VIỆT SỬ GIAI THOẠI : Dũng thay, Trần Thị!

Nguyễn Khắc Thuần 25/02/2011 07:45

Trần Thị nghĩa là người phụ nữ họ Trần, còn tên thật là gì thì chưa rõ. Trần Thị là vợ của tướng quân Trương Trà - một trong những tay chân thân tín của Nguyễn Hoàng, phò tá đắc lực cho Nguyễn Hoàng ngay từ khi Nguyễn Hoàng mới vào giữ chức Trấn Thủ xứ Thuận Hóa (1558). Bấy giờ, anh rể Nguyễn Hoàng là Trịnh Kiểm kiếm kê mưu hại Nguyễn Hoàng, nhưng Nguyễn Hoàng thì không bị hại, ngược lại, chồng của Trần Thị là Trương Trà bị tử trận. Nhận được tin ấy, Trần Thị lập tức đi đánh báo thù cho chồng. Trận đánh rất đặc biệt này được sách TRỊNH - NGUYỄN DIỄN CHÍ (quyển 1) mô tả như sau:

“Năm ấy(1), sau khi nghe tin quan Trấn Thủ phía Nam là Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng dùng mưu giết được tướng nhà Mạc là Lập Quận Công rồi đoạt lấy binh quyền, Minh Khang Vương Trịnh Kiểm cả giận, muốn dùng mưu để trừ bỏ Nguyễn Hoàng.

Trước đó, ở xã Phổ Hành, huyện Khang Lộc, xứ Thuận Hóa có viên Cai Tổng là Mỹ Lương Bá cùng hai em của hắn là bọn Văn Lan và Nghĩa Sơn, vì có công nạp thóc nên đều được nhận quan tước. Thái Sư Minh Khang Vương là Trịnh Kiểm cho Mỹ Lương Bá được cầm quyền để lo thu nạp tô thuế, lại nhận thấy anh em Mỹ Lương Bá có công, bèn cho thăng Mỹ Lương làm chức Tham Đốc, tước Quận Công, bọn Văn Lan, Nghĩa Sơn được phong chức Thự Vệ, tước Hầu, tất cả được giao việc thu tô thuế ở xứ Thuận Hóa. Nay, Chúa Tiên vào làm Trấn Thủ hai xứ Thuận Quảng(2), Minh Khang Vương liền ngầm sai anh em Mỹ Lương Quận Công lựa binh sỹ khỏe mạnh là người trong xứ của mình, nhân lúc sơ hở mà đánh úp, giết Nguyễn Hoàng để dứt mối lo ngại về sau. Việc nếu thành sẽ được trọng thưởng.

Mỹ Lương Quận Công nhận được mật lệnh, liền cho gọi hai em là bọn Văn Lan và Nghĩa Sơn vào phòng kín để bàn việc tuyển lính và sắm sửa khí giới. Mỹ Lương Quận Công sai bọn Văn Lan và Nghĩa Sơn đến đóng ở xã Hương Da, huyện Minh Linh(3), mai phục những nơi hiểm yếu, còn Mỹ Lương Quận Công thì tự đem quân, theo đường tắt dưới chân núi, tiến đến đóng ở khu vực Cầu Gạch, xã Trà Trì, huyện Hải Lăng, tạo thành thế trước sau cùng tiếp ứng, chờ ngày đánh úp Nguyễn Hoàng. Về phần mình, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dò biết được đích xác cơ mưu của Mỹ Lương Quận Công, cả giản mà mắng rằng:

- Lũ bọ ngựa oắt con dám giơ càng ra mà chống xe hay sao?

Nói rồi, sai Trà Quận Công đem quân đến xã Hương Da đánh bọn Văn Lan và Nghĩa Sơn còn mình thì nhân đêm tối, cho quân lặng lẽ tiến đến Cầu Gạch. Dinh trại của Mỹ Lương Quận Công cháy trụi, lửa sáng rực trời như lúc nắng lớn. Chúa Tiên ra sức đốc chiến. Mỹ Lương Quận Công hoảng sợ và bối rối, bọn binh sỹ dưới quyền thì tìm đường tháo chạy tán loạn. Mỹ Lương Quận Công đành phải một thân một mình tháo chạy vào rừng, nhưng bị Chúa Tiên đuổi kịp, chém chết tại chỗ. Nhân đà thắng lợi đó, Chúa Tiên dẫn quân đến xã Hương Da đánh bọn Văn Lan và Nghĩa Sơn một trận lớn nhưng chưa phân thắng bại. Trà Quận Công bị tướng giặc là Nghĩa Sơn bắn trúng mà mất. Quân sỹ trở về báo tin cho vợ của Trà Quận Công là Trần Thị. Trần Thị người ở xã Khu Trường. Được tin ấy Trần Thị cả giận, cải trang làm đàn ông, đầu đội nón chóp, tay cầm dao sắc, cưỡi voi ra trận đánh báo thù cho chồng. Khi quân sỹ của Trần Thị đến bờ sông thì gặp địch, hai bên hỗn chiến. Quân đối phương hoảng sợ nên chống cự không nổi, trốn chạy cũng không kịp, bị Trần Thị bắn giết, thây chết chất đầy đường. Văn Lan giận lắm, thúc quân thiện xạ, vây đánh báo thù, nhưng vừa vào trận đã thấy phía sau bụi rậm bụi mù cuồn cuộn nổi lên, cờ xí rợp đất, chiêng trống vang trời. Quân do thám của Văn Lan cho hay, đó là đại binh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đang rầm rộ tiến đến, cho nên, Văn Lan cả sợ, vội bỏ quân chạy lên mặt Bắc, tìm đường trốn về Tây Kinh(4). Giặc tan, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đem quân về dinh mở tiệc ăn mừng, xét công ban thưởng cho tướng sỹ, hậu thưởng cho Trần Thị, ban cho Trần Thị hiệu là Quận Phu Nhân, lại còn cấp thêm cho tiền lụa và bổng lộc rất hậu. Xong, truyền lệnh an táng Trà Quận Công. Bấy giờ, Văn Lan đại bại chạy về tâu bày các việc. Thái Sư Trịnh Kiểm biết mưu không thành, lòng những giận mà ăn ngủ không yên, bèn quy tội cho bọn Mỹ Lương Quận Công”.

Lời bàn: Phụ nữ mà võ nghệ cao cường, khí phách hiên ngang, dám cầm quân ra trận tả xung hữu đột, sử sách trân trọng ghi tên tuy không phải ít, nhưng dũng mạnh như Trần Thị thì không phải nhiều. Đành là Trần Thị ra trận, trước hết là nhằm trả thù cho chồng, sau là cốt tỏ oai phong của vợ tướng lĩnh, nhưng việc Trần Thị làm có phải dễ đâu. Cho nên, hậu sinh chỉ có thể nói rằng: dũng thay, Trần Thị!

Như Trần Thị, nếu chẳng phải là người của thời hỗn chiến tương tàn, sự nghiệp nào phải chỉ bấy nhiêu? Cổ nhân vẫn tiếc cho các đấng sinh bất phùng thời, đại để là như trường hợp này chăng?

Anh em nhà Mỹ Lương Quận Công quả thật chẳng hề tự biết mình là ai. Nhờ nạp thóc mà được tước Bá, rồi lại nhờ tiếp tục nạp thóc mà được tước Quận Công, thân danh ấy khô như thóc vừa mới tuốt từ rơm ra, có chút gì đáng gọi là khả kinh đâu. Khi không tự biết mình là ai thì cũng có nghĩa là sẽ chẳng thể biết điều gì đáng biết trên đời.

Trịnh Kiểm quy hết tội lỗi cho bọn Mỹ Lương Quận Công là chí phải, bởi phàm là chúa thì chẳng bao giờ sai, cãi lý với chúa là sự tối kỵ, chẳng dễ gì thoát chết. Ngẫm mà xem!

__________________________________

1. Đây chỉ năm Kỷ Tỵ, 1569

2. Thực ra, phải đến năm 1570, Nguyễn Hoàng mới được kiêm chức Trấn Thủ xứ Quảng Nam

3. Nay là huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị

4. Tức Thanh Hóa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        VIỆT SỬ GIAI THOẠI : Dũng thay, Trần Thị!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO