Quan hệ Việt Nam - New Zealand

Từ quan hệ đối tác chiến lược đến hình mẫu trong quan hệ nghị viện

- Thứ Ba, 29/11/2022, 05:11 - Chia sẻ

Sau 47 năm, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, xác lập mối quan hệ “đối tác toàn diện” vào năm 2009, và sau đó nâng cấp lên “đối tác chiến lược” năm 2020; mối quan hệ giữa Việt Nam - New Zealand ngày càng được củng cố và tăng cường với việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trên cả bình diện song phương và đa phương; trong đó mối quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp đang tìm được một chỗ đứng vững chắc.

Khói đại bác Auckland và bước đi quan trọng

Ngày 24.5.1854, 21 phát đại bác rền vang đã chào mừng Nghị viện đầu tiên của New Zealand được thành lập ở Auckland, các thành viên đầu tiên của Nghị viện tuyên thệ nhậm chức trong bầu không khí tưng bừng khi New Zealand đã có bước đi quan trọng trong lịch sử.

Từ quan hệ đối tác chiến lược đến hình mẫu trong quan hệ nghị viện -0
Khuôn viên Nghị viện New Zealand. Nguồn: Expedia

New Zealand, còn có tên khác là Aotearoa (có nghĩa “miền đất mây trắng”), nơi mà thổ dân Maori sinh sống đầu tiên vào khoảng năm 800 sau công nguyên. Tên gọi này đã toát lên vẻ đẹp của đất nước cùng với lòng tự hào của người dân nơi đây.

Nhìn lại lịch sử, khoảng năm 1300, người châu Á từ phía Đông đặt chân tới New Zealand và trở thành những thổ dân đầu tiên ở đất nước này - nay gọi là người Maori. Năm 1769, nước Anh mới biết tới New Zealand nhờ chuyến thám hiểm của thuyền trưởng Jame Cook. Kể từ đó, cuộc đấu tranh dai dẳng của người bản địa Maori với người Anh đến định cư diễn ra gần một thế kỷ.

Cuối cùng, hai bên đã thỏa hiệp và ký Hiệp định Waitangi ngày 6.2.1840, theo đó người Maori công nhận việc Hoàng gia Anh bảo hộ New Zealand để đổi lại việc Hoàng gia Anh thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người Maori. Một Chính phủ đại diện cho thuộc địa được thành lập vào năm 1852 và Nghị viện đầu tiên của New Zealand ra đời 2 năm sau đó. Phiên khai mạc Nghị viện New Zealand diễn ra ngày 27.5.1854 trong một tòa nhà chật hẹp ở ngoại ô Auckland. Tòa nhà này thậm chí thiếu cả cơ sở vật chất cơ bản nhất và được đặt tên là “Shedifice”.

Năm 1865, Nghị viện đã chuyển đến Wellington. Từ 1854 đến 1951, Nghị viện New Zealand bao gồm Thống đốc (được gọi là Toàn quyền từ năm 1917); Hạ viện (Viện Dân biểu); Hội đồng Lập pháp. Và Chính phủ đã được thành lập với sự ủng hộ của đa số trong Hạ viện. Đến năm 1951, Hội đồng Lập pháp bị bãi bỏ và Nghị viện đã được định hình là Nghị viện đơn viện như hiện nay.

Từ 1951 đến nay, Nghị viện New Zealand đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ. Hạ viện đầu tiên chỉ có 37 thành viên và Hội đồng Lập pháp có 14 thành viên. Ngày nay, Hạ viện có 120 thành viên, trong đó Công đảng của Thủ tướng Jacinda Ardern chiếm 64 ghế. Nghị viện thuở ban đầu cũng chỉ đến để họp mỗi năm vài tháng, còn bây giờ làm việc cả năm, là cơ quan đại diện cao nhất của người dân.

Nét văn hóa trong ngôn ngữ Nghị viện

Một trong những nét đặc sắc của Nghị viện New Zealand là ngôn ngữ được sử dụng trong Nghị viện, trong đó, tiếng Anh và tiếng thổ dân Maori là ngôn ngữ chính thức.

Tiếng thổ dân lần đầu tiên được cất lên tại diễn đàn của cơ quan lập pháp vào năm 1868, khi những nghị sĩ người Maori đầu tiên trúng cử. Do những nghị sĩ này không biết tiếng Anh hoặc vốn tiếng của họ rất kém, nên họ thường phát biểu bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, gây khó khăn trong trao đổi giữa các nghị sĩ. Khoảng những năm 1880, có 3 phiên dịch viên phục vụ trong cơ quan lập pháp để phiên dịch cho các nghị sĩ thổ dân; dịch các dự thảo luật cũng như các văn bản, tài liệu liên quan đến công tác lập pháp…

Năm 1985, cùng với tiếng Anh, tiếng Maori trở thành ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong Nghị viện New Zealand. Đến năm 1997, lần đầu tiên trong nhiều thập niên trước đó, Nghị viện có thông dịch viên làm việc trực tiếp tại các phiên làm việc của cơ quan lập pháp.

Các phiên thảo luận của Nghị viện New Zealand thường rất sôi nổi, có những cuộc tranh luận căng thẳng và gay cấn. Để tránh việc các nghị sĩ sử dụng những từ ngữ không thích hợp hay công kích cá nhân giữa các phe đối đầu trong khi tranh luận, Nghị viện đã đề ra quy định về vai trò điều hành của Chủ tịch Nghị viện tại các phiên thảo luận của Nghị viện, kèm theo đó là danh sách liệt kê những từ, cụm từ và câu mà các nghị sỹ chỉ được phép dùng trong những ngữ cảnh nhất định.

Khuôn viên Nghị viện của nhạc và họa

Tòa nhà Nghị viện New Zealand nói chung và khuôn viên Nghị viện nói riêng là những công trình kiến trúc di sản, tác phẩm điêu khắc, là nơi của nhạc và họa.

Chiếm phần lớn mặt tiền Nghị viện là hàng cột cẩm thạch. Phần đế làm bằng đá granite Coromandel và phần cẩm thạch lấy từ thị trấn Takaka. Các cột đá này được trùng tu trong giai đoạn 1992 - 1995. Quốc huy New Zealand được khắc vào phiến đá cẩm thạch đặt trên cánh cổng bằng đồng ở lối vào Nghị viện.

Quốc kỳ New Zealand được treo ở cột cờ trung tâm trên tòa nhà giữa của Nghị viện trong những ngày Nghị viện làm việc. Cờ được thay thế bằng 3 ngọn đèn khi Nghị viện làm việc buổi tối.

Trước mặt Thư viện là vườn hồng và ngay cạnh là bờ dậu trồng hoa trà Kate Sheppard. Tên loại trà này được đặt theo tên nhà hoạt động nữ quyền ở thế kỷ XIX - XX.

Trong khuôn viên Nghị viện đặt hai bức tượng của các cố Thủ tướng New Zealand. Tượng của cố Thủ tướng Richard Seddon (1893 - 1906), đặt bên ngoài tòa nhà Nghị viện, được tạc bằng đồng, do nghệ sĩ điêu khắc người Anh Sir Thomas Brock thực hiện năm 1915.

Bức tượng thứ hai là của cố Thủ tướng John Balance hồi thế kỷ XIX, đặt bên ngoài Thư viện của Nghị viện. Đây là tác phẩm bằng cẩm thạch, được khánh thành năm 1897, ban đầu được đặt ở bãi cỏ trước tòa nhà Nghị viện hồi trước Thế chiến I.

Ngoài ra, công chúng có thể chú ý đến tấm biển kỷ niệm 200 năm ngày Thuyền trưởng James Cook lần đầu tiên đặt chân đến New Zealand năm 1769, đặt ở phía trước Tòa nhà Tổ ong.

Khuôn viên Nghị viện cũng được nhiều nghệ sĩ chọn làm nơi biểu diễn hoặc diễn thuyết. Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng là nhạc công Piccolo Charlie thường lui tới đây khoảng những năm 1890 - 1900. Ông Charlie thường đứng ở cuối phố Molesworth và chơi những bản nhạc về giới chính trị gia khi các nghị sĩ đi qua, trong đó nổi tiếng là các tác phẩm như “Hard times come again no more” dành cho Thủ tướng thứ 17 của New Zealand Joseph Ward; “The wearing of the green” dành cho Richard Seddon… 

Từ “đối tác toàn diện” đến “đối tác chiến lược”

Cách xa về địa lý nhưng Việt Nam và New Zealand đã có quan hệ ngoại giao từ rất sớm. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19.6.1975, nhưng từ giữa thập niên 1990 mối quan hệ này mới thật sự được quan tâm thúc đẩy và nhanh chóng phát triển vượt bậc về mọi mặt trong những năm gần đây. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện từ tháng 9.2009.

Trong những năm gần đây quan hệ hai nước phát triển nhanh, mạnh, thể hiện mức độ gắn kết ngày càng gia tăng thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn cũng như giao lưu nhân dân.

Năm 2015, hai bên ra Tuyên bố chung về tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện hướng tới Đối tác Chiến lược.

Hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược nhân dịp Hội đàm cấp cao trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vào tháng 7.2020 và ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược 2021 - 2024 vào tháng 12.2021.

Xây dựng “hình mẫu trong quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp”

Song song với mối quan hệ giữa hai nhà nước, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện New Zealand đã phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương. Quốc hội Việt Nam Khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - New Zealand và Quốc hội New Zealand đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với Quốc hội các nước trong khu vực và Quốc hội Việt Nam.

Trong cuộc hội kiến Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội Việt Nam và New Zealand đang thúc đẩy để xây dựng quan hệ nghị viện hai nước thành một trong những hình mẫu trong quan hệ nghị viện trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường trao đổi đoàn các cấp và các kênh, trong đó có kênh Quốc hội để gia tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; đẩy mạnh giao lưu nhân dân thông qua việc tăng cường các hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, lao động, du lịch, hàng không... Hai bên phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của các Hội Hữu nghị và các Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị hai nước; đẩy mạnh việc trao đổi Đoàn giữa các cơ quan của Quốc hội để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, bám sát Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand giai đoạn 2021 - 2024 và các thỏa thuận vừa được ký trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand. Quốc hội hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) và Nghị viện Á - Âu (ASEP).

Đạt Quốc