Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc

Tìm con đường sống chung đúng đắn

- Thứ Năm, 17/11/2022, 06:38 - Chia sẻ

Điểm nổi bật trong chuyến đi 7 ngày của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Á là cuộc gặp cấp cao kéo dài gần 3 tiếng với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra ở Bali, Indonesia ngày 14.11. Bức ảnh Tổng thống Biden bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình được truyền thông Trung Quốc đăng tải rộng rãi cùng những bình luận tích cực của các chuyên gia là những tín hiệu cho thấy hai bên đang nỗ lực ngăn chặn mối quan hệ chuyển biến xấu, ngay cả khi những bất đồng sâu sắc vẫn tồn tại.

Bước tiến nhỏ nhưng ý nghĩa

Mặc dù không có bước đột phá mang tính bước ngoặt, nhưng cuộc họp đã mang lại cho mỗi bên những chiến thắng khiêm tốn được tìm kiếm từ lâu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp G20 ở Bali, Indonesia. Nguồn: AP

Đối với Mỹ, ngoài việc đạt được sự đồng thuận của Trung Quốc trong việc thẳng thừng lên án các mối đe dọa hạt nhân, Tổng thống Biden dường như đã bảo đảm với nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc nối lại hợp tác ở cấp thấp hơn trong việc đối phó với một loạt thách thức chung toàn cầu. Về phần mình, ông Tập Cận Bình, người đã nhắm đến việc thiết lập Trung Quốc như một đồng minh địa chính trị của Mỹ, đã mang về một chiến thắng mang tính biểu tượng từ cuộc gặp - cam kết mạnh mẽ của ông Biden về chính sách “Một Trung Quốc”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau đó, ông Biden nói rằng khi nhắc đến Trung Quốc, Mỹ sẽ “cạnh tranh mạnh mẽ, chứ không tìm kiếm xung đột”. Ông nói thêm: “Tôi hoàn toàn tin rằng không cần phải có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” với cường quốc châu Á đang trỗi dậy này.

Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với chính sách “Một Trung Quốc” lâu đời của họ, chính sách này công nhận Chính phủ ở Bắc Kinh trong khi vẫn cho phép các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình, theo tường thuật của báo chí Trung Quốc về cuộc họp, “nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi trong lợi ích của Trung Quốc, là nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ, và là ranh giới đỏ đầu tiên mà Washington không được phép vượt qua”.

Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt” trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm ứng phó với biến đổi khí hậu và duy trì ổn định tài chính, y tế và lương thực toàn cầu. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí để Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh để tiếp tục thảo luận về các hướng hợp tác cụ thể trong tương lai.

Đáng chú ý, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Mỹ đã xác định rõ phương hướng là ngăn chặn quan hệ Trung - Mỹ đi chệch hướng và mất kiểm soát, tìm ra con đường sống chung đúng đắn giữa hai nước, đồng thời cho thế giới thấy, hai nước có thể quản lý tốt bất đồng, tránh cạnh tranh khốc liệt dẫn đến đối kháng xung đột. “Với tư cách là những nhà lãnh đạo của hai quốc gia, theo quan điểm của tôi, chúng ta chia sẻ trách nhiệm để chứng tỏ rằng Trung Quốc và Mỹ có thể quản lý những khác biệt, ngăn chặn không để cạnh tranh trở thành bất cứ điều gì gần như xung đột và tìm cách hợp tác cùng nhau trong các vấn đề toàn cầu cấp bách”, Tổng thống Biden phát biểu mở đầu cuộc họp thượng đỉnh.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi Tổng thống Biden “vạch ra lộ trình đúng đắn” để “nâng cao mối quan hệ” giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông cho biết, đã sẵn sàng “trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc” với người đồng cấp Biden.

Vai trò của ngoại giao nguyên thủ

Cả hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc họp rất được mong đợi với vị thế chính trị vừa được củng cố ở quê nhà. Đảng Dân chủ của ông Biden giành chiến thắng quan trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8.11 với việc nắm giữ quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ. Còn ông Tập Cận Bình vừa được Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX hồi tháng 10 tín nhiệm trao thêm một nhiệm kỳ Tổng Bí thư 5 năm nữa, đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông kể từ năm 2012, một bước đột phá với truyền thống.

Các trợ lý của Nhà Trắng đã nhiều lần tìm cách giảm thiểu khái niệm xung đột giữa hai quốc gia và nhấn mạnh sự tin tưởng các quốc gia có thể cùng nhau giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu và an ninh y tế. Nhưng các mối quan hệ đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, khi những khác biệt về kinh tế, thương mại, nhân quyền và an ninh trở nên nổi bật.

Trên thực tế, mặc dù hai nhà lãnh đạo đã có năm cuộc gọi điện thoại hoặc video trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden, các quan chức Nhà Trắng cho biết, những cuộc gặp đó không thể thay thế cho một cuộc gặp trực tiếp. Họ nói rằng việc một cuộc gặp trực tiếp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình càng quan trọng hơn sau khi ông Tập Cận Bình bước vào nhiệm kỳ thứ ba và bởi vì các quan chức cấp thấp hơn của Trung Quốc đã không thể hoặc không muốn phát biểu thay cho nhà lãnh đạo của họ.

Tại buổi họp báo sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Biden, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhận định: Ngoại giao nguyên thủ là kim chỉ nam cho quan hệ Trung - Mỹ, đồng thời đóng vai trò chỉ đạo chiến lược không thể thay thế đối với sự phát triển của quan hệ song phương. Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi hai nước nhìn nhận đúng đắn về chính sách đối nội, đối ngoại cũng như ý muốn chiến lược của nhau, thiết lập một nền tảng giao lưu đối thoại không đối đầu, cùng thắng. Trước đó, các quan chức Nhà Trắng và những người đồng cấp Trung Quốc của họ đã dành nhiều tuần để đàm phán chi tiết về cuộc gặp, được tổ chức tại khách sạn của Trung Quốc với các phiên dịch viên thông dịch ngay lập tức thông qua tai nghe.

Cả Bắc Kinh và Washington cũng dành ra nhiều nỗ lực thầm lặng trong hai tháng qua để hàn gắn quan hệ. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen trước đó đã nói với các phóng viên ở Bali rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nhằm mục đích ổn định mối quan hệ và tạo ra một "bầu không khí chắc chắn hơn" cho các doanh nghiệp Mỹ.

Các chuyên gia đánh giá, cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ mở ra những cuộc đối thoại cởi mở hơn trong tương lai. Ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh và ngoại giao quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã tập trung vào tầm nhìn chiến lược của họ và thỏa thuận trao quyền cho các quan chức cấp cao tham gia vào nỗ lực giải quyết những khác biệt song phương. “Việc đưa ra các ưu tiên của mỗi nhà lãnh đạo chính là kiểu đối thoại mà hai nhà lãnh đạo cần thực hiện. Việc đối thoại và lắng nghe quan điểm trực tiếp sẽ giúp hai nhà lãnh đạo thấu hiểu nhau hơn”, ông Russel nói.

Còn nhận xét về cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Biden nói, người đồng cấp của ông vẫn luôn như vậy. “Tôi không thấy ông ấy tỏ ra đối đầu hay hòa giải hơn”, ông Biden nói. “Tôi nhận thấy ông ấy vẫn luôn như vậy, trực tiếp và thẳng thắn”.

Quốc Đạt