Việt sử giai thoại: Cái gàn của Trần Cụ
Thời Trần Anh Tông (1293–1314), có viên quan tên là Trần Cụ nổi tiếng cẩn thận và ngăn nắp, từng được Hoàng Đế mời vào dạy cho Thái Tử. Trần Cụ đã không quyết thì thôi, chớ khi đã quyết làm thì khó mấy cũng làm, đã quyết không làm thì dầu đến chết vẫn không màng nghĩ tới. Sự cẩn thận và cứng nhắc quá đáng ấy khiến ông trở thành một người gàn lúc nào cũng không hay. Có một câu chuyện khá độc đáo về nhân vật Trần Cụ đã được sách Đại Việt sử ký toàn thư(bản kỷ, quyển 6, tờ 21-a) chép lại như sau:
“Trần Cụ người vùng Cứu Liên, nhưng lại có mối hận lớn với Cứu Liên, nên thề rằng sẽ không bao giờ đặt chân lên đất ấy nữa. Sau, nếu Trần Cụ có trở về thăm nhà ở Cứu Liên thì chỉ đi thuyền, hết thuyền thì lên kiệu đi vào cửa, tới giường mới chịu xuống, mọi việc thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường, khi nào chơi xem vườn thì sai khiêng giường đi, hết hứng thì lại trở về, lại lên kiệu, lại xuống thuyền... cứ thế cho đến tận khi hết đời, không hề dẫm một bước lên đất Cứu Liên. Ông giữ lòng bền rắn một mực như vậy. Xưa gọi thế là người gàn”.
Lời bàn: Chẳng phải chỉ người xưa mà người nay cũng cho vậy là gàn, gàn hết cỡ. Dân làng Cứu Liên đương thời có thể rộng lòng bỏ qua cho Trần Cụ nhưng dân ngoài làng Cứu Liên cùng tất cả hậu thế ắt hẳn khó có thể hiểu cho sự gàn cỡ này. Có lẽ cũng vì thế mà sử chép lại chuyện này chăng?
Giận một người hay giận một nhóm người nào đó ở quê nhà thì còn có thể cảm thông được chứ giận luôn cả đất quê, giận đến mức không thèm giẫm chân xuống đất nữa thì… lạy cụ, đừng tưởng như thế là chân của cụ sẽ sạch hơn. Hậu thế đọc sử, thấy chân cụ lòng thòng giữa những hàng chữ, dính toàn mấy thứ khó nói lắm. Có mấy đứa trẻ tính lấy nước dội chân cho cụ nhưng hậu thế ngăn lại, bởi vì chúng lấy nước giếng khoan, tức là nước ngầm ở dưới đất. Hậu thế thấy không thể vì đất này rất giống đất Cứu Liên, lỡ đang dội mà cụ biết được, tức lên rồi đưa chân đá cho một cái, rách toạc cả trang sách cổ này thì nguy. Thôi, cứ để chân cụ dơ mãi với đời vậy.