Thượng viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật an ninh biên giới và viện trợ cho Ukraine

- Thứ Sáu, 02/02/2024, 16:37 - Chia sẻ

Tuần tới, Thượng viện Mỹ sẽ có một cuộc bỏ phiếu quan trọng về dự luật an ninh biên giới với Mexico, vốn được các nhà lập pháp coi như điều kiện tiên quyết để mở khóa gói viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine và Israel vẫn đang bị đình trệ tại Quốc hội nước này. Đây sẽ là phép thử quan trọng ở Thượng viện trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất đồng giữa đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ.

Thượng viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật an ninh biên giới và viện trợ cho Ukraine  -0
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer phát biểu tại Thượng viện. Ảnh: AP

Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer cho biết cuộc bỏ phiếu về dự luật an ninh biên giới sẽ diễn ra muộn nhất vào ngày 7.2. Ông Schumer nói rằng: “Giải quyết những thách thức này không hề dễ dàng nhưng chúng ta không thể đơn giản trốn tránh trách nhiệm của mình chỉ vì nhiệm vụ này khó khăn”. Tuy nhiên, hiện một số đảng viên Cộng hòa vẫn không cam kết ủng hộ những thay đổi về chính sách biên giới, tương lai của dự luật vẫn khá mù mịt.

Trong vòng nhiều tháng qua, Quốc hội Mỹ vẫn luôn tranh cãi về một thỏa thuận chống nhập cư bất hợp pháp. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa muốn đẩy mạnh việc duy trì an ninh biên giới để đổi lấy việc chấp thuận yêu cầu cung cấp viện trợ quân sự của Nhà Trắng cho Ukraine và Israel. Theo các đảng viên đảng Dân chủ, viện trợ cho các đồng minh là điều cần thiết để hỗ trợ nền dân chủ toàn cầu, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cho rằng tình trạng nhập cư bất hợp pháp quá mức qua biên giới phía nam với Mexico là mối lo ngại an ninh cực kỳ quan trọng. Đảng này khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden cần có trách nhiệm hơn đối với tiền của những người Mỹ đã đóng thuế.

Các nhà đàm phán tại Thượng viện dự kiến văn bản chi tiết của dự luật sẽ được công bố muộn nhất là ngày 4.2 với các biện pháp nhằm cải tổ hệ thống tị nạn của Hoa Kỳ cũng như cho phép Mỹ gửi hàng chục tỷ đô la hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Israel và các đồng minh khác ở châu Á.

Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã từ chối ủng hộ dự luật cho đến khi họ có thể nắm rõ các chi tiết. Họ cũng đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, người đã gọi các đề xuất này là không đủ để trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Trên thực tế, ngay cả khi dự luật được Thượng viện thông qua, nó vẫn cần được phê chuẩn tại Hạ viện - nơi Chủ tịch Mike Johnson khẳng định sẽ không ủng hộ dự luật. Cả ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đều phản đối một trong những thỏa hiệp chính của dự luật: quyền trục xuất sẽ tự động có hiệu lực vào những ngày mà số lượt vượt biên trái phép lên tới hơn 5.000 người trong thời gian trung bình 5 ngày. Cả hai đều cho rằng điều đó tương đương với việc bật đèn xanh cho 5.000 người di cư qua biên giới hàng ngày.

Nhưng thượng nghị sĩ Lankford và Kyrsten Sinema, những người tham gia soạn thảo dự luật, giải thích rằng, điều khoản này chỉ nhằm tránh cho cơ quan trục xuất bị quá tải và những người xin tị nạn sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe hơn trong các cuộc phỏng vấn ban đầu để có thể được đưa vào hệ thống xử lý nhanh chóng. Trong trường hợp người di cư nộp đơn xin tị nạn tại cảng nhập cảnh, họ sẽ được đưa vào “chương trình thẩm quyền trục xuất” và trường hợp tị nạn của họ sẽ được giải quyết trong vòng 6 tháng. Những người di cư vượt biên bất hợp pháp sẽ bị giam giữ và trục xuất trong vòng 10 - 15 ngày nếu họ thất bại trong các cuộc phỏng vấn ban đầu, được gọi là các cuộc phỏng vấn sàng lọc. Thượng nghị sĩ Lankford nói: “Quy trình này được thiết lập để có thể xử lý nhiều người nhanh hơn, đưa ra quyết định nhanh hơn, trục xuất nhanh hơn”.

Trong khi đó, những người ủng hộ nhập cư lại lo ngại, các biện pháp cải tổ hệ thống tị nạn, cũng như lời hứa của Biden sẽ “đóng cửa biên giới” nếu dự luật được ban hành, sẽ tước đi cơ hội của những người xin tị nạn được tòa án xem xét đẩy đủ các yêu cầu và làm suy yếu vai trò của Hoa Kỳ như một nơi trú ẩn an toàn cho những người chạy trốn bạo lực.

Robyn Barnard, người chỉ đạo vận động người tị nạn tại Human Rights First, cho biết: “Chính quyền Biden đã cho thấy họ hoàn toàn tập trung vào những con số đáng lo ngại ở biên giới hơn là tập trung vào những gì đang xảy ra ở biên giới dưới lăng kính nhân đạo”.

Thượng nghị sĩ Sinema cho biết các phần chính sách biên giới của dự luật đã được hoàn thiện và cô mong đợi các nhà lập pháp sẽ nhanh chóng “cởi trói” cho các điều khoản về viện trợ sau đó. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Chris Murphy, Đảng viên Đảng Dân chủ, một người tham gia đàm phán về dự luật, bày tỏ sự thất vọng khi thấy sự ủng hộ từ Đảng Cộng hòa vẫn khá bấp bênh khi chính họ nhất quyết kết hợp những thay đổi chính sách biên giới với chính sách viện trợ của Ukraine. Ông nói: “Tôi thật hoang mang khi sau 4 tháng làm việc để đạt được một thỏa thuận đột phá nhằm giải quyết vấn đề biên giới, đảng Cộng hòa lại muốn từ bỏ chỉ vì Donald Trump không thích nó”.

Sự phản kháng từ cánh hữu đã cản trở những nỗ lực trước đây tại Quốc hội nhằm thông qua luật nhập cư và an ninh biên giới của lưỡng đảng, và các nhà lập pháp đã không thực hiện những sửa đổi lớn đối với luật nhập cư trong nhiều thập kỷ.

Trước đó ngày 6.12.2023, dự luật chi tiêu nhằm cung cấp viện trợ cho Ukraine và Israel đã từng bị chặn tại Thượng viện Mỹ. Vào thời điểm đó, dự luật đã không thể thông qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện do có 49 phiếu ủng hộ và 51 phiếu phản đối, ảnh hưởng trực tiếp tới nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm cung cấp viện trợ trước cuối năm 2023.

Gói viện trợ cuối cùng trị giá 250 triệu USD đã được Tổng thống Biden phê duyệt vào cuối tháng 12.2023 thông qua Cơ quan rút vốn của Tổng thống (PDA), cho phép vận chuyển vũ khí khẩn cấp cho các đồng minh mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Tới đầu tháng 1, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cảnh báo rằng quân đội đang cạn kiệt các lựa chọn "để bổ sung kho dự trữ".

Quỳnh Vũ
#