Việt sử giai thoại: Hoạn lộ của Tiến sỹ Nguyễn Công Hãng
Nguyễn Công Hãng (1680–1732), hiệu là Tịnh Am, tự là Thái Thanh, quê ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh, đỗ Tiến sỹ khoa Canh Thìn (1700), làm quan từng được phong dần tới chức Thượng thư rồi Tham tụng (tương đương với Tể tướng). Ông là một trong những nhà cải cách lớn của thế kỷ XVIII, danh vọng lừng lẫy một thời. Tuy nhiên, khi lên đến đỉnh cao nhất của bậc thang danh vọng, chỉ vì làm trái ý chúa (cũng là một học trò của mình), ông đã bị bức tử. Hoạn lộ của ông được Tang thương ngẫu lục diễn tả như sau:
“Bấy giờ, Uy Vương(1) được phong làm Thế tử, An Vương(2) bèn cử ông Nguyễn Công Hãng làm Thái phó. Ông làm tờ khải, mật tâu với chúa rằng, Thế tử là người nhu nhược nên không thể đảm đương được việc lớn. An Vương nói:
Không phải là ta không biết như thế, nhưng từ ngày Thế tử được tạm giữ quyền bính, chưa hề phạm lỗi gì lớn nên ta không nỡ bỏ.
Ông cúi đầu tâu:
Biết con không ai bằng cha, kính xin chúa thượng hãy vì xã tắc mà lo liệu.
Chúa Trịnh cất tờ khải của ông vào hộp. Một hôm, nhân kỳ đại lễ, Thế tử làm điều trái ý, chúa giận, cho mời các quan họp bàn, định truất phế ngôi Thế tử. Nhưng, việc chưa quyết thì chúa qua đời khi đang chơi ở Cổ Bi. Bấy giờ, ông đang ở Kỳ Viên, các bà phi chưa vội phát tang, đợi ông trở về mới báo tin dữ. Ông liền họp các quan ở Đông Đường và nói:
Thế tử có lỗi lớn, tiên vương đã có lời nói như thế, vậy nay xin lập con thứ lên nối ngôi chúa.
Các quan chưa ai kịp có ý kiến thì ông Nguyễn Hiệu (hiệu là Lan Khê), thầy học của Thế tử liền phản bác rằng:
Thế tử chẳng có lỗi gì lớn. Tiên vương nói chẳng qua là để cho Thế tử cố gắng hơn thôi. Chớ nên coi nhẹ mà bàn đến việc này.
Sau Thế tử lên nối ngôi, bắt được tờ khải của ông thì giận lắm, bèn bãi chức rồi bắt ông đem an trí tại Tuyên Quang, lại còn sai Trung Sứ bắt ông uống thuốc độc tự tử.
Người đời truyền tụng rằng, đương thời, có một ông thầy bói chuyên bói theo lối chiết tự, vào thăm ông. Ông viết mấy chữ Thập nhị nguyệt hoa tàn (tháng mười hai hoa rụng) để nhờ bói thử. Thầy bói khuyên ông xử sự theo lối cấp lưu dũng thoát (nước chảy xiết, phải biết dừng lại ngay). Ông im lặng. Chẳng bao lâu sau thì xẩy ra tai họa.
Ông thầy bói này chưa rõ họ tên là gì, nhưng thường hay đến tư thất của các bậc công khanh, đoán được nhiều điều rất ứng nghiệm. Cuối đời Long Đức(3), Hiển Tông(4) tuy là con đích trưởng nhưng không được lập(5), bèn đến trốn ở gác chuông chùa Phật Tích. Hiển Tông có viết một chữ cảnh và nhờ vị thầy bói này xem hộ. Thầy bói xem xong, sụp lạy mà thưa rằng:
Mặt trời mà rọi xuống kinh đô thì đúng là biểu hiện của bậc Thiên tử(6).
Quả nhiên, sau đó Lê Ý Tông đã nhường ngôi cho Lê Hiển Tông(7). Lê Hiển Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng. Có thuyết nói là khi ông còn làm Tể tướng, một viên quan trong triều bị bệnh gần chết. Người nhà đến cầu đảo tại đền thờ thánh Tản Viên. Họ nằm mơ thấy thần đến bảo rằng:
Sinh tử là việc của Nam Đẩu, không phải việc của ta.
Người nhà cố xin, thần nói :
Tướng công Nguyễn Công Hãng là bậc dị nhân, sao không đến kêu xin ở ông ta?
Tỉnh dậy, người nhà của viên quan ấy đến xin yết kiến ông và kể chuyện giấc mơ. Ông nói sẽ cho sống thêm một kỷ nữa (tức 12 năm). Sau quả đúng vậy”.
Lời bàn: Chúa An Vương Trịnh Cương, trong thì gia giáo không nghiêm, ngoài thì xử việc không rành mạch, đã thế lại còn hoang chơi, bảo chính sự không rối bời sao được ?
Lan Khê Nguyễn Hiệu, danh là thầy nhưng thực thì chỉ là kẻ coi rẻ đạo lý thánh hiền, quý thân hơn cương thường, chúa ấy lại gặp bề tôi ấy, nguy thay!
Trăm quan im lặng, bởi làm quan là để được vinh thân phì gia chứ có phải là để lo việc quốc gia đại sự đâu. Vả chăng, ai làm chúa mà chẳng được, miễn các quan vẫn được bình an là đủ rồi.
Nguyễn Công Hãng bị bức tử, điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Chính trường thời loạn vẫn thường là nơi hãm hại lẫn nhau. Bản thân ông cũng một thời mặc sức ban ơn giáng họa cho đồng liêu của mình đó thôi. Ôi, hoạn lộ đa truân, chỉ tiếc là Nguyễn Công Hãng chẳng kịp thấm thía điều này.
Hài hước thay, giữa thời loạn ấy, chỉ có viên thầy bói là biết được hậu vận của cả Hoàng đế lẫn quan lại. Ngay Nguyễn Công Hãng chẳng ngờ câu nói càn rằng “cho sống thêm một kỷ nữa” lại là câu nói đúng. Những sự đại loại như thế, dân gian quen gọi là “chó ngáp phải ruồi”. Đúng quá nhưng cũng ác quá. Trăm lạy hương hồn Tiến sỹ Nguyễn Công Hãng và viên thầy bói khuyết danh!
____________
1. Tức Trịnh Giang, nhưng lúc này chưa có tước hiệu Uy Vương.
2. Tức Trịnh Cương, thân sinh của Trịnh Giang.
3. Niên hiệu của Lê Thuần Tông, dùng từ năm 1732 đến năm 1735.
4. Thực ra lúc này chưa có miếu hiệu là Hiển Tông, sử chỉ chép là Hoàng Tử Lê Duy Diêu.
5. Lúc này, Lê Thuần Tông nhường ngôi cho em ruột là Lê Ý Tông. Lê Ý Tông làm ở ngôi từ năm 1735 đến năm 1740.
6. Chữ cảnh (?) ở trên có bộ nhật (?) là mặt trời, dưới có chữ kinh (?) là kinh đô.
7. Lê Ý Tông lên làm Thượng Hoàng từ năm 1740 đến năm 1759.