Tu chính án thứ 14 sẽ thực sự giúp tháo gỡ khủng hoảng trần nợ công ở Mỹ?

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 06:19 - Chia sẻ

Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Cộng hòa vẫn còn tranh cãi chưa ngã ngũ về việc nâng giới hạn vay nợ của Chính phủ nhằm tránh thảm cảnh vỡ nợ, một ý tưởng giải quyết khủng hoảng trần nợ công đã được đưa ra là viện dẫn Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ. Liệu đây có phải là giải pháp cứu cánh cho tình hình căng thẳng hiện nay?

Ý tưởng có từ lâu

Theo Al Jazeera, Mục 4 của Tu chính án thứ 14 (hay còn gọi là điều khoản nợ công) quy định rằng, “Tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ… sẽ không bị nghi ngờ”. Một số chuyên gia pháp lý lập luận, theo câu chữ đó, việc Mỹ vỡ nợ sẽ là điều vi hiến. Chính vì thế, ông Biden, với cương vị tổng thống, có nghĩa vụ vô hiệu hóa quy định về trần nợ công và vay thêm tiền để trả nợ, nếu Quốc hội không tăng giới hạn nợ. Ông có thể yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục phát hành trái phiếu và tiếp tục thanh toán các hóa đơn của Chính phủ.

Hiến pháp Mỹ . Nguồn: Getty images
Hiến pháp Mỹ . Nguồn: Getty images

Thực tế, ý tưởng viện dẫn Tu chính án thứ 14 theo cách này từng được đưa ra ngay sau cuộc nội chiến ở Mỹ (diễn ra trong giai đoạn 1861 - 1865), chủ yếu là để giải quyết các khoản nợ phát sinh sau đó và chưa từng được được thử nghiệm trong thời hiện đại. Tuy nhiên, nó đã nổi lên như chiến lược cuối cùng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trong trường hợp các cuộc đàm phán giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thất bại.

Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay trên chính trường Mỹ về trần nợ công, Tu chính án thứ 14 đang được đưa vào xem xét. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nhiều lần cảnh báo, Bộ này có thể cạn tiền để thanh toán các hóa đơn ngay sau ngày 1.6 nếu Quốc hội không hành động để tăng trần nợ.

Đầu tháng này, hàng chục đảng viên Dân chủ đã gửi thư tới Tổng thống Biden kêu gọi ông xem xét viện dẫn Tu chính án thứ 14. Bức thư có đoạn viết: “Nếu các lựa chọn là vừa đồng ý cắt giảm mạnh các ưu tiên trong nước trước mối đe dọa phá hủy nền kinh tế của đảng Cộng hòa và vừa tiến lên phía trước để tôn trọng các khoản nợ của Mỹ, thì chúng tôi cùng với nhiều học giả luật, nhà kinh tế học, cựu quan chức ngân sách và một cựu tổng thống ủng hộ việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp”.

Bản thân, người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã đề cập đến ý tưởng này. Ông từng chia sẻ về việc “đang xem xét Tu chính án thứ 14” khi đang tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G7 ở Nhật Bản vào tuần trước. “Về việc chúng tôi có thẩm quyền hay không, tôi nghĩ chúng tôi có thẩm quyền”, ông khẳng định.

Giải pháp “cực chẳng đã”

Mặc dù Tu chính án thứ 14 có thể được coi là giải pháp, song vì sao nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn luôn do dự và thực tế chưa nhà lãnh đạo nào viện dẫn đến nó khi cân nhắc đến những hậu quả có thể có sau đó.

Ông Bernard Yaros, trợ lý giám đốc tại Moody's Analytics, cho biết Tổng thống Biden sẽ chỉ “cực chẳng đã” đi theo con đường này nếu hoàn toàn không có đột phá. “Trong viễn cảnh đen tối đó, đây là giải pháp khả thi nhất”, ông nói.

Viện dẫn Tu chính án thứ 14 sẽ chấm dứt giới hạn nợ và cho phép Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán đầy đủ. Nhưng theo Giáo sư Rebecca Zietlow tại Đại học Luật Toledo, do việc viện dẫn cho trường hợp này chưa từng có tiền lệ, nhiều người lo ngại nó có thể để lại hậu quả pháp lý và kinh tế. Thực tế, đảng Cộng hòa có thể sẽ phản đối động thái như vậy tại Tòa án Tối cao, dẫn đến một cuộc khủng hoảng Hiến pháp và nhiều tuần nước Mỹ rơi vào tình trạng không chắc chắn trong khi vấn đề được xem xét.

Ông Yaros phát biểu: “Chúng tôi đang nói về ít nhất một tháng đầy biến động, không chắc chắn và tác động đến nền kinh tế sẽ đặt Mỹ dưới lưỡi dao của một cuộc suy thoái”. “Chúng ta không cần cú sốc nào nữa, đặc biệt là cú sốc như thế này,” ông nói thêm.

Theo Yaros, nếu tòa án ra phán quyết ủng hộ việc Nhà Trắng viện dẫn Tu chính án thứ 14, nó sẽ chấm dứt hiệu quả giới hạn nợ. Trong quá trình này, nó cũng sẽ chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng trần nợ làm đòn bẩy chính trị. Tuy nhiên, động thái như vậy cũng sẽ khiến cuộc chiến giành nguồn tài chính cho Chính phủ suốt năm tài khóa 2024 trở nên “căng thẳng hơn nhiều”, làm tăng nguy cơ Chính phủ đóng cửa kéo dài vào mùa Thu.

Có câu hỏi được nêu ra là, việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 có hợp pháp? Nó phụ thuộc vào đối tượng hỏi là ai. Một số chuyên gia cho rằng, động thái như vậy thực sự sẽ vi hiến vì Quốc hội nắm quyền chi tiêu.

Ông Philip Wallach, thành viên cấp cao về các vấn đề chính sách điều tiết tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một tổ chức tư vấn trung hữu có trụ sở tại ở Washington, DC, nói với tờ Wall Street Journal rằng: “Việc chính quyền của Tổng thống Biden thậm chí tán dương ý tưởng này thực sự cho thấy, sự trung thành của họ đối với Hiến pháp là đáng nghi ngờ”. Ông khẳng định, động thái đó sẽ tạo cơ hội cho khả năng lạm dụng quyền lực của Tổng thống bằng cách cho phép cơ quan hành pháp qua mặt Quốc hội.

Ngược lại, bà Anna Gelpern, giáo sư luật tại trường Georgetown Law, không đồng tình. Theo bà, “Hiến pháp yêu cầu tổng thống thực hiện những cam kết trước Quốc hội. Nếu ông ấy phải vay mượn để thực hiện thì cũng phải làm thôi. Tu chính án thứ 14 bảo vệ khoản nợ mới khỏi những phản đối trước tòa án đối với tính hợp lệ của nó”. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders chia sẻ quan điểm tương tự. Theo ông, Tổng thống Biden có thẩm quyền và trách nhiệm theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp để tránh vỡ nợ. Mục 4 của bản sửa đổi phải được sử dụng để “tiếp tục thanh toán hóa đơn đúng hạn và không chậm trễ, ngăn chặn thảm họa kinh tế cũng như cắt giảm lớn đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, liên quan đến khả năng sử dụng Tu chính án thứ 14, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Yellen cho rằng, vay vượt quá giới hạn nợ do Quốc hội đặt ra là trái pháp luật. Nhưng việc không đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu của Quốc hội có thể là vi phạm nghiêm trọng hơn. Sự mâu thuẫn trong luật này tồn tại bởi vì Tu chính án thứ 14 đã được tạo ra từ lâu, trước khi trần nợ công ra đời và được bổ sung vào Hiến pháp năm 1917.

Tuy nhiên, tín hiệu khả quan đang le lói khi các đại diện của Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tiếp tục cuộc đàm phán về trần nợ vào ngày 24.5. Theo Reuters, hai bên đều khẳng định đàm phán “đạt được một số tiến bộ”. Ông McCarthy dự đoán, cả hai sẽ đạt được thỏa thuận mặc dù còn “một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết”. Trong khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean - Pierre cũng nhận định tương tự, “nếu các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra một cách thiện chí”.

Thái Anh