Việt sử giai thoại: Chuyện Đào Sư Tích đi thi

Nguyễn Khắc Thuần 16/07/2010 00:00

Hầu hết các thư tịch cổ đều nói rằng, Đào Sư Tích người xã Cổ Lễ, huyện Nam Chân (hay là khu vực thị trấn Cổ Lễ, Nam Trực, Nam Định). Tuy nhiên, cũng có tài liệu nói quê ông là làng Song Khê, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay. Điều này đúng sai ra sao, khoan bàn, chỉ biết về sau, ông từng sống khá lâu tại xã Lý Hải, huyện Yên Lãng (nay thuộc Lý Hải, xã Phú Xuân, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Đào Sư Tích là con trai của Đào Toàn Mân, quan Tri Thẩm Hình Viện đời Trần.

Theo Lịch triều đăng khoa lục thì Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên vào khoa Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh năm thứ hai (tức là năm 1374). Khoa này, triều đình lấy đỗ cả thảy năm chục người, sau Trạng Nguyên là Đào Sư Tích thì Bảng Nhãn là Lê Hiến Phủ, Thám Hoa là Trần Đình Thâm và Hoàng Giáp là La Tu. Riêng Đào Sư Tích, thời Trần từng làm quan tới chức Nhập Nội Hành Khiển. Thời Hồ, ông bị giáng làm Trung Thư Thị Lang, chức Đồng Tri Thẩm Hình Viện. Gia phả họ Đào cho hay ông mất năm 47 tuổi nhưng không cho biết gì rõ hơn nên hiện vẫn chưa biết ông sinh vào năm nào. Chuyện Đào Sư Tích đi thi được sách Công dư tiệp ký (quyển 3) chép như sau:

“Ông vào kinh đi thi, vừa bước chân ra khỏi cửa thì gặp một người đàn bà. Ông hừ một tiếng rồi nói:

Ta đi thi mà ra đường gặp đàn bà thế này thì hỏi còn mong đỗ đạt gì nữa.

Người đàn bà ấy cũng nhanh trí, thấy ông có vẻ bực bội thì ứng khẩu nói rằng:

Ông đi thi thì ông đỗ Tiến Sĩ chớ can hệ gì đến bọn đàn bà chúng tôi.

Ông nổi nóng, nói với giọng rất gắt rằng:

Đỗ gì chớ đỗ Tiến Sĩ, ta đây đâu có thèm.

Người đàn bà lại nói tiếp:

Không thèm đỗ Tiến Sĩ thì đỗ Trạng Nguyên vậy.

Ông mỉm cười đáp:

Được, vậy thì được.

Thế rồi khoa ấy, quả nhiên ông đỗ Trạng Nguyên”.

Lời bàn: Trước hết, hậu sinh xin mạn phép được hiệu đính: Tác giả sách CÔNG DƯ TIỆP KÝ là Tiến Sĩ Vũ Phương Đề có sự nhầm lẫn. Bấy giờ không gọi là Tiến Sĩ mà gọi là Thái Học Sinh. Mãi đến năm 1442, học vị Thái Học Sinh mới được đổi gọi là Tiến Sĩ.

Thời Đào Sư Tích, thiên hạ vẫn cho rằng, ra đường gặp đàn bà là xui, bậc uyên bác như Đào Sư Tích cũng không có gì khác hơn quan niệm chung ấy, lý do đơn giản chỉ vì thời ấy là... thời ấy! 

Kể ra người xưa cũng lạ, như đi thi mà gặp đàn bà rồi bị hỏng thì cho là tất cả chỉ vì gặp đàn bà nên xui xẻo. Còn như nếu gặp đàn bà rồi đỗ đạt thì lại bảo thiên cơ báo trước hiển vinh vào chỗ không ngờ, ấy là đàn bà. Đàn bà luôn đắc đại tội trong chỗ họ chẳng hiểu vì sao, khốn khổ cứ như là... đàn bà.

Tiến Sĩ Vũ Phương Đề chép chuyện này cốt để thanh minh cho sự vô tội của phái quần hồng thuở ấy chăng? Nếu đó chẳng phải là chủ tâm thì cũng xin ngàn lần cám ơn Tiến Sĩ Vũ Phương Đề, bởi vì, nói theo cách nói của các triết gia, về khách quan, chuyện này cũng có tác dụng tương tự như vậy.

Người đàn ông sở dĩ là người đàn ông, bởi vì suốt một đời, người đàn ông luôn luôn nhờ cậy sự săn sóc của người đàn bà, thế nhưng, hình như người đàn ông cũng có không ít lúc lỡ lời với người đàn bà. Và, đó chính là lúc người đàn ông trở nên bé nhỏ nhất. Hình như đứa trẻ nào cũng đều có dăm ba lần cắn vú mẹ thật đau thì phải.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Việt sử giai thoại: Chuyện Đào Sư Tích đi thi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO