VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Đại ngang... Nguyễn Công Hoàn

Nguyễn Khắc Thuần 13/11/2009 00:00

Ở đời, có người nổi tiếng nhờ đại đức, có người nổi tiếng nhờ đại trí, có người nổi tiếng nhờ đại dũng... nhưng cũng có người nổi tiếng nhờ... đại ngang. Bậc đại ngang tàng được Tùng Niên Phạm Đình Hổ kể đến trong sách Tang thương ngẫu lục là Nguyễn Công Hoàn - người xã Cổ Đô huyện Tiên Phong, nay thuộc TP Hà Nội, sống vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

“Nguyễn Công Hoàn người Cổ Đô, huyện Tiên Phong, là thân phụ của quan Thượng Thư Nguyễn Bá Lân. Ông nổi tiếng hay chữ, nức danh một thời, xử thế nhã nhặn nhưng văn chương chữ nghĩa thì không chịu nhường ai bao giờ. Tính ông là vậy.

Lê Anh Tuấn(1) là người cùng huyện, nhỏ tuổi hơn nhưng ông vẫn coi là bạn vong niên. Hồi khảo thí ở huyện, Lê Anh Tuấn đứng đầu, ông ở hàng thứ hai, ông đem bài ra so, quyết không chịu kém. Khi Lê Anh Tuấn đỗ đạt rồi ra làm quan, ông không đến chơi nữa.

Con trai ông là Thượng Thư Nguyễn Bá Lân(2), do hiểu văn cử nghiệp nên thi đỗ, chớ xét về sức học thì cha con cũng xấp xỉ như nhau. Cũng đã có khá nhiều phen Nguyễn Công Hoàn bắt con so tài văn chương với mình nhưng Nguyễn Bá Lân cố tránh. Mỗi lần như vậy, Nguyễn Bá Lân bị ông trách mắng rất nặng.

Một lần, cả hai cha con ông cùng chèo thuyền ra sông để thi làm văn, hẹn rằng ai kém hơn sẽ bị ném xuống sông. Đến khi làm xong, ông tự thấy văn mình kém hơn con, liền nhảy ngay xuống nước để trầm mình. Nguyễn Bá Lân khóc lóc và vội vớt cha lên.

...
“Lúc xuống chơi ở kinh đô, ông kết bạn với Phạm Viên Chân Nhân, nhân hỏi về sự cùng và sự đạt thì Chân Nhân nói:

- Số ông chẳng thể đỗ đạt và làm nên công trạng gì, nhưng con ông thì ngược lại.

Nghe vậy, ông phó mặc hết mọi sự đời, theo Chân Nhân để học tiên thuật. Khi vào núi Mỹ Lương, nửa đường lương ăn bị cạn, hai người vào xóm. Xóm ấy có cụ già đón khách vào, làm món ăn rất kỳ lạ là đem hấp chín một đứa trẻ ba tuổi để đãi. Ông sợ không dám đụng đũa. Chân Nhân thấy thế thì cười, gọi cho ông món ngon khác. Đi chẳng bao lâu nữa thì đến nơi ở của Chân Nhân. Người hầu dọn món thịt chuột đã thối rữa để uống rượu, mùi hôi thối xông lên nồng nặc, ông liền lấy áo che mặt chứ không dám trông vào. Chân Nhân nói:

- Ông còn nặng duyên nặng nợ với thói tục lắm, không thể tu hành được.

Nói rồi thì sai người đưa ông về. Khi con ông là Nguyễn Bá Lân đỗ đầu khoa thi Hội thì ông và vợ vẫn còn sống. Bạn đồng khoa đều tụ họp ở làng Cổ Đô để mừng. Ông mặc quần áo theo lối quê mùa để tiếp khách, rồi cười mà nói rằng:

- Thằng Bá Lân nhà tôi mà đỗ đầu thì đúng là thiên hạ không còn ai tài giỏi nữa.

Thời ông Lê Anh Tuấn làm Tể Tướng, ông Nguyễn Bá Lân mắc lỗi trong khi làm việc công. Nguyễn Bá Lân nghĩ, chỉ có nhờ cha đến nói hộ thì may ra mới gỡ được tội, nhưng Nguyễn Công Hoàn không nghe. Cả nhà bèn họp lại khóc lóc van nài, ông mới khẽ gật đầu đồng ý. Xong, ông đi chân đất đến dinh Tể Tướng, lội qua hồ và cứ để chân bê bết bùn đất mà vào, rồi hỏi lớn là Tướng Công có nhà hay không. Lê Anh Tuấn áo dài chững chạc ra đón. Ông nói:

- Vì chuyện thằng con mà tôi phải đến quấy rầy cố nhân, một lời giúp đỡ của cố nhân giá đáng ngàn vàng.

Lê Anh Tuấn cố mời ông ở lại vẫn không được. Tuổi càng cao, sức học của ông càng lớn. Nghe đồn ở Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội) có người học trò giỏi, vào tập văn ở trường Giám lần nào cũng đứng hạng nhất, ông bèn tìm đến tận nơi. Vì đường quanh co, lại phải lội ao lội đồng nên ông tới thì trời đã khuya, nhưng vẫn gõ cửa nhà người học trò và nói:

- Ta là Nguyễn Công Hoàn đây. Anh hãy ra mà làm văn thi với ta.

Người học trò khiêm tốn từ chối nhưng ông vẫn không nghe, mãi đến khi được hẹn là tới kỳ tập văn ở trường Giám sẽ xin thử, ông mới chịu về. Sau, y hẹn, ông đến thi ở trường Giám và chiếm luôn mấy lần hạng nhất rồi mới bằng lòng về quê là Sơn Tây”.

Lời bàn: Dân gian có câu Văn mình vợ người, với Nguyễn Công Hoàn thì phần văn mình kể cũng gần đúng. Ông lặn lội khắp đó đây để quyết chí chứng minh rằng, văn mình là nhất, chứ không chịu thua ai cả. Nhưng, khác với tất cả những kẻ tự phụ tầm thường, ông tỏ ra rất nghiêm khắc khi chấm văn chương mình. Việc ông nhảy xuống sông trầm mình có thể coi là một chi tiết đáng yêu trong lý lịch cuộc đời của ông vậy. Hóa ra, Nguyễn Công Hoàn đúng là đại ngang nhưng không đại bướng.

Với Nguyễn Công Hoàn, đời chỉ có mỗi một hệ thống thứ bậc cao thấp duy nhất, đó là văn tài. Cả gan lội bùn và để nguyên đôi chân dơ bẩn đi thẳng vào dinh Tể Tướng thì quả là quá lắm. Đây là chỗ đại ngang chí ư không phải của ông. Cổ kim cho hay, phàm những ai thấy quá ít những hệ thống thứ bậc xã hội khác nhau, rốt cuộc đều là kẻ suốt đời bất đắc chí, luôn phải dằn vặt khổ đau với những xung đột nội tâm của mình.

Muốn ngoi lên trong thế tục, trước phải biết chấp nhận thói tục. Ông muốn có tên trên bảng vàng nhưng lại không thèm ngó ngàng gì đến lối văn cử nghiệp, thì đỗ đạt chỉ là ước mơ hão huyền. Ông muốn trở thành người hiểu biết phép thuật của đạo sỹ nhưng lại không chịu nổi cách sống rất riêng của người tu luyện thì ước muốn ấy cũng chỉ là viển vông. Món thịt người và món thịt chuột thối, chẳng qua chỉ là cách nói phóng đại một lối sống khác thường của những người tu luyện phép thuật đó thôi. Nếu đó là món ăn thật, đạo sỹ sẽ chẳng bao giờ có đất dung thân cả.

Kính bẩm “Đại ngang” Nguyễn Công Hoàn, thưa cụ, vẫn biết là vào thời cụ, chính sự rối bời, khoa cử mục ruỗng, nhưng hậu thế cứ đắn đo mãi, chẳng hay là nếu cụ đỗ đạt cao, xã tắc sẽ gặp may hay gặp rủi đây?

_________________________

1.  Nguyên quán ở làng Thanh Mai, đỗ Tiến sỹ vào năm 1700.
2.  Đỗ Tiến sỹ vào năm 1731.

    Nổi bật
        Mới nhất
        VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Đại ngang... Nguyễn Công Hoàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO