Ủy ban Giám sát Quốc gia - nhánh quyền lực mới của Trung Quốc

- Chủ Nhật, 18/09/2022, 06:35 - Chia sẻ

Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) được thành lập trong một loạt cải cách đối với hệ thống chống tham nhũng của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội, ngang hàng với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và được giao quyền hạn rất lớn, lần đầu tiên hình thành một nhánh quyền lực mới tại Trung Quốc bên cạnh các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, NCS được mệnh danh là "siêu cơ quan chống tham nhũng" tại Trung Quốc.

Ông Dương Hiểu Độ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII của Trung Quốc tháng 3.2018 - Tân Hoa Xã
Ông Dương Hiểu Độ được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII của Trung Quốc tháng 3.2018. Nguồn: Tân Hoa Xã

Nguồn gốc NSC bắt nguồn từ hệ thống giám sát của đế chế Trung Hoa có nguồn gốc từ triều đại nhà Tần và nhà Hán. Hệ thống này đã hoạt động hơn hai nghìn năm. Tên và cấu trúc của các văn phòng giám sát có thể khác nhau giữa các triều đại. Tuy nhiên, chúng đều có chung giá trị. Trong nhiều thế kỷ, các văn phòng này nhằm duy trì công lý, thực thi kỷ luật và giám sát đạo đức của quan lại triều đình. Để đạt được mục tiêu, các quan chức định kỳ điều tra, tiến hành các chuyến giám sát và báo cáo các trường hợp bị luận tội lên hoàng đế.

Hoàn cảnh ra đời

Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, mặc dù một số cơ chế nội bộ của Đảng Cộng sản đã được thể chế hóa để chống tham nhũng dưới một số hình thức, nhưng rõ ràng là chúng chưa hiệu quả trong việc kiềm chế tham nhũng có hệ thống và thiếu cơ sở pháp lý. Chẳng hạn cơ quan chính được giao nhiệm vụ chống tham nhũng khi đó là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), là một cơ quan Đảng, không phải Nhà nước.

Trước chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, các hành vi phạm tội thường bị truy tố theo chỉ đạo của chính quyền địa phương thông qua sự kiểm soát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật địa phương (CDI) và các cơ quan kiểm sát. Trong khi về mặt lý thuyết, các cơ quan này báo cáo cấp ủy cấp trên của họ ở cấp quản lý cao hơn tiếp theo (tức là cơ quan thành phố sẽ báo cáo với tỉnh, cơ quan cấp tỉnh sẽ báo cáo với CCDI). Nhưng trên thực tế các CDI địa phương chịu trách nhiệm báo cáo cho các lãnh đạo đảng địa phương, vì họ kiểm soát ngân sách, nhân sự và nguồn lực của các tổ chức này. Điều đó thường dẫn đến quá trình thực thi quyền lực một cách tùy tiện và không giải quyết được vấn nạn tham nhũng.

Vào cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát đã bắt đầu các sáng kiến ​​thí điểm ở Sơn Tây, Bắc Kinh và Triết Giang. Trưởng Ban Kiểm tra Kỷ luật cấp tỉnh bắt đầu kiêm nhiệm chức vụ Trưởng các Ủy ban Giám sát địa phương.

Việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia nhằm tập trung các nguồn lực chống tham nhũng của các cơ quan trung ương và nhằm hạn chế sự can thiệp của địa phương vào các nỗ lực chống tham nhũng. Cục Chống tham nhũng quốc gia trước đây và Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát đều được gộp lại thành một cơ quan duy nhất.

Quá trình thành lập

Sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại Bắc Kinh, tỉnh Triết Giang, Sơn Tây và Quảng Đông, tháng 2.2018, một văn bản sửa đổi Hiến pháp đã đề xuất Trung Quốc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC) tại 3 cấp hành chính của toàn quốc để tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác phòng, chống tham nhũng; kiện toàn tập trung thống nhất cơ quan phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện giám sát toàn diện đối với nhân viên công chức thực thi công vụ, bảo đảm cán bộ, công chức thực hiện chức trách theo pháp luật, chí công vô tư và điều tra xử lý cán bộ, công chức phạm tội tham nhũng và chức vụ để kết luận, chuyển truy tố, xét xử.

Ngày 11.3.2018, Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Khóa XIII đã thông qua “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” sửa đổi, theo đó đã bổ sung vào Chương 3 (Cơ cấu Nhà nước) nội dung về Ủy ban Giám sát (từ Điều 123 đến Điều 127); thông qua Luật Giám sát của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (gồm 9 chương, 69 điều) quy định về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, bộ máy... của Ủy ban Giám sát để làm cơ sở cho Ủy ban Giám sát hoạt động trên thực tế.

Địa vị pháp lý

Theo các văn bản này, Ủy ban Giám sát Quốc gia có cấp bậc ngang hàng với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ủy ban Giám sát Nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có cùng một sở quan để làm việc công, thuật ngữ Hán - Việt trong chính trị Trung Quốc gọi nó là “hợp thự bạn công”.

NCS do Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thành lập, phụ trách công tác giám sát các cơ quan công quyền; giữ trách nhiệm và chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiệm kỳ của NCS tương đồng với nhiệm kỳ mỗi khóa của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát không được tại chức liên tục quá hai khóa. Ngoài ra còn có một số Phó Chủ nhiệm và Ủy viên. Chủ nhiệm do Quốc hội bầu, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên do Chủ nhiệm Ủy ban đề xuất lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Cũng tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, ông Dương Hiểu Độ - Bí thư Ban Bí thư kiêm Bộ trưởng Bộ Giám sát Quốc gia được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc.

Nhiệm vụ, quyền hạn

Cơ quan giám sát chiếu theo quyền hạn quản lý, tiến hành giám sát các đối tượng công chức được liệt kê dưới đây:

Nhân viên công vụ của cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan Quốc hội, cơ quan hành chính, cơ quan Chính hiệp Toàn quốc, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát, cơ quan Hội Liên hợp Công thương toàn quốc cùng các viên chức dựa theo "Luật nhân viên công vụ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Nhân viên công vụ trong các tổ chức do pháp luật, văn bản pháp quy trao quyền hoặc được cơ quan nhà nước dựa theo pháp luật mà ủy thác quản lý sự vụ công cộng;

Nhân viên quản lý doanh nghiệp nhà nước;

Nhân viên quản lý trong các đơn vị như giáo dục công lập, nghiên cứu khoa học, văn hóa, vệ sinh y tế, thể dục…

Nhân viên quản lý sự vụ tập thể có tính quần chúng tập thể cơ bản;

Nhân viên khác thi hành công vụ dựa theo pháp luật.

Cơ quan giám sát cấp trên xử lý công việc giám sát của cơ quan giám sát dưới một cấp. Trong trường hợp cơ quan giám sát cấp dưới nhận thấy nhiệm vụ giám sát phức tạp, khó xử lý có thể đề đạt, chuyển cho cơ quan giám sát cấp trên quản lý.

Kể từ khi thành lập, NCS đã chứng tỏ tính hiệu quả trong hoạt động của mình, cùng với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trở thành một công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc.

Trong một báo cáo hàng tháng mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia (NCS) cho biết, tổng cộng 8.185 quan chức Trung Quốc đã bị trừng phạt trong tháng 7 vì vi phạm bộ quy tắc 8 điểm của nước này về cải thiện ứng xử của Đảng và chính phủ.

CCDI và NCS cho biết, các quan chức này có liên quan đến 5.434 vụ và 5.626 cá nhân trong số đó đã bị kỷ luật hoặc xử phạt hành chính. Tổng cộng có 4.007 cá nhân bị xử phạt vì tham gia vào chủ nghĩa quan liêu. 4.178 quan chức đã bị xử phạt vì vi phạm đạo đức, bao gồm cả việc tặng hoặc nhận quà, nhận các khoản phụ cấp hoặc tiền thưởng trái phép.

Vào cuối năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành bộ quy tắc 8 điểm về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Quỳnh Vũ