ đường và sai người đến xin ý chỉ của Thái Phi họ Dương(2) để Thái Phi tâu với Hoàng Đế về việc xin lập Trịnh Tông làm Đoan Nam Vương. Xong quân sỹ đi cướp bóc khắp nơi, bất kể ai là thân thuộc hay phe đảng của Đặng Thị Huệ và Hoàng Đình Bảo, những kẻ mật cáo việc Trịnh Tông trước kia, đều bị tịch thu của cải và phá nát nhà cửa. Kinh đô rối loạn đến mấy ngày. Hơn  một tháng sau, Trịnh Cán mất”.

Lời bàn: Đỗ Hương Cống rồi lại đỗ cả Tạo sỹ, kể ra, Hoàng Đình Bảo cũng có tài. Việp Quận Công nhận làm con nuôi, chúa Trịnh Sâm gả con gái cho, hai người ấy quả là không lầm khi phát hiện cái tài của Hoàng Đình Bảo vậy. Nhưng, thân con rể mà lại dám làm chuyện dâm loạn với kế thất của nhạc phụ, vai đại thần mà ngang nhiên tư thông với thân mẫu của ấu chúa, lại còn cả gan lấy dao kéo mà ức hiếp muôn dân, không biết kính cũng chẳng biết nhường, đức độ quá tầm thường ấy của Quận Huy Hoàng Đình Bảo, đương thời Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc và chúa Trịnh Sâm không ai đoán trước được, dù chỉ là một mảy may, kể cũng lạ lắm. Hay là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, hoặc giả là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, cho nên, kẻ tầm thường gặp kẻ tầm thường mà bỗng dưng tâm đắc?

Ôi, thời mà cả đến thân tộc nhà chúa lẫn đại thần cùng bày mưu hãm hại lẫn nhau, thời mà luân thường đạo lý bị coi rẻ, thì chuyện binh sỹ giết quan lại rồi đổ ra đi cướp phá, gây náo loạn khắp cả kinh thành, cũng có gì là lạ đâu ?

Mở LÊ QUÝ KÝ SỰ, lại mở xem thêm mấy bộ sử xưa, thấy gạch đá của đám loạn binh ném tứ tung khắp mọi chỗ, hậu thế nghĩ rằng thịt da ai cũng là người, bèn vì thương hại quan trên mà kêu to lên rằng: “Bớ Quận Huy Hoàng Đình Bảo”, nhưng chẳng nghe Hoàng Đình Bảo trả lời. Bực mình mà mở sử xưa thêm một lần nữa, gắng sức xem kỹ mới biết rằng, Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo đã tự dùng lưỡi gươm thất đức của chính mình giết chết cái xác phàm từ trước, loạn binh chỉ ném gạch đá cho hả giận mà thôi, ông ta có còn đâu nữa mà nghe tiếng kêu thương hại của mình?

___________________________

(1). Tức là Hoàng Lương.
(2). Là thân mẫu Trịnh Tông.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Huy Quận Công Hoàng Đình Bảo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO