VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Cuộc đối đáp giữa Hàn Tiến và Nguyễn Văn Trạc
Cứ hành trạng mà xét thì Hàn Tiến chính là Tiến Quận Công Lê Văn Hiểu, người từng được chúa Trịnh ban quốc tính và đổi là Trịnh Đào. Đây theo nguyên bản mà gọi là Hàn Tiến.
Khoảng giữa thế kỷ XVII, Hàn Tiến được chúa Trịnh trao quyền cầm quân trấn giữ vùng tiếp giáp với xứ Đàng Trong và tại đây, Hàn Tiến nhiều phen giáp chiến với quân của chúa Nguyễn trong cuộc ác chiến lần thứ năm với quân Trịnh (từ 1655 - 1660).
Nguyễn Văn Trạc tức Trạc Quận Công, quan của Đàng Ngoài, đồng liêu và có lẽ cũng là đồng niên với Hàn Tiến. Tuy là quan văn nhưng Nguyễn Văn Trạc cũng hiểu biết quân cơ không thua kém quan võ. Ông là người nhiệt thành nhưng rất chừng mực, luôn biết dừng lại khi cần phải dừng. Năm 1655, Hàn Tiến và Nguyễn Văn Trạc đã có một cuộc đối đáp khá đặc biệt, được sách Trịnh - Nguyễn diễn chí (quyển 4) ghi lại như sau:
“Ngày 14.2.1655, khi Hàn Tiến đang ngắm hoa ở Dinh Cầu thì quan trong triều là Trạc Quận Công, người xã Thổ Sơn tới thăm. Hàn Tiến mời vào dinh, chia ngôi chủ khách để cùng ngồi. Nhân đêm trăng sáng, trời đẹp, hai người bàn chuyện xưa nay. Bỗng góc trời phương Nam có đám mây đen, hình nhọn mà sắc, đâm thẳng vào giữa mặt trăng, khiến cho trăng đang không bị mờ tối hẳn. Trạc Quận Công ngước nhìn, cho là điềm chẳng lành, lòng lấy làm nghi hoặc. Thế rồi Trạc Quận Công hỏi Hàn Tiến:
- Sáng nay, Tả Đô Đốc có việc gì mà lo sửa soạn lễ vật vậy?
Hàn Tiến đáp:
- Ngày 17 tháng này là ngày giỗ thân phụ tôi. Đường sá xa xôi, núi sông cách trở mà việc công thì bận rộn, nhưng tình cha con thì chẳng thể quên, bởi thế, tôi tạm biện chút lễ mọn để tỏ lòng hiếu thảo của mình.
Trạc Quận Công nói:
- Hôm đó cũng là ngày giặc đến đánh thành, quan Tả Đô Đốc tất sẽ gặp nguy lớn, cho nên, muốn tỏ lòng hiếu thảo cũng khó khăn đấy.
Hàn Tiến nghe nói thì cả giận, liền nghiêm giọng nói với Trạc Quận Công rằng:
- Cứ như lời ông nói thì giặc đến từ phương nào?
Trạc Quận Công đáp:
- Từ phương Nam.
Hàn Tiến nói to lên rằng:
- Hoành Sơn như tường thành chắn ngang, dẫu Hạng Võ tái sinh cũng không qua nổi huống gì là giặc phương Nam. Vả chăng, nếu chúng tự mọc cánh mà bay đến đây thì cũng bị ta chém nát như bùn, quyết không cho tên nào sống sót, chẳng có gì đáng ngại.
Trạc Quận Công nói:
- Vì Tả Đô Đốc mà lão già này nói điều đó, nghe hay không là tùy ý, lão già không dám can dự. Nhưng, lão già đã mệt, xin quan Tả Đô Đốc vui lòng cấp cho một con ngựa để mau trở về, kẻo lại gặp họa binh lửa.
Hàn Tiến nhếch mép cười nhạt rồi cấp cho một con ngựa. Trạc Quận Công ráp yên, lên ngựa và từ biệt Hàn Tiến ra đi. Hàn Tiến quay lại nói với người chung quanh rằng:
- Đúng là hủ Nho, chỉ vẽ chuyện để cho người ta chú ý đến mình, thất phu như hắn thì biết gì mưu kế. Chẳng qua đến để xin ngựa trở về. Người đâu mà nhu nhược thế.
Tướng của Hàn Tiến là Hàn Tô nói:
- Nghĩ lại thì thấy lời của ông ta cũng có lý, xin tướng công hãy suy tính cho kỹ. Người xưa có câu rằng, lời của kẻ cuồng phu mà có khi thánh nhân còn nghe được kia mà.
Hàn Tiến cười lớn, lắc đầu nói đi nói lại rằng:
- Chẳng đáng nghe! Chẳng đáng nghe!
Đến ngày 16, vào khoảng gà gáy, khi Hàn Tiến đang sai bày biện lễ vật, chưa kịp cúng thì có tin quân Nam vượt sông Gianh đánh phá Ba Đồn, tướng giữ vùng này là Mậu Quận Công thua to, đã bỏ quân mà chạy vào Lũng Bông, xin Tả Đô Đốc mau đem quân đến cứu để khỏi lỡ việc. Hàn Tiến nghe nói thì cả kinh, không kịp soạn lệnh truyền, cứ thế hô gọi quân sỹ rồi lên ngựa chạy gấp vào Lũng Bông, lo việc tiếp ứng”.
Lời bàn: Thời chinh chiến, tướng cầm quân giữ nơi biên ải mà nhàn tản ngắm hoa và thảnh thơi lo việc giỗ chạp, đó là một sự đại nguy. Có được đồng liêu nói lời dự báo, đã không nghe lại còn tỏ rõ thái độ khinh thường, dám bất chấp cả sự can gián của các thuộc tướng, đó là hai sự đại nguy. Được tin cấp báo là quân đối phương tràn đến, đường đường là quan Tả Đô Đốc mà xử sự cuống quýt như đỉa phải vôi, đó là ba sự đại nguy. Gồm đủ cả ba sự đại nguy ấy, sống cũng nhục mà chết cũng nhục, biết nói sao với vong linh Tả Đô Đốc Hàn Tiến bây giờ.
Xưa nay vẫn vậy, có bao kẻ chủ quan, dương dương tự đắc và coi thường thiên hạ là sẽ có bấy nhiêu kẻ hậu vận chẳng ra gì, thậm chí, dẫu muốn hối cũng không kịp. Sử vẫn phải luôn chép những câu tiếc nuối, thường mở đầu bằng hai chữ giá mà... nhưng, giá mà không có ai phải nói giá mà thì hẳn là sẽ tốt hơn.
Lời của Trạc Quận Công đúng là lời thánh sống phán bảo chăng. Tưởng vậy mà thật không phải vậy. Hai bên đang lúc gầm ghè, quyết một sống một chết với nhau, không đem quân đánh vào đối phương khi đối phương tỏ ra chủ quan khinh suất nhất, thử hỏi còn đánh vào lúc nào? Còn như việc đánh đúng vào rạng sáng ngày 17, ấy là bởi… tiểu thuyết lịch sử vẫn ưa ly kỳ như vậy, nếu không, chuyện này thực ra là đã bị thất truyền ngay khi sách TRỊNH – NGUYỄN DIỄN CHÍ chưa viết xong.
Đời kể cũng lắm khuôn mặt lạ thay.