Từ bất ổn chính trường Italy đến khủng hoảng chính trị châu Âu

- Thứ Tư, 20/07/2022, 06:21 - Chia sẻ

Việc Thủ tướng Mario Draghi đệ đơn xin từ chức dù đang có vị trí vững chắc tại Quốc hội đã khiến cho chính trường Italy bất ngờ rơi vào khủng hoảng. Tình trạng bất ổn tại Italy sẽ tác động lớn đến châu Âu, đặc biệt sau khi Anh rời EU và châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức - Pháp - Italy làm trụ cột.  

Bước ngoặt nào cho chính trường Italy?

Thủ tướng Italy Mario Draghi đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella cuối tuần trước nhưng Tổng thống Sergio Mattarella đã bác đơn từ chức, đồng thời yêu cầu ông Mario Draghi trình bày trước Nghị viện Italy trong tuần này để tất cả cùng đánh giá lại tình hình, tìm giải pháp hợp lý. Theo kế hoạch, ông Mario Draghi sẽ có bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện Italy vào ngày 20.7, đây cũng sẽ là thời điểm rất được chờ đợi vì tại đó Thủ tướng Italy sẽ tái khẳng định mong muốn từ chức hay chấp nhận tiếp tục điều hành Chính phủ theo các phương án thỏa hiệp mới.

Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Nếu viễn cảnh Thủ tướng Mario Draghi vẫn cương quyết rời khỏi Chính phủ sẽ gây ra nhiều bất ổn không chỉ đối với sự ổn định của Italy mà còn đối với những vấn đề lợi ích chung hiện nay của phương Tây. Vì vậy, mọi nỗ lực cả trong nước và quốc tế đang được các lực lượng chính trị Italy gấp rút thúc đẩy nhằm tránh để xảy ra kịch bản này.

Lần khủng hoảng chính trị tại Italy này đã chính thức được đánh dấu từ sau cuộc bỏ phiếu của thượng viện hôm 14.7, liên quan dự luật hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá cả leo thang. Mặc dù dự luật vẫn được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 172 phiếu thuận so với 39 phiếu chống, song việc Phong trào 5 Sao (M5S) - đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, không ủng hộ cuộc bỏ phiếu này chính là yếu tố quyết định khiến Thủ tướng Mario Draghi nộp đơn xin từ chức. Ông cho rằng, các lá phiếu được bỏ phiếu tại quốc hội rất có ý nghĩa về quan điểm chính trị, và phần lớn sự đoàn kết dân tộc ủng hộ chính phủ này kể từ khi được thành lập hiện đã không còn nữa.

Chính phủ đoàn dân tộc do Thủ tướng Mario Draghi lãnh đạo quy tụ hầu hết các đảng chính trị có mặt trong quốc hội, được thành lập từ tháng 2.2021. Vai trò đóng góp cá nhân, cũng như năng lực điều hành của Thủ tướng Italy Mario Draghi với Chính phủ Italy hiện nay được thể hiện rõ qua những dấu ấn nổi bật được ghi nhận cả trong và ngoài nước. Song, với tính chất là một liên minh mở rộng, những khác biệt và bất đồng vốn đã tồn tại, càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây. Một số đảng thành viên chủ chốt như M5S, đảng Dân chủ (PD), đảng Liên đoàn (Lega) thường xuyên bất đồng quan điểm liên quan các đề xuất chính sách ngay từ khi mới được thảo luận trong nội bộ chính phủ. Trong đó, dự luật cứu trợ (Aiuti) gần đây được đa số liên minh ủng hộ song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp với giá trị nền tảng của đảng.

Hơn nữa, một yếu tố khác cũng góp phần đẩy cao căng thẳng giữa M5S với Chính phủ Italy là việc Ngoại trưởng Luigi Di Maio quyết định rời khỏi M5S, và thành lập nhóm chính trị mới trong quốc hội. Đến hôm 6.7, M5S đưa ra yêu sách gồm 9 điểm buộc Thủ tướng Mario Draghi phải thực hiện. Mặc dù ông đã thể hiện sự nhượng bộ nhất định với việc đánh giá các yêu sách của M5S, đồng thời khẳng định những biện pháp hỗ trợ sẽ sớm được triển khai, nhưng M5S cho rằng điều đó vẫn chưa đủ để người dân cảm nhận được tác dụng từ các biện pháp này.

Trước sự lo ngại về việc từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, đại diện các đảng lớn đều khẳng định ủng hộ Thủ tướng, đồng thời cảnh báo tác động nghiêm trọng nếu chính phủ hiện nay sụp đổ. Theo đó, lãnh đạo đảng Italia Viva Matteo Renzi tìm cách vận động đủ 100 nghìn chữ ký cho kiến nghị thư kêu gọi ông Mario Draghi không từ chức. Các thăm dò dư luận tại Italy cũng cho thấy, đa số giới truyền thông cũng như dân chúng Italy vẫn mong muốn ông Mario Draghi tiếp tục công việc. Người dân ủng hộ ông không chỉ vì trong hơn 17 tháng cầm quyền vừa qua ông đã tạo dựng được sự uy tín lớn, mà còn vì đây là thời điểm vô cùng khó khăn với Italy khi phải đối mặt với lạm phát, khủng hoảng năng lượng… nên một cuộc khủng hoảng chính trị vào lúc này sẽ là sẽ khiến cho nền kinh tế Italy rơi vào khủng hoảng nặng nề.

Trên bình diện quốc tế, khủng hoảng chính trị tại Italy là vấn đề quan tâm chung của các nước, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, quyết định sắp tới của Thủ tướng Italy sẽ có thể còn chịu sự tác động đáng kể từ những chuyển biến tiếp theo trong nội bộ chính trường Italy cũng như từ các yếu tố tác động khác ở bên ngoài. Bên cạnh đó, cũng có khả năng ông Mario Draghi sẽ thay đổi quan điểm trước các lời kêu gọi này và chấp nhận tiếp tục làm Thủ tướng thêm vài tháng nữa cho đến khi kết thúc nhiệm vụ hiện nay vào đầu năm 2023 khi Italy tổ chức tổng tuyển cử.

Châu Âu đối mặt với áp lực lớn

Trong bối cảnh châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức - Pháp - Italy làm lãnh đạo trụ cột, sự bất ổn tại Italy sẽ có tác động lớn đến châu Âu. Mặc dù từ trước tới nay, nền chính trị Italy thường có sự thay đổi và có thể nói không có quốc gia nào tại châu Âu thay đổi chính phủ nhiều như Italy, và thông thường những sự bất ổn chính trị như hiện nay sẽ không có nhiều tác động ảnh hưởng đến châu Âu. Song, hiện nay Italy nói riêng và toàn khối nói chung đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ, cùng với đó là nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề nếu Nga cắt khí đốt, và những tác động khác về chính trị - kinh tế - xã hội do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra. Do đó, sự bất ổn chính trị lần này của Italy có nguy cơ tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ EU.

Về mặt kinh tế, theo dự kiến, ngày 21.7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà sụt giảm mạnh của đồng euro từ đầu năm. Nhưng việc nâng lãi suất chỉ đạo của ECB là một hành động rất phức tạp vì cùng với việc nâng lãi suất, ECB cũng phải xây dựng một cơ chế ngăn chặn cách biệt lãi suất huy động quá cao giữa các nước thành viên trong Eurozone, đặc biệt giữa các nước Bắc Âu, Nam Âu mà Italy là điển hình. Ngay sau khi ông Mario Draghi nộp đơn từ chức, lãi suất trái phiếu Chính phủ Italy đã lập tức tăng cao, Italy sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay và làm gia tăng gánh nặng nợ công của nước này. Vì vậy, mọi biến động tài chính liên quan tới việc từ chức của ông Mario Darghi sẽ càng khiến nhiệm vụ điều phối thị trường của ECB phức tạp hơn, đặc biệt hơn nữa khi ông vốn từng là cựu Chủ tịch của ECB và vai trò cá nhân của ông có tác động tương đối lớn trong việc trấn an thị trường tài chính Italy.

Đối với chính trị, Thủ tướng Italy Mario Draghi là một trong những lãnh đạo phương Tây hoạt động tích cực nhất trong việc hỗ trợ Ukraine và thúc đẩy các kế hoạch ứng phó của châu Âu đối với Nga kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Việc ông Mario Draghi quyết định từ chức vào lúc này chắc chắn sẽ gây ra các xáo trộn lớn trong mặt trận đoàn kết, vốn đang chịu nhiều sức ép của các nước châu Âu. Mặc dù những khó khăn mà các chính phủ châu Âu hiện nay đang phải đối mặt không phải đều do cuộc xung độ giữa Nga và Ukraine gây ra, nhưng rõ ràng cuộc xung đột này đã gây ra căng thẳng trên thị trường năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, về nguyên liệu đầu vào, đẩy các nền kinh tế châu Âu vào một chu kỳ khó khăn mới, sau khi tham vọng phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Hiện Thủ tướng Italy Mario Draghi cùng hàng loạt Bộ trưởng quan trọng trong Chính phủ vẫn thực hiện chuyến thăm đến Algeria để thúc đẩy việc ký hợp đồng trị giá 4 tỷ euro mua khí đốt của Algeria nhằm thay thế lượng khí đốt mà Nga có thể sẽ cắt trong thời gian tới. Có thể nói, thời điểm này đang là phép thử lớn cho sức chịu đựng của các nền kinh tế cũng như các xã hội châu Âu.

Như Ý