Đặt trọng tâm vào tính chủ động của học sinh
Một trong những lĩnh vực cải cách quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản là chương trình giảng dạy. Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ (MEXT) đã đưa ra nhiều sửa đổi nhằm giảm cách học tập trung vào ghi nhớ, thay vào đó tăng cường học tập chủ động. Chương trình giảng dạy mới khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động giải quyết vấn đề, các dự án hợp tác và các cuộc thảo luận, làm việc nhóm để nâng cao kỹ năng tư duy phản biện lẫn khả năng tương tác. Công nghệ thông tin và truyền thông cũng được kết hợp vào chương trình học để chuẩn bị cho học sinh bước vào kỷ nguyên số. Chẳng hạn, bắt đầu từ năm 2020, giáo dục lập trình đã trở thành bắt buộc ở các trường tiểu học, thúc đẩy tư duy tính toán ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) cũng được chú trọng để bồi dưỡng khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy logic, cùng nhiều kỹ năng kỹ thuật khác. Thực tế, việc thúc đẩy giáo dục STEM được xác định là thành phần quan trọng trong cải cách giáo dục tại Nhật Bản kể từ năm 2020. Ngoài ra, cải cách còn tập trung vào giáo dục thể chất, nghệ thuật và giáo dục đạo đức để nuôi dưỡng những cá nhân toàn diện…
Chuyển sang hình thức học tập linh hoạt
Các cải cách giáo dục được thực hiện từ năm 2020 đánh dấu bước chuyển mình từ cấu trúc lớp học truyền thống sang áp dụng hình thức học tập linh hoạt hơn. Điều này bao gồm việc đưa ra khái niệm “học tập chủ động” để thúc đẩy học sâu và độc lập, đồng thời “quản lý chương trình giảng dạy” để điều chỉnh giáo dục theo thực tế địa phương. Mục tiêu là tập trung vào học tập tự định hướng, cho phép trẻ em suy nghĩ độc lập và có được các kỹ năng giải quyết vấn đề lẫn giao tiếp.
Cụ thể là, học tập độc lập truyền thống cho từng môn học đã được thay thế bằng học theo chủ đề và theo dự án trên nhiều lĩnh vực học thuật. Học sinh hiện có thể lựa chọn phương pháp và chủ đề học tập dựa trên sở thích hay mối quan tâm của riêng mình. Vai trò của giáo viên đã chuyển từ người hướng dẫn sang người hỗ trợ và tạo điều kiện.
Thay đổi phương pháp đánh giá
Cải cách giáo dục của Nhật Bản cũng mang lại nhiều thay đổi trong phương pháp đánh giá học tập. Thay vì chỉ dựa vào các bài kiểm tra viết đơn giản theo truyền thống, một phương pháp tiếp cận toàn diện đã được đưa ra để đánh giá nhiều kỹ năng, khả năng khác nhau. Do đó, không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng tư duy, diễn đạt và giải quyết vấn đề hiện cũng được đưa vào quy trình đánh giá.
Chẳng hạn, phạm vi đánh giá kết quả học tập được mở rộng và các phương pháp như thuyết trình, sáng tác tác phẩm, thảo luận nhóm đã được áp dụng ngoài các kỳ thi viết. Ngoài ra, phương pháp đánh giá không dựa vào kỳ thi và phương pháp nhấn mạnh vào quá trình học tập và sự phát triển của cá nhân cũng được đưa ra…
Cải cách kỳ thi tuyển sinh đại học
Truyền thống, các kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản chủ yếu dựa vào một bài kiểm tra chung toàn quốc gọi là kỳ thi trung tâm. Tuy nhiên, kỳ thi này phải bao gồm tất cả các yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh đại học trong một bài kiểm tra duy nhất, và điều này đôi khi gây khó khăn cho một số học sinh. Bên cạnh đó, có lo ngại rằng phương pháp đánh giá của kỳ thi trung tâm có sự thiên lệch, vì chủ yếu chỉ đánh giá kiến thức qua một bài kiểm tra duy nhất.
Để giải quyết những vấn đề trên, một bài kiểm tra mới có tên là “Bài kiểm tra chung tuyển sinh đại học” đã được giới thiệu vào năm 2020. Nó hướng tới đánh giá toàn diện nhiều kỹ năng và khả năng học tập hơn bài kiểm tra trung tâm trước đây. Cụ thể, việc đưa bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) vào tiếng Anh, cùng với các bài kiểm tra viết tiếng Nhật và toán học, đã được xem xét. Mặc dù, học sinh Nhật Bản sẽ phải tham gia nhiều bài kiểm tra hơn, song các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng rằng, các điều chỉnh, cải tiến trong nội dung và tiêu chuẩn đánh giá của bài kiểm tra chung sẽ giúp thiết lập hệ thống kỳ thi tuyển sinh đại học hiệu quả, hợp lý hơn.