Việt sử giai thoại: Cuộc gặp gỡ tương đắc giữa Chúa Sãi với Đào Duy Từ
Tháng 3.1627, Trịnh Tráng đích thân thống lĩnh quân sỹ, lại rước cả xa giá, đưa Lê Thần Tông đi đánh Đàng Trong. Nhờ sẵn sàng chuẩn bị từ trước, quân của Nguyễn Phúc Nguyên (tức Chúa Sãi) thắng lớn, chặn đứng và buộc quân Trịnh phải rút về. Xứ Đàng Trong rất hoan hỷ. Sách Trịnh Nguyễn diễn chí (quyển 2) viết:
“Quan Khám Lý Cống Quận Công ở phủ Hoài Nhơn, nghe tin chúa Sãi thắng lớn, bèn vội về phủ chúa để chúc mừng. Chúa Sãi cho Cống Quận Công vào trong điện cùng ngồi để hỏi han dân tình đất Quảng Nam về mọi sự vui buồn trong làm ăn, sinh sống. Cống Quận Công thưa rằng:
- Nhờ Chúa Thượng rộng ban ơn đức, lại có thêm hiệu lệnh nghiêm minh, gần người trung tín, xa kẻ nịnh hót gian tà và ngăn sự hung bạo, trừng phạt bọn cướp bóc, cho nên, người người đều vui theo, trăm họ được an cư, vỗ bụng hát vang thời thịnh trị, chẳng có gì gọi là đau khổ.
Chúa Sãi nghe nói thì cả mừng. Lúc sau, quan Khám Lý Cống Quận Công đứng dậy, lấy từ trong tay áo ra một bản chép bài Ngọa Long Cương của Lộc Khê Đào Duy Từ, dâng lên chúa Sãi và nói rằng:
- Hiện ở nhà thần có viên quan Huấn Đạo(1), nhân lúc nhàn rỗi đã viết ra. Thần chỉ là kẻ quê mùa nông cạn, thấy văn chương thanh nhã, ý phò chúa giúp nước cũng rõ ràng, xin dâng lên để Chúa Thượng xem mà định sự hay dở.
Chúa Sãi cầm xem, thấy quả là Đào Duy Từ có chí xé mây cho trời tỏ, dẹp loạn cho thời thịnh bền lâu, so với văn chương của cổ nhân thật không thua kém, bèn vui mừng nói với Khám Lý Cống Quận Công rằng:
- Khanh hãy mau mời người này đến đây cho ta gặp mặt để được thỏa lòng mong đợi người tài.
Khám Lý Cống Quận Công vái tạ rồi ra về. Mấy tháng sau, ông cùng đi với Lộc Khê Đào Duy Từ đến trước cửa phủ để chờ. Trước khi đi, Cống Quận Công lo sắm sửa mũ áo có gắn hạt châu, đưa cho Lộc Khê Đào Duy Từ, nhưng Lộc Khê Đào Duy Từ lại nói:
- Phàm người có chức mới đội mũ. Còn như chưa có chức thì không dám.
Nói rồi gạt đi, quyết không dùng, cứ để đầu trần cùng Cống Quận Công vào phủ chúa. Lúc ấy, Chúa Sãi đang ngồi trên điện trầm ngâm nghĩ ngợi, muốn tìm cách để thử người sắp được tiến cử, xem tài học người ấy cỡ nào để còn tiện bề sử dụng, bèn mặc áo trắng, đi hia xanh, tay cầm gậy có chạm hình rồng, vai khoác túi vải, đi ra ngoài cửa để chờ. Lộc Khê Đào Duy Từ trông thấy, liền hỏi Cống Quận Công:
- Người ấy là ai vậy thưa cha(2)?
Quan Khám Lý Cống Quận Công đáp:
- Đó chính là Chúa Thượng, con hãy mau tới lạy chào.
Lộc Khê Đào Duy Từ nghe vậy thì cười nhạt, không chịu tới lạy chào, đã thế, lại còn rảo bước đi ra. Khi ông sắp ra khỏi sân, Cống Quận Công đuổi theo kịp, trách rằng:
- Chúa Thượng đã thân ra đến đây để đợi, sao con lại không tới lạy chào? Con mà không chịu lạy chào thì trăm tội chỉ đổ hết vào đầu ta thôi.
Lộc Khê Đào Duy Từ đáp:
- Đấy chỉ là tư thế của Chúa Thượng lúc dạo chơi với bọn mỹ nữ, không hợp với nghi thức đón người hiền. Nếu con mà tới lạy chào tức là con đã phạm vào tội khi quân, cho nên con không lạy, có gì đáng gọi là tội đâu?
Quan Khám Lý Cống Quận Công nghe nói thì nổi giận, cứ giục Lộc Khê Đào Duy Từ tới lạy chào, nhưng Lộc Khê Đào Duy Từ chỉ đứng yên và cười khẽ. Chúa Sãi biết ý, lòng lấy làm vui, vội vào phủ thay áo mũ, lên ngồi ở công đường, sai bọn nội giám đem áo mũ hàng văn quan ra ban cho Đào Duy Từ, rồi cho mời Đào Duy Từ vào bái yết. Đào Duy Từ vào bái yết theo đúng nghi thức. Chúa Sãi đứng dậy tiếp lễ và nói:
- Ta mong đợi thầy đã lâu sao thầy đến muộn vậy?
Lộc Khê Đào Duy Từ đáp:
- Thần là kẻ hủ Nho, sống nơi thôn dã, tài non, học kém, tiến hay lùi cũng đều lo sợ nên mới chậm trễ, khiến Chúa Thượng phải trông mong, thần xin chịu tội muôn lần.
Chúa Sãi nói:
- Chúa tôi hợp đạo, đó chính là cơ duyên sum họp, ngàn năm mới có. Xưa, các bậc Đế Vương kén chọn người hiền tài giúp lo nghiệp lớn, nay ta được gặp thầy, sự thể cũng đại để như thế chăng?
Lộc Khê Đào Duy Từ thưa:
- Thần vốn là thư sinh không nơi nương tựa, nay may mà được Chúa Thượng thu dùng, cho được góp sức trâu ngựa để đền ơn, được đặc cách làm quan, không dám ví mình với người đi câu ở sông Vị(3) hay như người nông phu cày ruộng ở đất Sằn(4), cho nên, dám xin Chúa Thượng hãy rộng lòng khoan thứ.
Chúa Sãi nghe nói thì thầm khen, bèn phong ngay cho Đào Duy Từ làm quan, hàm Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh, Vệ Úy Nội Tán, tước lộc Khê Hầu, cho được dự bàn các việc lớn của quân cơ chính sự trong ngoài”.
Lời bàn: Chúa Sãi cầu hiền tài, dẫu mục đích là gì đi nữa thì cầu hiền bao giờ cũng là việc khó trong số những việc khó, chẳng phải cứ hễ muốn là làm được đâu. Cầu thì cầu, nhưng thử thì vẫn cứ phải thử, bởi vì nhận người bao giờ cũng dễ hơn thải người, nhẹ dạ cả tin chỉ tổ chuốc cười cho thiên hạ thôi.
Người xưa rất trọng lễ, vì thế, chúa Sãi thử Đào Duy Từ cũng là thử lễ. Thời ấy, không biết lễ thì còn biết điều gì đáng biết hơn nữa đâu. Quan Khám Lý Cống Quận Công trong chỗ vội vàng đã quên mất những chi tiết vốn rất chặt chẽ của lễ, đương nổi việc lớn của phủ chúa. Đào Duy Từ đã bình thản xét lễ, bởi vì Đào Duy Từ quả đúng là… Đào Duy Từ. Đời vẫn tỏ cho thấy sự hơn thua nhau về bản lĩnh vững vàng khi gặp việc cần kíp đó thôi.
Chúa chỉ thực sự là chúa khi chúa nghiêm chỉnh xét việc ở chốn công đường. Công đường cũng chỉ thực sự là công đường khi người làm việc ở đó nghiêm chỉnh trong tất cả, từ ăn mặc đến tác phong và nói năng. Bừa bãi được ở nơi công đường thì cũng có nghĩa là sẽ bừa bãi được ở bất cứ nơi đâu, mối hại nào phải là nhỏ. Cho nên, không phải Đào Duy Từ cố chấp tiểu tiết mà là rộng xét đến tác hại của sự trái lễ.
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Lộc Khê Đào Duy Từ, vừa gặp đã tương đắc. Được Đào Duy Từ phò tá, chúa Sãi thực sự có được vị quân sư tài ba. Gặp Chúa Sãi, Đào Duy Từ cũng chẳng khác gì rồng được gặp mây, tha hồ tung hoành ngang dọc cho thỏa chí bình sinh. Chúa Sãi và Đào Duy Từ, cuộc gặp gỡ mới tương đắc làm sao!
_____________________________
1. Quan trông coi việc giáo dục ở địa phương cấp phủ. Thực ra, đây chỉ là chức do Khám Lý Cống Quận Công tự ý trao cho Đào Duy Từ, cũng là con rể của mình.
2. Đào Duy Từ là con rể của Khám Lý Cống Quận Công nên mới hỏi như vậy.
3. Chỉ Thái Công đi câu, được Thiên Tử nhà Chu mời ra giúp nước.
4. Chỉ Y Doãn khi chưa ra giúp Thành Thang (nhà Thương, Trung Quốc)