Vật lộn tìm giải pháp chung

Linh Anh 27/07/2022 06:13

Ngày 26.7, giờ địa phương, Bộ trưởng Năng lượng của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga, đồng thời xoa dịu những người tiêu dùng đang căng thẳng, lo lắng ở trong nước.

Kiếm tìm đồng thuận

Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ bàn bạc về kế hoạch của của Ủy ban châu Âu nhằm cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt của khối trong những tháng tới. Khối liên minh lá cờ xanh đang chuẩn bị cho khả năng Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, và châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt hơn vì thiếu năng lượng sưởi ấm, khiến nhiều quốc gia như Đức bị ảnh ảnh hưởng mạnh do có nền kinh tế đặc biệt, nhập khẩu tới 40% khí đốt từ Nga. Trong khi đó, một số quốc gia EU khác như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vốn ít phụ thuộc vào khí đốt của Nga, lại không muốn buộc người dân của họ phải cắt giảm nhiều như vậy.

Cho đến nay, Nga đã ngừng hoặc giảm lượng khí đốt cho hàng chục nước EU. Hôm 25.7, Nga cho biết sẽ cắt giảm dòng chảy khí tự nhiên qua một đường ống chính đến Đức kể từ ngày 27.7, xuống còn 20% công suất so với 40% trước đó. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 25.7 cho biết, việc Nga giảm lưu lượng khí đốt là do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các nhà quan sát châu Âu nhận định, việc cắt giảm qua đường ống Nord Stream 1 tiếp tục gây nguy hiểm cho các mục tiêu lấp đầy các bể chứa khí đốt của châu Âu cho mùa Đông khi các đặc phái viên mặc cả các kế hoạch của EU. Những kho dự trữ này cũng đóng vai trò như một bộ đệm cho phép khí đốt di chuyển qua biên giới trong EU để bảo đảm tất cả các quốc gia thành viên có đủ nguồn cung.

Theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Eric Mamer, “đầu tiên và quan trọng nhất” là sự cần thiết phải để các quốc gia EU chịu trách nhiệm quyết định khi nào việc cắt giảm như vậy trở thành bắt buộc. Việc nhường một số quyền hạn của họ về chính sách năng lượng cho các quan chức EU ở Brussels từ lâu đã trở thành vấn đề nan giải ở thủ đô một số quốc gia. Tuần trước, các quan chức Hungary có mặt tại Moscow, được cho là tìm kiếm nguồn năng lượng nhập khẩu bổ sung. Thực tế, phải mất nhiều tuần tranh cãi, EU mới đạt được thỏa thuận cắt giảm hầu hết dầu mỏ của Nga, nhưng khối này vẫn phải đưa ra điều khoản miễn trừ cho phép một số nước như Hungary tiếp tục nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn trên đất liền.

Trong khi đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho rằng, việc cắt giảm bắt buộc là một động thái không thông minh. Hai nước lưu ý rằng họ sử dụng rất ít khí đốt của Nga so với các nước như Đức và Italia, cũng như có rất ít kết nối năng lượng liên kết giữa họ với phần còn lại của châu Âu.

Trong cuộc thảo luận hôm đầu tuần trước thềm cuộc họp khẩn cấp, các đặc phái viên châu Âu xem xét các trường hợp miễn trừ cho các quốc đảo không kết nối với các mạng lưới khác, cho các quốc gia Baltic có liên kết chặt chẽ với lưới điện của Nga hoặc các quốc gia có ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều về nhập khẩu khí đốt. Mục đích là để tìm ra một giải pháp phù hợp cho tất cả.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Nhiệm vụ không dễ dàng

Việc giảm sử dụng khí đốt của EU xuống 15% trong khoảng thời gian từ tháng 8 tới đến tháng 3 năm sau sẽ không dễ dàng. Ủy ban châu Âu báo hiệu mục tiêu đề xuất sẽ yêu cầu các nước EU nói chung tăng gấp ba lần mức cắt giảm mà họ đã đạt được kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine hôm 24.2. Nhiệm vụ khó khăn đó khiến nhiều người châu Âu lo ngại, châu lục này sẽ thể hiện sự thiếu đoàn kết trước con mắt theo dõi với phần còn lại của thế giới.

Vì vậy, kế hoạch của Ủy ban châu Âu kêu gọi các quốc gia EU đồng lòng sát cánh, với cam kết hỗ trợ cho những quốc gia gặp khó khăn nhiều nhất. Lý do mà EU đưa ra là nền kinh tế của khối hội nhập sâu rộng tới mức một đòn giáng mạnh vào một quốc gia thành viên cũng là đòn giáng vào tất cả các quốc gia trong khối. Điều này đặc biệt đúng vì Đức - quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong cuộc chiến khí đốt với Nga - là đầu tàu kinh tế của châu lục. Không giống như các biện pháp trừng phạt và cấm vận dầu mỏ một phần mà EU áp đặt với Nga, vốn đòi hỏi sự nhất trí, kế hoạch bảo tồn khí đốt nói trên chỉ cần “đa số phiếu ủng hộ”, tức là cần 15 quốc gia thành viên đại diện cho 65% dân số EU.

Trong thời gian chiến tranh Nga - Ukraine, EU đã thông qua các lệnh cấm đối với than cũng như hầu hết dầu mỏ của Nga, vốn có hiệu lực vào cuối năm nay, nhưng không bao gồm khí tự nhiên vì liên minh lá cờ xanh phụ thuộc vào khí đốt để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà trong mùa Đông giá rét.

Mục đích của các đề xuất của Ủy ban là bảo đảm trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên, các ngành công nghiệp và dịch vụ thiết yếu như bệnh viện có thể hoạt động, trong khi các ngành khác sẽ phải cắt giảm. Điều đó có thể bao gồm việc giảm nhiệt trong các tòa nhà công cộng và kêu gọi các hộ gia đình tiết giảm sử dụng năng lượng ở nhà.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, nhưng sau đó Moscow đã giảm 1/3 nguồn cung vào tháng 6. Thông thường, các cơ sở dự trữ khí đốt ở châu Âu gần như được lấp đầy vào thời điểm này, nhưng hiện giờ chúng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và cuộc sống của người dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vật lộn tìm giải pháp chung
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO