Việt sử giai thoại: Chuyện Huy Gia Hoàng Thái Hậu
Huy Gia Hoàng Thái Hậu cũng tức là Trường Lạc Hoàng Thái Hậu. Sở dĩ có thêm tên gọi thứ hai là vì sinh thời, bà được con là Hoàng Đế Lê Hiến Tông (1498–1504) mời đến ở trong cung Trường Lạc để phụng dưỡng, bá quan nhân đó lấy tên cung điện làm hiệu cho bà. Sách Đại Việt thông sử đoạn chép về bà như sau:
“Huy Gia Hoàng Thái Hậu người họ Nguyễn, húy là Huyên, quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn(1). Bà là con gái thứ hai của Nguyễn Đức Trung, người về sau được tặng hàm Thái Úy, tước Trinh Quốc Công. Tháng bảy năm Quang Thuận thứ nhất(2), bà được tuyển vào cung rồi được sung làm Chiêu Nghi(3). Bà ở trong cung Vĩnh Ninh, được Hoàng Đế yêu quý hơn mọi cung nữ khác. Bấy giờ, Hoàng Đế chưa có Hoàng Thái Tử bởi vậy bà nhờ cha là ông Nguyễn Đức Trung đi cầu đảo tại am Từ Công(4) ở núi Phật Tích. Bà nằm chiêm bao, thấy mình được đến trước Thượng Đế, liền cầu xin Thượng Đế ban cho đứa con trai để nối ngôi. Thượng Đế phán rằng:
Thiên Lộc, hãy xuống làm con người đàn bà họ Nguyễn!
Nói rồi, Thượng Đế bế Thiên Lộc tới cho. Bà chợt tỉnh, sau đó thì có thai. Thái Hậu lại nhờ cha là ông Nguyễn Đức Trung đi cầu đảo ở am Từ Công lần nữa. Khi đang hành lễ thì có hòn đá rơi xuống trước mặt. Nguyễn Đức Trung cho là điềm lạ, liền nhặt đem về nhà, đồng thời sai thợ tạc một bức tượng, bỏ hòn đá vào trong trượng, làm riêng một cái am để thờ, giấu kín việc này không cho ai biết.
Đến kỳ mãn nguyệt khai hoa, bà lại nằm mộng thấy có con rồng vàng từ trên trời cao bay xuống, vào tận nơi bà ở và chỉ chốc lát sau thì ba sinh hạ Hoàng Tử, đó chính là Hoàng Đế Lê Hiến Tông sau này. 3 năm sau, con trai bà được lập làm Thái Tử. Năm Hồng Đức Thứ nhất(5), bà được phong làm Quý Phi(6). Từ đó, bà càng được hưởng ơn nhiều hơn. Hoàng Đế(7) mấy lần định lập bà làm Hoàng Hậu nhưng lại xét thấy dòng họ nhà bà có thế lực quá lớn, sợ làm như vậy thì các cung tần mỹ nữ không ai dám gần Hoàng Đế nữa, bèn thôi.
Năm Hồng Đức thứ 28(8), Lê Thánh Tông qua đời, Lê Hiến Tông lên nối ngôi, bà được tôn làm Hoàng Thái Hậu, vào ở tại cung Trường Lạc và được phụng dưỡng rất chu đáo.
Năm Cảnh Thống thứ 3(9), trùng tu chùa Thiên Phúc(10), ban cho am Từ Công hiệu là Hiển Thụy, dựng bia tưởng niệm, sai Nguyễn Bảo(11) soạn bài văn bia. ấy là làm theo lời di chúc của Nguyễn Đức Trung. Năm Cảnh Thống thứ 7(12), Lê Hiến Tông mất, Lê Túc Tông lên nối ngôi, bà được tôn làm Thái Hoàng Thái Hậu. Lê Túc Tông mất, không có con nối ngôi, cho nên, bọn nội thần là Nguyễn Nhữ Vi và bà Kính Phi(13) muốn lập Lê Uy Mục(14). Thái Hoàng Thái Hậu cho rằng, đó là con của người tỳ thiếp, không thể nối ngôi đại thống được, nhân đó, đòi lập Lã Côi Vương, Lê Nhữ Vi và bà Kính Phi vờ đồng ý khiến bà tưởng thật. Nhưng khi bà vừa ra khỏi thành thì Nguyễn Nhữ Vi liền sai đóng hết các cửa lại, mời các công khanh và đại thần đến, lấy di chiếu của Lê Túc Tông ra, tôn lập Lê Uy Mục lên ngôi. Thái Hoàng Thái Hậu trở về cung, rất không bằng lòng về chuyện này. Ngày 22 tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất(15), Lê Uy Mục ngầm sai người giết bà”.
Lời bàn: Sử không ghi rõ năm sinh để có thể dễ dàng tính tuổi nhưng cứ hành trạng mà xét thì lúc qua đời, bà Huy Gia Hoàng Thái Hậu chí ít cũng đã qua tuổi lục tuần. Với người xưa, như thế cũng đáng gọi là thọ rồi vậy. Sinh thời, bà từng được hưởng hai đại phúc. Một là được làm vợ của vị Hoàng Đế sáng giá nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, được chứng kiến tài năng thật phi thường của Hoàng Đế, kể từ khi được lên ngôi cho đến ngày ông tạ thế. Muôn đời mới có một người được như bà đó thôi. Hai là làm mẹ của một trong những vị Hoàng Đế thuộc thời thịnh trị, có biết bao nhiêu đấng được tôn là Quốc Mẫu, nào dễ mấy ai được như thế đâu.
Tiếc thay, bà được hưởng hai đại phúc thì cũng phải chịu hai đại họa. Một là lúc còn ở ngôi Hoàng Thái Hậu, nói lời đúng mà rốt cuộc chẳng ai nghe. Hai là bị quần thần lừa, lại bị cháu nội là Lê Uy Mục giết hại. Trời chẳng bao giờ cho ai được an hưởng trọn phúc lành là đấy chăng?
Giết người là đại ác, làm Hoàng Đế mà giết cả bà nội của mình là đại đại ác. Lê Uy Mục lên ngôi, cầm quyền chưa trọn năm năm mà sự khinh ghét của người đời đã gần năm trăm năm rồi vẫn chưa thể dứt. Phận làm cháu mà như thế, danh làm Hoàng Đế mà như thế, dẫu hắn từng có những năm chuyển dịch giữa cõi trời cao đất dày, vẫn không thể đáng gọi là đã từng sống được.
Huy Gia Hoàng Thái Hậu hoàn toàn là người vô can trong đại họa này chăng? Hình như không phải vậy. Nếu sinh thời, bà nghiêm giữ gia đạo thì về sau đâu đến nông nỗi kia. Lẽ đâu con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, chỉ là câu dành riêng cho thứ dân trong thiên hạ mà thôi. Nạn nhân là bà mà thủ phạm cũng có cả bà nữa vậy. Có điều, khi người ta không nhận thức được rằng mình đã và đang là thủ phạm thì rất ít kẻ may mắn được sống để nhận ra rằng mình là nạn nhân.
___________________________________
1. Nay thuộc tỉnh Thanh Hoá.
2. Tức là năm 1460.
3. Sau Hậu và Phi, vợ Hoàng Đế còn có 9 bậc nữa, trong số 9 bậc đó, bậc Chiêu là cao nhất. Trong bậc Chiêu lại còn có nhiều nấc cao thấp khác nhau như: Chiêu Nghi, Tu Nghi, Dung Nghi... Mỗi nấc như vậy, đôi khi lại còn gồm có nhiều người.
4. Am Từ Công tức là am thờ Từ Đạo Hạnh.
5. Tức năm 1470.
.6. Phi là bậc thứ hai của vợ Hoàng Đế, sau Hoàng Hậu. Trong bậc Phi còn có nhiều nấc cao thấp khác nhau, Quý Phi là nấc thấp nhất.
7. Chỉ Lê Thánh Tông, ở ngôi từ năm 1460-1497.
8. Tức là năm 1497.
9. Tức là năm 1500.
10. Tức chùa Thầy ở Hà Nội ngày nay.
11. Người huyện Vũ Thư, Thái Bình ngày nay, ông đỗ Tiến Sĩ năm 1472, sau làm quan đến chức Thượng Thư.
12. Tức năm 1504.
13. Một trong những bà Phi của Lê Thánh Tông.
14. Tức Lê Tuấn hay Lê Huyên, con thứ hai của Lê Hiến Tông.
15. Tức năm 1505.