Việt sử giai thoại: Chuyện Lê Thận

Nguyễn Khắc Thuần 10/09/2010 00:00

Lê Thận là người đồng hương, lại cũng là bạn cùng trang lứa với Lê Lợi. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau, ông cũng là người vững chí đi suốt cuộc trường chinh đánh giặc cứu nước. Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế và khai sáng ra nhà Lê, ông được xếp vào hàng võ quan có công, được phong tới tước Á Hầu.

Lê Thận làm quan, trải thờ đến ba đời Hoàng Đế là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Ông mất tháng 7.1448, được triều đình Lê Nhân Tông truy tặng hàm Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Huyện Thượng Hầu và ban cho tên thụy là Trung Tiết. Do chưa rõ năm sinh nên chưa rõ ông hưởng thọ bao nhiêu tuổi, nhưng cứ hành trạng mà xét thì có lẽ khi mất ông đã khoảng bảy chục. Sách Đại Việt thông sử (Chư thần truyện)(1) chép về ông:

“Lê Thận người sách Mục Sơn, sách này ở sát với làng của Lê Thái Tổ. Ông giao du với Thái Tổ từ sớm và Thái Tổ cũng thường hay qua lại nhà ông.

Lê Thận sống bằng nghề đánh cá, thường chài lưới ở sông Lam. Một đêm, ông thấy dưới nước sông Lam có ánh sáng như bó đuốc nhưng không hiểu là ánh sáng gì. Sáng hôm sau, ông quăng chài, kéo lên được một con dao bằng sắt, dài hơn một thước, liền đem cất vào một góc tối trong nhà. Hôm đó, Thái Tổ tới nhà ông nhưng ông đi vắng, thấy trong góc tối có ánh sáng tỏa ra, vào xem thì thấy có con dao, vợ ông nhân đó kể rõ mọi chuyện cho nghe. Thái Tổ lấy con dao đem về nhà, không phải mài mà vẫn thấy sáng, lại thấy trên dao có chữ triện, biết là dao quý trời ban cho. Hôm sau, Thái Tổ lại bắt được chuôi dao ở gốc cây đa, sai người đem rửa thì thấy chuôi có chạm hình rồng, hình cọp, đem tra dao vào thì thấy vừa vặn không sai một ly nào. Thái Tổ nghiệm rằng mệnh trời đã quá rõ, từ đấy càng tin phục hơn. Khi Thái Tổ khởi binh, ông là người theo trước nhất, được trao cho chức Thứ Thủ Kỵ Binh trong đội quân Thiết Đột. Cùng với các tướng văn, tướng võ như Lê Văn An, Lê Văn Linh... ông luôn theo sát để phò tá, nổi tiếng là người có công lớn.

Khi Thái Tổ và 18 người bề tôi thân tín làm hội thề ở Lũng Nhai, nguyện cùng vui buồn có nhau, thì tên của ông đứng ở hàng thứ ba, sau Lê Lai. Tháng hai năm Thuận Thiên thứ nhất(2), triều đình xếp hạng những người có công theo phò từ hồi Lũng Nhai, tên ông được xếp vào hàng thứ hai. Ông được phong làm Trung Lượng Đại Phu, trông coi các vệ quân ở Tả Hữu Phủng Thần, hàm Đại Lý Tự Khanh. Năm Thuận Thiên thứ hai(3), triều đình khắc bảng công thần, ông được phong tước Á Hầu”.

Lời bàn: Trong số các bậc công thần khai quốc thời Lê, Lê Thận có lý lịch thuộc vào hàng suôn sẻ hơn cả. Ông kết giao thân thiện với Lê Lợi từ thuở còn hàn vi rồi hăng hái cùng Lê Lợi đánh giặc và khi đất nước thái bình thì ông được định công ban thưởng, sau lại được sống mà an hưởng phú quý đến tận khi qua đời. Có lẽ cũng vì thế mà con dao do ông quăng chài lấy được, cứ thế lấp lánh mãi trong sử sách chăng?

Ở đời, có những chuyện lạ, nếu đặt riêng ra thì không thể nào tin, nhưng nếu đem đặt chung với nhiều chuyện lạ khác, thì chính nó lại vừa đáng tin, vừa có duyên đến độ lạ lùng. Chuyện con dao do Lê Thận đi quăng chài mà lấy được rồi cả chuyện cái chuôi dao do Lê Lợi tình cờ nhặt được ở gốc cây đa, rất đáng xếp vào hạng này.

Ngàn xưa vẫn vậy, con người vẫn thường làm cho con người phải kinh ngạc về những thành công của chính mình. Cách lý giải đầy vẻ tôn kính của muôn đời vẫn là… do mệnh trời. Trong mọi sự đáng kinh ngạc của thế kỷ XV thì đánh đổ ách đô hộ của quân Minh là sự đáng kinh ngạc lớn nhất. Sự kinh ngạc lớn nhất ấy, dẫu không muốn thì vẫn cứ phải tin, bởi đó là sự thực. Một khi đã tin được cái kỳ vĩ đến độ phi thường, thì tất cả những gì liên quan tới nó người ta đều nhất nhất tin theo.

______________

1. Tác phẩm của Lê Quý Đôn

2. Tức năm 1428

3. Tức năm 1429

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt sử giai thoại: Chuyện Lê Thận
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO