Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng, khôi phục niềm tin thị trường

- Thứ Sáu, 02/02/2024, 07:36 - Chia sẻ

Bất chấp làn sóng tin tức kinh tế đáng thất vọng gần đây, Trung Quốc có cơ sở để tin rằng mức tăng trưởng 5% vào năm 2024 là hoàn toàn trong tầm tay. Bằng cách thúc đẩy các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng cũng như theo đuổi những cải cách có ý nghĩa, nền kinh tế thứ hai thế giới có thể đảo ngược nguy cơ rơi vào giảm phát và duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Đó là nhận định của chuyên gia Yu Yongding, cựu Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế thế giới Trung Quốc, cựu thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

Trung Quốc bước chân vào năm 2024 với làn sóng dự báo ngày càng bi quan đối với nền kinh tế. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất vừa công bố ngày 30.1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chậm lại còn 4,6% trong năm nay, giảm từ mức 5,4% vào năm 2023. Trong khi đó, xu hướng sụt giảm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục sau khi giá cổ phiếu chạm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Một góc Trung tâm Tài chính Thế giới tại Thượng Hải vào ban đêm. Ảnh: china-admissions
Một góc Trung tâm Tài chính Thế giới tại Thượng Hải vào ban đêm. Nguồn: china-admissions

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tin tưởng, triển vọng kinh tế của Trung Quốc sáng sủa hơn những gì đang thể hiện. Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh sẽ công bố triển vọng kinh tế cho năm 2024 trong Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội tháng 3 tới, hầu hết các nhà kinh tế Trung Quốc đều kỳ vọng họ sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 5%. Với kết quả kinh tế tốt hơn mong đợi của Trung Quốc vào năm 2023, các chuyên gia tin rằng mức tăng trưởng 5% là cần thiết và khả thi.

Xác định động lực từ tiêu dùng và đầu tư

Tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc trong năm 2023, chiếm 82,5% mức tăng GDP. Chính phủ Trung Quốc chưa công bố số liệu tiêu dùng cuối cùng, nhưng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội đóng vai trò là một đại diện hữu ích. Doanh số bán hàng đã tăng 7,2% vào năm ngoái, phản ánh sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng sau khi sụt giảm vào năm 2022. Nhưng việc duy trì đà tăng trưởng này dường như khó xảy ra và nhiều nhà kinh tế Trung Quốc dự đoán tiêu dùng sẽ giảm đáng kể vào năm 2024.

Bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chi tiêu toàn cầu yếu hơn, tăng trưởng xuất khẩu ròng của Trung Quốc giảm 1,3% tính theo Nhân dân tệ vào năm 2023. Do triển vọng kinh tế toàn cầu khó có thể cải thiện vào năm 2024, nên có lý khi nhận định rằng sự đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ không quá lớn. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5%, tăng trưởng từ đầu tư phải có sự bứt phá đáng kể. Tuy nhiên, thực tế đầu tư tài sản cố định (FAI) của Trung Quốc, một đại diện cho sự hình thành vốn, chỉ tăng 3% vào năm 2023, so với 5,1% vào năm 2022.

FAI bao gồm ba loại chính: sản xuất, bất động sản và cơ sở hạ tầng. Trong lĩnh vực sản xuất, một số ngành công nghiệp đã có mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong năm 2023, khi đầu tư vào máy móc và thiết bị điện, dụng cụ và đồng hồ đo, ô tô và công nghệ cao tăng lần lượt là 34,6%, 21,5%, 17,9% và 10,5%. Nhưng mức tăng chung trong đầu tư sản xuất chỉ là 6,3%, so với 9,1% vào năm 2022. Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản giảm 9,1% vào năm 2023 và mặc dù có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn được dự đoán sẽ giảm trong năm nay.

Nếu đầu tư sản xuất không tăng đáng kể và sự phục hồi trong đầu tư bất động sản vẫn chưa ấn tượng, một tính toán sơ bộ - dựa trên dữ liệu có sẵn - cho thấy đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ cần tăng hơn 10% để bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng tiêu dùng. Do đầu tư vào cơ sở hạ tầng chỉ tăng 5,8% vào năm 2023 nên việc đạt được mức tăng trưởng hai con số trong đầu tư đặt ra một thách thức đáng kể.

Kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế

Tuy nhiên, thực tế là nền kinh tế Trung Quốc đang trong thời kỳ gần như giảm phát, với chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất đều ở mức âm. Điều này cho phép các nhà hoạch định chính sách đưa ra các biện pháp kích thích tài chính đáng kể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không phải lo lắng về lạm phát, ở mức ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo ông Yu Yongding, Trung Quốc có thể xem xét áp lực giảm phát này như điều kiện thuận lợi để kích thích kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và đặt mục tiêu lạm phát ở mức 3-4%. Thừa nhận tính nội sinh của cung tiền, PBOC có thể chú trọng hơn đến lãi suất như một công cụ kinh tế vĩ mô ngắn hạn, thay vì hướng nguồn lực tài chính vào các ngành và công ty cụ thể.

Đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn là công cụ hiệu quả nhất của chính phủ để kích thích nền kinh tế khi nhu cầu yếu. Nếu chính phủ gặp khó khăn trong việc tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ, PBOC có thể thực hiện phiên bản nới lỏng định lượng của riêng mình và mua nợ chính phủ trên thị trường mở.

Trái ngược với tuyên bố của một số nhà kinh tế là Trung Quốc không phải vật lộn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng quá mức. Trên thực tế, vẫn còn khoảng cách lớn về cơ sở hạ tầng cần phải thu hẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già, giáo dục, nghiên cứu khoa học, phát triển đô thị và giao thông. Cơ sở vật chất công cộng của của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển và thậm chí còn tụt hậu so với một số nền kinh tế đang phát triển.

Chắc chắn, đầu tư cơ sở hạ tầng có xu hướng không mang lại lợi nhuận và không tạo ra dòng tiền đáng kể, đó là lý do tại sao những khoản đầu tư như vậy nên được tài trợ trực tiếp thông qua ngân sách chính phủ. Nhưng để đảm bảo Trung Quốc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng, các nhà hoạch định chính sách phải đầu tư vào các dự án hiệu quả, chất lượng cao.

Quyết định của Trung Quốc phát hành thêm 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ vào năm 2023 đã đánh dấu một sự thay đổi chính sách quan trọng. Bằng cách cho phép tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP tăng từ 3% lên 3,8%, Chính phủ Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ có thể không còn giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm và nợ công ở mức tương ứng là 3% và 60% GDP (trên mô hình Hiệp ước Maastricht của Liên minh châu Âu).

Trong khi ưu tiên hàng đầu của chính phủ vào năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng và khôi phục niềm tin kinh tế, Trung Quốc cũng phải vật lộn với nợ chính quyền địa phương cao và cuộc khủng hoảng thanh khoản đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản mà nếu không được giải quyết có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng nợ bùng nổ.

May mắn thay, chính phủ Trung Quốc có nguồn lực tài chính cần thiết để đối đầu trực tiếp với những thách thức này. Bằng cách thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng cũng như theo đuổi những cải cách có ý nghĩa, Trung Quốc sẽ có vị thế tốt để đảo ngược nguy cơ nền kinh tế rơi vào giảm phát và duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm tới.

Quốc Đạt

Theo Project Syndicate

#